Hội nhậpGiáo dục phát triển

Hoạt động đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Cần có thêm chính sách cụ thể để khuyến khích

Tạp Chí Giáo Dục

Trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Tuấn Phong

Là một hoạt động còn mới ở Việt Nam, tuy nhiên kiểm định chất lượng GD, trong đó có kiểm định chất lượng GD đại học (KĐCLGDĐH) cũng đang tạo một xu hướng, tác phong mới trong đào tạo, xác định trách nhiệm cụ thể của cơ sở GDĐH đối với người học, người sử dụng lao động và đối với xã hội. Tuy nhiên, trong KĐCLGDĐH vẫn còn tồn tại tính hình thức và một số yếu kém khác.

Đến 2010 phấn đấu ít nhất 80% số trường ĐH và 50% số trường CĐ được đánh giá ngoài

Trong Hội nghị sơ kết công tác KĐCLGDĐH (ngày 25/12/2008), Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD (Bộ GD- ĐT) đã cho biết: Hiện cả nước có 20 trường ĐH, 1 chương trình GD ngành giáo dục tiểu học trình độ cao đẳng (tại 4 trường CĐ sư phạm) được đánh giá ngoài; 27 trường ĐH và 16 trường CĐ khác đã có báo cáo tự đánh giá và đang chuẩn bị để đánh giá ngoài. Phấn đấu đến 2010 có ít nhất 80% số trường ĐH, 50% số trường CĐ được đánh giá ngoài.

Để chuẩn bị cho việc hình thành hệ thống các tổ chức đánh giá CLGD độc lập, nhằm triển khai các hoạt động đánh giá khách quan, Bộ GD- ĐT đang hoàn thiện văn bản quy định về điều kiện thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổ chức đánh giá CLGD độc lập để sớm thành lập các cơ quan đánh giá CLGD độc lập. Bộ GD- ĐT cũng chủ trương xây dựng và củng cố hệ thống các đơn vị làm công tác đảm bảo chất lượng tại các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ. Bộ GD- ĐT cũng đã phối hợp với Cơ quan GD ĐH chuyên ngành HBO raad của Hà Lan để triển khai Dự án “Thành lập 5 trung tâm đảm bảo chất lượng cho 5 trường ĐH và tăng cường năng lực ở cấp hệ thống” giai đoạn 2005- 2008. Cục KĐCLGD đã là thành viên chính thức của Mạng lưới chất lượng châu Á- Thái Bình Dương (APQN). Hội nghị thường niên của APQN sẽ được tổ chức vào tháng 3/2009 tại Hà Nội.

Trong 3 năm gần đây, tại 173 trường ĐH, 178 trường CĐ trong cả nước đã và đang triển khai tự đánh giá CLGD. Phấn đấu đến tháng 5/2009 có 90% số trường ĐH, CĐ trong cả nước hoàn thành báo cáo tự đánh giá. Hàng năm, Bộ GD- ĐT đều tiến hành khảo sát thực trạng các trường ĐH, CĐ để cập nhật thông tin về các trường ĐH, CĐ nhằm hỗ trợ công tác KĐCLGD. Năm 2007 có 89 trường ĐH nộp báo cáo, năm 2008 có 111 trường CĐ và 121 trường ĐH nộp báo cáo khảo sát thực trạng. Đến tháng 12 năm 2008 đã có 110 trường ĐH và 77 trường CĐ thành lập trung tâm, phòng hoặc tổ đảm bảo chất lượng (ĐBCL), trong đó có 5 trung tâm do Chính phủ Hà Lan hỗ trợ thành lập và triển khai hoạt động trong 3 năm qua. Các hoạt động đánh giá CL giảng dạy, đánh giá chương trình, kiểm toán nội bộ bắt đầu được triển khai thực hiện tại một số trường ĐH, CĐ và đang được mở rộng quy mô áp dụng.

ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và một số trường ĐH khác đang phấn đấu đạt chuẩn quốc tế về đào tạo, đăng ký kiểm định với các tổ chức điểm định của nước ngoài.

Vẫn còn nhiều thách thức, bất cập

Một thực tế hiện nay là nhận thức của cán bộ, GV trong các trường ĐH, CĐ, cũng như nhận thức của xã hội về đánh giá và KĐCLGD chưa thực sự sâu sắc. Điều này dẫn đến việc triển khai KĐCLGD ở một số trường còn mang tính hình thức, nên chất lượng của các báo cáo tự đánh giá chưa cao, vai trò của các trung tâm, phòng, hoặc tổ ĐBCL còn mờ nhạt, công tác cải tiến chất lượng còn hạn chế. Hàng năm, công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, GV chưa chú trọng đến các nội dung liên quan đến công tác đánh giá và KĐCLGD. Theo Cục KT&KĐCLGD đây là một hạn chế cần sớm được khắc phục.

Mặc dù Bộ GD- ĐT đã có qui định về việc thành lập các đơn vị chuyên trách làm công tác ĐBCL trong các trường ĐH, CĐ, song đến nay vẫn còn có 130 trường CĐ, 180 trường ĐH chưa có trung tâm, phòng, tổ hoặc bộ phận chuyên trách làm công tác này. Cục KT&KĐCLGD cũng cho biết: Các đơn vị chuyên trách đã được thành lập ở các trường khác thì chưa có qui định thống nhất về tên gọi, chức năng và nhiệm vụ triển khai chưa đồng bộ, còn lúng túng và kém hiệu quả. Trong khi đó đội ngũ cán bộ làm KĐCLGD tại các trường vừa thiếu, vừa yếu, hầu hết đều mới và chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác đánh giá và KĐCLGD cũng chưa được thực sự quan tâm đúng mức, nên nhiều trường chưa bố trí cán bộ đủ số lượng và chất lượng để triển khai thực hiện. Từ đó dẫn đến chất lượng của một số hoạt động như: tự đánh giá, cải tiến chất lượng còn hạn chế; công tác tham mưu của các đơn vị làm công tác này cho lãnh đạo nhà trường chưa đạt hiệu quả, thậm chí “mờ nhạt”.

* Phấn đấu đến cuối năm học 2008- 2009 có 100% số trường ĐH, CĐ triển khai thực hiện tự đánh giá CLGD hàng năm, trong đó có ít nhất 90% số trường ĐH, CĐ trong cả nước hoàn thành báo cáo tự đánh giá ít nhất một lần trong giai đoạn 2005- 2009.

* ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và một số trường đại học khác đang phấn đấu đạt các chuẩn mực quốc tế về đào tạo, đăng ký kiểm định với các tổ chức kiểm định của nước ngoài (2 ĐH quốc gia phấn đấu đạt nhãn hiệu ĐBCL bên trong của AUN, ĐH Đà Nẵng đang có chương trình phấn đấu đạt chuẩn của ABET- Hoa Kỳ…)

Một vấn đề nữa là kinh phí chi cho hoạt động ĐBCL chưa đáp ứng được yêu cầu. Phần lớn các trường ĐH, CĐ chưa chú trọng dành kinh phí cho hoạt động này. Một số ít trường đã chủ động dành kinh phí cho công tác này, nhưng còn rất hạn chế. Bộ GD- ĐT vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về mức chi cho hoạt động đảm bảo và KĐCLGD nên việc vận dụng ở các trường càng khó khăn. Bộ cũng chưa ban hành cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích các hoạt động đảm bảo và KĐCLGD, chưa xác định cụ thể lợi ích giữa Nhà nước, nhà trường và người học, đặc biệt là lợi ích của các trường ĐH, CĐ. Vì vậy, đảm bảo và KĐCLGD chưa trở thành nhu cầu thực sự, chưa có ý nghĩa sống còn đối với nhà trường. Đã có chủ trương phân cấp quản lý công tác đánh giá và KĐCLGD, song quá trình phân cấp còn chậm. Theo Cục KT&KĐCL, cần phải nhanh chóng ban hành những văn bản liên quan để triển khai phân cấp quản lý công tác đánh giá và KĐCLGD.

Chuẩn bị cho “Năm học đánh giá chất lượng GD” và phát triển ĐGCLGDĐH

Để chuẩn bị cho việc triển khai chủ đề của năm học 2009- 2010 là “Năm học đánh giá chất lượng giáo dục”. Cục KT&KĐCLGD cho rằng cần phảI tăng cường nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, GD về công tác đánh giá và KĐCLGDĐH để đảm bảo có hiểu biết nhất định về công tác này tương ứng với vị trí công tác. Cũng cần xây dựng các chính sách ưu tiên về chỉ tiêu tuyển sinh, về kinh phí gắn với kết qủa KĐCLGD để khuyến khích các trường thực hiện KĐCLGD theo hướng trường có tham gia KĐCL và trường đạt tiêu chuẩn chất lượng thì được hưởng chính sách cao hơn.

Cục KT& KĐCLGD cho rằng, cần mở rộng quy mô và đẩy nhanh tiến độ tự đánh giá, thực hiện triển khai tự đánh giá hàng năm. Tiếp tục tập huấn tự đánh giá cho các trường ĐH, CĐ mới được thành lập hoặc nâng cấp. Tiếp tục triển khai các hoạt động đánh giá ngoài. Tăng cường phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác đánh giá và KĐCLGDĐH. Trước hết tập hợp những người đã được đào tạo ở nước ngoài và trong nước về lĩnh vực này, thuê tổ chức quốc tế đào tạo khoảng 50-100 chuyên gia có trình độ tương đương quốc tế để triển khai đánh giá và KĐCLGDĐH. Khai thác tối đa nguồn học bổng để cử cán bộ đi học dài hạn và ngắn hạn về lĩnh vực đánh giá và KĐCLGDĐH. Các trường ĐH, CĐ cũng cần nhanh chóng thành lập đơn vị làm KT&KĐCLGD. Khuyến khích các trường ĐH, CĐ đăng kí làm thành viên của tổ chức đánh giá và KĐCLGD (cả trong nước và quốc tế)…

Cũng theo Cục KT&KĐCLGD, để tiếp tục triển khai công tác đảm bảo và KĐCLGDĐH, cần có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ, có sự phối hợp và chia sẻ trách nhiệm giữa Bộ GD&ĐT, các bộ ngành và địa phương để thống nhất trong chỉ đạo và triển khai thực hiện. Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đảm bảo và KĐCLGDĐH.

Theo GDTĐ

Bình luận (0)