Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hoạt động thông tin đối ngoại còn manh mún

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Lê Văn Nghiêm – Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại – phát biểu tại hội nghị. Ảnh: A.Khánh

Cuối tuần qua, Sở Thông tin & Truyền thông (TT-TT) và Sở Ngoại vụ TP phối hợp với Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT-TT) tổ chức Hội nghị trao đổi về công tác thông tin đối ngoại năm 2016.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Lê Văn Nghiêm khẳng định: Công tác quản lý, thông tin đối ngoại chưa được coi trọng. Chưa có cán bộ chuyên trách về đối ngoại, giúp việc cho các tỉnh, thành, từ đó dẫn đến làm cho có, tính chất manh mún như những vụ việc liên quan tới nước ngoài xâm phạm biển đảo, sự cố môi trường… Việc định hướng, thông tin tới người dân, doanh nghiệp, nhất là những thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông không nhất quán, xuyên suốt. Đây chính là mảng rất yếu so với quốc tế…

Cũng theo ông Nghiêm, thì: “Việc triển khai, thực hiện công tác thông tin đối ngoại vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần sớm điều chỉnh, khắc phục trong thời gian tới, như việc chưa phát huy được đầy đủ sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, nhất là các đơn vị chuyên trách; hoạt động thông tin đối ngoại được triển khai chưa đồng đều trên cả nước và ở nhiều địa phương; nội dung và phương thức thông tin còn thiếu chiều sâu, thiếu sức thuyết phục và chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin đa dạng của các nhóm đối tượng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tình trạng bị động, lúng túng trong đấu tranh phản bác lại các thông tin xuyên tạc, luận điệu sai trái chậm được khắc phục; đặc biệt là chưa gắn kết, phối hợp nhịp nhàng, còn sơ hở dẫn đến lúng túng, bị động. Đặc biệt công tác thông tin báo chí so với hội nhập còn khó khăn, yếu kém, tụt hậu…”.

Dự báo trong thời gian tới, ông Nghiêm cho rằng, tình hình thế giới và khu vực, nhất là tình hình biển Đông sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định, đặt ra nhiều khó khăn thách thức đối với công tác theo dõi, nắm bắt, dự báo tình hình để đề xuất, tham mưu kịp thời, chính xác các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại. Vì vậy, các cấp các ngành, cơ quan báo chí cần tiếp tục tham gia tích cực và có hiệu quả trong việc tuyên truyền, thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; chính sách phát triển kinh tế – xã hội; những thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta; đặc biệt cần đa dạng hóa hình thức và phương tiện trong hoạt động thông tin đối ngoại, thông tin đối ngoại phải nhanh nhạy, chuẩn xác; tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, quan điểm và lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực cũng như các vấn đề dư luận sở tại quan tâm về nước ta.

An Khánh

Bình luận (0)