Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hoạt động giáo dục thể chất còn nhiều hạn chế

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, tại Trường ĐH Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo toàn quốc về công tác giáo dục thể chất và thể dục thể thao (GDTC&TDTT) các trường ĐH, CĐ năm 2018 với chủ đề “Giải pháp nâng cao GDTC&TDTT Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” do Vụ GDTC (Bộ GD-ĐT) tổ chức.

Sinh viên Trưng ĐH Cn Thơ trong mt bui hc GDTC

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm học 2015-2016, toàn quốc có 2.129 giảng viên thể dục, trong đó 1.761 giảng viên chuyên trách, 368 giảng viên bán chuyên trách. Cơ sở vật chất, dụng cụ phục vụ công tác GDTC trong trường học từng bước được cải thiện, mở rộng và xây mới khá nhiều sân tập, tăng cường trang thiết bị. Hoạt động thể thao trong nhà trường đang trong chiều hướng phát triển, được xã hội quan tâm và đánh giá cao. Tuy nhiên, theo ông Ngũ Duy Anh (Vụ trưởng Vụ GDTC), bên cạnh những thành tích đạt được, nhìn chung công tác GDTC và thể thao trường học còn nhiều hạn chế và yếu kém. Phong trào luyện tập TDTT trong sinh viên còn mang tính tự phát. Cơ sở vật chất, sân bãi chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy, tập luyện. Đội ngũ giảng viên TDTT trong các cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đủ số lượng, trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn còn cao (chiếm gần 54%). Cấu trúc chương trình GDTC chưa bảo đảm tính thống nhất, thiếu cân đối về nội dung. “Phương pháp dạy tuy có đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực của sinh viên nhưng cơ bản vẫn là truyền thụ kiến thức một chiều, chưa kích thích được sự hứng thú và phát huy năng lực tự học, khả năng tư duy độc lập và rèn luyện kỹ năng của các em. Hoạt động thể thao chưa thu hút đông đảo lực lượng sinh viên tham gia; tỷ lệ sinh viên Việt Nam được đánh giá xếp loại thể lực theo độ tuổi còn thấp. Đặc biệt, trong kiểm tra đánh giá còn nặng nề, nhiều giảng viên lấy tiêu chí đánh giá, kiểm tra sinh viên các trường chuyên ngành đào tạo TDTT để đánh giá sinh viên các ngành khác, không chú ý đến điều kiện thể lực của người học. Điều này khiến không ít sinh viên sợ môn GDTC…”, ông Ngũ Duy Anh nhấn mạnh.

Vì vậy, ông Ngũ Duy Anh khẳng định: “Các giảng viên cần đánh giá người học trên cơ sở nỗ lực, kỹ năng, thái độ, thói quen tập luyện TDTT; tránh tình trạng đánh giá cào bằng, gây áp lực, ức chế cho sinh viên. Đồng thời phải có phương pháp dạy, kiểm tra, đánh giá khoa học, tạo hứng thú học tập cho sinh viên, tuyệt đối không để các em phải nợ điểm bộ môn GDTC”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những cách làm hay, góp phần khắc phục hạn chế trong công tác GDTC và thể thao trong nhà trường, trong đó Trường ĐH Tiền Giang quan tâm nâng cao năng lực tự học, tự rèn luyện của sinh viên ngành GDTC nhằm góp phần đào tạo những giáo viên giảng dạy GDTC ở các trường phổ thông có đủ phẩm chất đạo đức, kiến thức, kỹ năng thực hành sư phạm, năng lực tổ chức hoạt động TDTT ngoại khóa; góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo của trường… Với mục đích tạo thoải mái cho người học, Trung tâm GDTC và Thể thao (ĐH Quốc gia Hà Nội) đề ra tiêu chí “Đáp ứng nhu cầu người học”, bằng cách tạo môi trường học tập vui vẻ, thân thiện cho sinh viên. TS. Ngô Quang Huy (Giám đốc trung tâm) cho biết: “Hàng năm, khi các tân sinh viên mới vào trường, trung tâm tổ chức đối thoại và giới thiệu các môn TDTT để sinh viên chọn theo ý thích, mỗi em có thể tập từ một hoặc nhiều hơn, trong suốt quá trình học ĐH. Trung tâm thành lập các câu lạc bộ để sinh viên tập luyện trong môi trương vui vẻ, tích cực. Các em có thể học tập, rèn luyện ở trong giờ chính khóa hoặc ngoại khóa. Trong kiểm tra, giảng viên không đề ra các quy định mà chủ yếu là chuyển biến trong thể lực của người học”. Tương tự, Trường ĐH Cần Thơ cũng cho sinh viên chủ động tự chọn một hoặc nhiều môn học đối với GDTC. Tuy nhiên, ngành thủy sản và tài nguyên – môi trường, do điều kiện làm việc gắn với sông nước, đã quy định sinh viên bắt buộc phải học môn bơi lội, bên cạnh môn tự chọn theo yêu thích…

Đan Phưng

Bình luận (0)