Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp: Vai trò người thầy được thay thế

Tạp Chí Giáo Dục

Tiết mục dân ca quan họ Bắc Ninh (Trường THPT Thanh Đa)

Đúng như bản thân tên gọi, hoạt động ngoài giờ lên lớp (HĐNGLL) là tiết học ngoài giờ chính khóa. Thế nhưng cũng không thua kém gì với các môn học khác, những tiết học này đã mang lại nhiều điều bổ ích trong việc nhận thức, bồi dưỡng tư tưởng và tình cảm cho học sinh thông qua những hình thức dạy học khác nhau.
Học sinh tự thiết kế tiết học HĐNGLL
Trong phân phối chương trình THPT, môn học HĐNGLL mỗi tuần chỉ gói gọn trong hai tiết. Tùy theo từng trường mà HĐNGLL có thể tổ chức vào đầu hoặc cuối tuần. Với nhiều chủ đề khác nhau, có những bài nếu tổ chức trong 90 phút thì không đủ thời gian cho giáo viên truyền thụ kiến thức cũng như để học sinh đưa ra các ý kiến trao đổi, bàn luận về những vấn đề liên quan. Trường THPT Thanh Đa đã linh hoạt hơn trong việc tổ chức các tiết HĐNGLL cho các khối lớp từ 10 đến 12. Một chủ đề chúng tôi được tham dự gần đây với khối 12 trong HĐNGLL rất ấn tượng là: “Thanh niên với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” đã được nhà trường tổ chức theo kiểu “ghép” cho toàn khối 12. Dưới hình thức một hội thi, các lớp thể hiện tài năng qua các phần trang phục, ứng xử, năng khiếu của từng đội nhóm. Tuy không trình diễn hết trang phục của 54 dân tộc trong cả nước nhưng phần thi này đã trở thành “xương sống” của tiết hoạt động. Ngoài trang phục dân tộc Kinh như áo bà ba Nam bộ, áo dài xứ Huế, áo tứ thân vùng Kinh Bắc của lớp 12A1, 12A8 là những bộ trang phục của các dân tộc thiểu số. Có thể kể chiếc váy xòe của phụ nữ người Thái (12A4), mảnh xà-rông của người Khơ-me (12A10), Ba-na (12A7), Gia-rai (12A5)… Dịu dàng hơn là bộ váy dân tộc Dao (12A2), Tày (12A6), Hơ-mông (12A11)… tất cả đã làm nên những sắc màu phong phú cho bức tranh văn hóa dân tộc đất Việt. Dù còn vụng về trong cách quấn khăn, lúng túng trong khi trình diễn nhưng chính nét mộc mạc đó đã làm cho hội thi gần với các bạn học sinh hơn, xóa đi ranh giới giữa người xem và người trình diễn. Mỗi khi bắt đầu một tiết mục mới, sàn diễn lại lộng lẫy sắc màu khiến nhiều học sinh liên tưởng đến câu thơ lãng mạn của nhà thơ Quang Dũng: “Kìa em xiêm áo tự bao giờ/ Khèn lên man điệu nàng e ấp” (Tây Tiến). Ngoài một số chương trình đi theo lối trình diễn của người mẫu, còn lại các tiết mục đã được đạo diễn “cây nhà lá vườn” sáng tạo theo hướng sân khấu hóa, truyền hình hóa nên giảm bớt sự nhàm chán. Các tiết mục biểu diễn thời trang nếu được “nhà đạo diễn” tô điểm thêm nền nhạc thì lại càng mê hoặc mọi người hơn.
Bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ thể hiện qua tài thi thố trang phục mà còn thể hiện qua kiến thức địa lý, lịch sử, phong tục tập quán… của mỗi vùng miền như tục cướp vợ của đồng bào Mèo, tục ăn trầu của người Kinh, lễ hội đua ghe ngo của đồng bào Khơ-me, chế độ mẫu hệ của người Hơ-mông…
Giáo viên là người chỉ đạo
Những tài liệu học sinh tìm hiểu mặc dù phải sưu tầm từ sách báo, mạng Internet nhưng từ đó đã giúp các em có thêm kiến thức mới về đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Trong bộ quần áo chàm của người dân tộc Tày chuẩn bị bước ra sân khấu trình diễn, em Nguyễn Minh Trí và Trần Mỹ An – lớp 12A6 không giấu được vẻ hồi hộp. Minh Trí trao đổi: “Qua tiết học này, em càng hiểu hơn về kiến thức văn hóa dân tộc, có kinh nghiệm tìm kiếm, chọn lọc tài liệu và rất thích cách làm việc theo nhóm khi sưu tầm tài liệu”. Mỹ An cho rằng trang phục quần áo mỗi dân tộc có một vẻ đẹp riêng tạo nên sự phong phú, đa dạng cho văn hóa từng địa phương khác nhau. Ngắm nhìn nhiều bộ trang phục sặc sỡ, An thích nhất là bộ váy xòe của người Thái trắng chỉ có 2 tông màu trắng và đen nhưng rất ấn tượng. Sôi nổi nhất là phần thi ứng xử với nhiều câu hỏi đơn giản nhưng có khi rất khó “nuốt” vì nhiều em không để ý. Tính tập thể cũng thể hiện rõ qua phần trả lời của từng đội nhóm khi các em tìm cách “cứu trợ” cho nhau.
Thầy Cao Xuân Hùng – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hoạt động này giúp học sinh hiểu sâu về bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó các em có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc này, một vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”. Hoạt động này – như ý kiến của các thầy cô khác – còn giúp các em hiểu thêm giá trị tinh hoa văn hóa mang tính truyền thống, xóa bỏ văn hóa đồi bại, trái với thuần phong mỹ tục làm ảnh hưởng đến cách sống, đạo đức của một số thanh niên. Cô Phan Thị Thanh – giáo viên văn trong ban tổ chức khẳng định: “Tiết học sinh động và sáng tạo này giúp các em có thêm nhiều điều bổ ích về tri thức ngoài sách vở. Hình thức tổ chức như thế này tuy thầy trò đều phải làm việc một cách vất vả, thầy chỉ đạo trò chủ động nhưng rõ ràng hứng thú, hiệu quả hơn một tiết học trong lớp theo kiểu thầy giảng trò nghe thụ động như trước đây”.
Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)