Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hoạt động đơn giản trong giáo dục trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Tiết học “Những quả bóng ngộ nghĩnh” của Trường MN 9 quận Tân Bình

Mấy năm gần đây, Trường MN 9 quận Tân Bình đã thực hiện nhiều chuyên đề về nâng cao chất lượng giảng dạy phù hợp với lứa tuổi mẫu giáo, nhà trẻ. Và việc tổ chức thành công từ một sáng kiến kinh nghiệm, chuyên đề “Tổ chức các hoạt động đơn giản trong giáo dục trẻ” trong năm học này đã giúp cho các đơn vị bạn rút ra được nhiều bài học về đổi mới phương pháp dạy học lứa tuổi MN.
Kỹ năng sống ban đầu     
Mục đích của các tiết học thuộc chuyên đề này là tạo cho trẻ một không gian hoạt động tích cực, tự nhiên, từ đó mở ra một “lối đi” sáng tạo cho các cháu. Có thể nói đây là con đường ngắn nhất mà cô giáo dẫn dắt trẻ xích lại gần với môi trường sống, giúp các cháu dễ dàng hòa nhập với cuộc sống. Mặt khác những hoạt động đơn giản trong mỗi giờ học sẽ vun đắp thêm kỹ năng sống, kỹ năng xã hội cho trẻ như hành vi giao tiếp, cách đối xử quan hệ, cách xử lý tình huống… Từ những góc chơi gần gũi với đời thường mà năng lực hoạt động của trẻ như vận động, cảm thụ, nhận thức được phát triển đồng đều.
Tại lớp nhà trẻ 25 đến 36 tháng của cô Nguyễn Thị Giang Thanh, tiết học bắt đầu bằng thao tác cả lớp lấy búp bê từ trên kệ ra chơi. Thế là như bầy chim non được rời tổ, có cháu ẵm búp bê ra ghế ngồi, có cháu lại ôm như mẹ nựng con, có cháu xốc lên vai… Trong khi đó giáo viên quan sát cách chơi của trẻ để “khám phá” hành vi đối xử của từng cá nhân trong lớp xem thử thái độ của các cháu như thế nào đối với một “bản sao” của con người là những “nàng” búp bê. Thông qua những động tác mẫu, giáo viên dạy trẻ kỹ năng chăm sóc qua hành vi ôm ấp, âu yếm búp bê, giáo dục ý thức quan tâm tới người khác. Khi các cháu đã có kỹ năng tốt về những bài học sơ giản thì giáo viên nên “tiến một bước” xa hơn là dạy trẻ về kỹ năng phân loại. Tùy vào hoạt động tự nhiên của trẻ khi sắp xếp 2 loại vớ tay và chân để mang cho búp bê mà từ đó giáo viên đưa ra biện pháp giáo dục phù hợp. Đây là hoạt động không hề có sẵn trong giáo án mà là những tình huống bất ngờ có khi ngoài cả dự kiến của giáo viên. Cô phải giải thích cho học sinh biết nhận diện về màu sắc, hình khối các loại vớ trong rổ rồi sau đó phân thành từng đôi để tránh nhầm lẫn. Những công việc khác như cho “em bé” tập đi, cởi vớ rồi xếp và cất vào chỗ cũ tuy đơn giản nhưng đó chính là bước chạm ngõ đầu tiên đến với kỹ năng sống cho các cháu ở lứa tuổi nhà trẻ.
Dạy theo tình huống
Giờ hoạt động ngoài trời “Những quả bóng ngộ nghĩnh” của lớp mẫu giáo lại tạo điều kiện cho trẻ có cơ hội chơi với vật hình tròn để biết phân loại các quả bóng. Cũng giống như tiết học trên, giáo viên cho trẻ chơi tự do với bóng để làm quen, sau đó trả lời một vài câu hỏi của cô để nhận diện sự vật qua hình dáng, màu sắc theo cảm tính.
Hấp dẫn nhất đối với trẻ là góc chơi cùng với nước, ở đó các cháu mặc sức huy động trí não và sức khỏe để múc nước vào xô, cho nước vào ống dẫn hoặc vào các dụng cụ đựng nước tận dụng như chai, lọ, phễu.
Giờ vui chơi trong lớp đối với trẻ mẫu giáo luôn sinh động vì có góc âm nhạc, góc khoa học và góc đọc sách. Trên nền nhạc cổ điển hay hiện đại với tiết tấu riêng, trẻ có thể “múa” cọ để họa những bức chân dung, phong cảnh theo cảm quan của mình.
Khi trẻ vào “dự khán” phòng đọc sách, giáo viên quan sát xem trẻ thích loại sách nào, nhất là những kệ sách mới để xem thái độ của trẻ như thế nào. Từ các tình huống đó, giáo viên tận dụng dạy cho trẻ quan sát lựa chọn sách như xem tựa sách, hình vẽ trên trang bìa, cách mở sách ra xem và cách bảo quản sách. Có thể cho trẻ trả lời những câu hỏi đơn giản nhưng lại phát huy óc phán đoán, nhận xét như so sánh giấy trang bìa và giấy các trang ruột. Nếu sách bị rách, nên tập cho trẻ cách dán lại nguyên trang. Những việc làm này không chỉ bảo quản tốt đồ dùng dạy học mà còn giáo dục ý thức bảo vệ của công và quý trọng những món ăn tinh thần không thể thiếu cho con người.
Nguyễn Hoàng Anh

Bình luận (0)