Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quá trình đào thải, sàng lọc doanh nghiệp đang diễn ra khá mạnh, nhất là các địa phương thuộc Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Cụ thể, một số ngành đang có sự tái cơ cấu, cụ thể là công nghiệp chế biến chế tạo (thành lập mới tăng 6%, dừng hoạt động tăng 3,7%), vận tải kho bãi (tỷ lệ tăng tương ứng là 6,6% và 10,9%), bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô xe máy (23,5% và 6,4%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (39,2% và 37,4%).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có xu hướng tăng dần, trong 11 tháng của năm 2013 tăng 9,5% và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động trong 11 tháng là khoảng 12,7 nghìn doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Tuy nhiên theo đánh giá chung, tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới vẫn giảm (11 tháng giảm 15,4%) và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn tăng so với cùng kỳ (11 tháng tăng 8,4%).
Phát biểu tại “Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tốc độ tăng trưởng GDP tăng qua từng quý, tốc độ tăng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra nhưng cao hơn năm trước.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP tính chung 9 tháng đầu năm ước tăng 5,14%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước là 5,1%. Theo đó, GDP cả năm ước tăng khoảng 5,4% (trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng trên 2,5%; khu vực công nghiệp-xây dựng ước tăng trên 5,4%; khu vực dịch vụ ước tăng trên 6,5%), thấp hơn kế hoạch đề ra là 5,5% nhưng cao hơn năm 2012 (5,25%).
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội Nghị chỉ ra, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/11/2013 đã giảm mạnh. Cụ thể, mức tăng hàng tồn kho là 9,4% so với cùng thời điểm năm trước và thấp hơn nhiều so với mức tăng 21,5% tại thời điểm 01/01/2013.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần tiếp tục được khắc phục, như tốc độ tăng trưởng, tuy cao hơn năm 2012 nhưng thấp hơn kế hoạch đề ra.
Lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại trong những tháng tới. Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng triển khai chậm và gặp nhiều khó khăn, nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được xử lý, tỷ lệ nợ xấu vẫn còn ở mức cao.
Cụ thể, tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn. Thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản giảm sút và chưa có nhiều cải thiện.
Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giảm quy mô, ngừng hoạt động, giải thể vẫn tăng, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của người lao động…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân dẫn đến những mặt hạn chế trên chủ yếu do nền kinh tế với mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế kém hiệu quả, chậm được thay đổi; công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành ở một số nơi vẫn còn yếu và chưa thực sự linh hoạt; hiệu quả trong phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong điều hành chính sách nhiều lúc còn bất cập, chưa đồng bộ.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị chính sách năm 2014 cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước, nhất là các giải pháp chủ yếu về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đồng thời có giải pháp hữu hiệu khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên.
Khuyến nghị nhấn mạnh vào các giải pháp nhằm cụ thể hóa, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội đã đề ra./.
Linh Chi (Vietnam+)
Bình luận (0)