Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận tặng bằng khen UBND TP cho nhà báo Hòa Triều và Phó thư ký tòa soạn Trương Tấn Trực
|
Chiều 14-11, Báo Giáo dục TP.HCM đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm (1994-2014) ngày thành lập báo. Tham dự buổi lễ có ông Đào Văn Lừng – Vụ trưởng, Ban Tuyên giáo TW, ông Hứa Ngọc Thuận – Phó chủ tịch UBND TP, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP, ông Nguyễn Tiến Đạt – Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP…
20 năm – một chặng đường đổi mới và sáng tạo
Ngày 20-11-1994, Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo (tờ báo thứ hai của ngành giáo dục cả nước, sau Giáo dục và Thời đại của Bộ GD-ĐT), là tờ báo đầu tiên và duy nhất của một địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất nước đã phát hành số báo đầu tiên. Lúc đó, mỗi tháng chỉ xuất bản 1 kỳ.
Với yêu cầu thông tin về sự hội nhập, phát triển giáo dục, năm 1999 tăng lên 3 kỳ, năm 2001 trở thành tuần báo. Mặc dù đã là tuần báo nhưng báo vẫn chưa truyền tải hết những thông tin, những đóng góp của các nhà giáo đối với công cuộc đổi mới giáo dục. “Vì thế, nhu cầu tăng cường quy mô và chất lượng thông tin của báo là rất lớn nên tờ báo cần phải đổi khổ tăng kỳ… Bên cạnh những ý kiến đồng thuận cũng có không ít ý kiến cho rằng, đổi khổ, tăng kỳ vào lúc này là một sự lựa chọn mạo hiểm vì thị trường báo chí trong nước có phần teo tóp do sự bùng phát của báo điện tử. Nhưng rồi kế hoạch đổi khổ, tăng kỳ, đổi măng-sét, giảm giá bán được Hội đồng cơ quan cân nhắc lần cuối và trình lãnh đạo cơ quan chủ quản. Bộ VH-TT và UBND TP cũng đã cấp giấy phép: Đổi khổ, tăng kỳ, đổi tên tờ báo Giáo dục & Sáng tạo thành Báo Giáo dục TP.HCM. Đầu tháng 9-2003 tờ báo mới ra đời trong niềm vui của anh chị em cơ quan, cán bộ – giáo viên trong ngành và bạn đọc gần xa. Qua đó tạo dấu ấn về sự đổi mới cả hình thức lẫn nội dung so với tờ tuần báo trước đó. 20 năm, kể từ ngày Giáo dục & Sáng tạo ra số báo đầu tiên đến nay, Báo Giáo dục TP.HCM đã trải qua bốn giai đoạn với hai đợt cải tổ lớn vào các năm 1999 và 2003. Đó là một quãng đường dài đầy gian khó, có lúc đường đi êm ả nhưng cũng có lúc gặp phải gập ghềnh và cuối cùng đã chạy trên con đường rộng phẳng và có khả năng tăng tốc…”, ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM phát biểu.
Là tờ báo ngành sinh sau đẻ muộn, phải tự lực cánh sinh, nhưng Báo Giáo dục TP.HCM đã tồn tại và phát triển không ngừng. Sự hình thành và tồn tại của báo đã góp phần làm phong phú thêm cho làng báo của TP và cả nước.
Báo đã hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích!
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn (bìa phải) và Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Tú (bìa trái) tặng kỷ niệm chương cho các đơn vị nhiều năm đồng hành cùng Báo Giáo dục
|
Đó là khẳng định của ông Đào Văn Lừng. “Những phần thưởng của Trung ương, của TP.HCM và của Sở GD-ĐT TP trao cho Báo Giáo dục TP.HCM đã ghi nhận hết những đóng góp của báo. 20 năm qua, vượt qua những khó khăn, báo đã phát triển mạnh mẽ. Đây là sự nỗ lực rất lớn, là một thành công để báo khẳng định vị trí của mình. Trong thời gian qua, tờ báo có rất ít sai sót, hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, được bạn đọc yêu quý. Không phải tờ báo nào cũng làm được vậy…”, ông Đào Văn Lừng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Hứa Ngọc Thuận cũng nhận xét: “Hiện nay giáo dục ngày càng được xã hội quan tâm với những cách nhìn khác nhau. Thông qua Báo Giáo dục TP.HCM, những quan điểm dù trái chiều đã được định hướng đúng đắn hơn, từ đó thống nhất được mục đích giáo dục. Có thể nói, báo cơ bản đã làm tốt nhiệm vụ của ngành giáo dục – đó là phổ biến những chủ trương của ngành, tâm tư nguyện vọng của giáo viên. Đồng thời là cầu nối để các thầy cô giáo chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác chuyên môn”.
Ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Ban Tuyên giáo TW (bìa trái) và ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP (bìa phải) tặng cờ Truyền thống của UBND TP.HCM cho cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Giáo dục TP.HCM. Ảnh:Đ.Thành
|
“Cùng với cả nước, ngành GD-ĐT TP đang triển khai và thực hiện nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Chúng tôi mong, Báo Giáo dục TP.HCM giúp cho cấp ủy, chính quyền và ngành GD-ĐT thông tin được những công việc, kết quả, bước đi của giáo dục TP trong việc thực hiện nghị quyết số 29. Đồng thời, báo định hướng dư luận hiểu đúng để thực hiện có hiệu quả nghị quyết này. Tuổi 20 là tuổi đẹp nhất của cuộc đời, tuổi của sự trưởng thành, sung sức và sáng tạo. Tôi mong tờ báo mà cụ thể là cán bộ và phóng viên không ngừng phát triển năng lực và tâm huyết để đáp ứng nhu cầu thông tin trong thời đại mới”, ông Thuận yêu cầu.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Trung ương và thành phố, ông Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Tú nói: “Ban Biên tập nhiệm kỳ 2012-2017 và các năm tiếp theo cùng tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Giáo dục TP.HCM luôn xác định cần nỗ lực, năng động, sáng tạo… nhiều hơn nữa, cùng hướng về phía trước với những bước đi phù hợp nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ truyền thông của một đơn vị báo chí trong thời kỳ mới”.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo TW, UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT TP chụp hình lưu niệm với toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Giáo dục
|
Dịp này, UBND TP đã trao tặng Cờ truyền thống cho cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Giáo dục TP.HCM nhân kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển. Đồng thời, 2 cá nhân là phóng viên Hòa Triều và Phó thư ký tòa soạn Trương Tấn Trực đã được nhận bằng khen của UBND TP.HCM; 10 cá nhân được nhận giấy khen của Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Ngoài ra, Báo Giáo dục TP.HCM cũng đã trao tặng kỷ niệm chương cho 13 đơn vị và 7 cá nhân do có nhiều đóng góp, hỗ trợ cho sự phát triển của báo trong 20 năm qua…
Triều Hòa
Bình luận (0)