Hoạt động giáo dục trải nghiệm (HĐGDTN) ở lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, SGK mới không phải là mới nhưng đặt rõ yêu cầu cần đạt được cho HS thông qua nội dung đánh giá. Ở đó còn lồng ghép thêm nội dung giáo dục địa phương (GDĐP).
Học sinh lớp 1 Trường TH Trường Thạnh, Q.9 trong tiết học giáo dục trải nghiệm
Có đánh giá học sinh…
Trong bài dạy HĐTN Chủ đề 4: “Em tự chăm sóc và phục vụ bản thân” với bài “Em giữ gìn sức khỏe”, cô Võ Thị Thanh Hương – GV lớp 1/1, Trường TH Trường Thạnh, Q.9 – đã thiết kế lồng ghép thêm phần GDĐP. Lớp học được chia thành 6 nhóm cùng khám phá 6 hoạt động. Ngoài các hoạt động, HS được trải nghiệm như rửa tay đúng cách, tập thể dục, kiến thức GDĐP được GV đưa đến HS thông qua hoạt động tìm hiểu về các món ăn quen thuộc của TP.HCM bằng hình ảnh trực quan, sinh động.
“HĐGDTN không phải chỉ mới xuất hiện trong Chương trình GDPT 2018, bởi trước đó hoạt động này đã được thực hiện thông qua các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, chào cờ hay hoạt động CLB, GD theo chủ đề. Trong Chương trình GDPT 2018, HĐTN là tên gọi chung cho các hoạt động trên, trong đó điểm mới nhất là tích hợp thêm nội dung GDĐP với những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp…”, cô Hương chia sẻ.
Một điểm mới nữa khi tổ chức HĐGDTN theo Chương trình GDPT 2018, SGK mới, cô Hương cho biết, đó là thiết kế được nội dung HS tự đánh giá, GV đánh giá HS theo tinh thần Thông tư 27. Điều quan trọng là qua việc đánh giá tạo được hứng thú, khích lệ cho HS để các em thấy vui vẻ, học được các kỹ năng sau mỗi tiết học…
… nhưng không phải là môn học
HĐTN lớp 1 trong Chương trình GDPT 2018 được quy định 105 tiết/ năm. Trong đó, 35 tiết sinh hoạt dưới cờ, 35 tiết sinh hoạt lớp, 35 tiết HĐTN theo chủ đề, hoạt động CLB. Thời lượng dành cho GDĐP nằm trong tổng thời lượng thực hiện chương trình HĐTN.
Đối với việc đánh giá HS trong tiết học trải nghiệm, bà Trần Đức Hạnh Quỳnh – Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.1 – nhấn mạnh, đây là hoạt động mới trong Chương trình GDPT 2018 ở lớp 1. Vì vậy GV cần phải đưa ra cho HS trong lớp các tiêu chí rõ ràng trong suốt tiết học để hướng dẫn các em đánh giá, nhìn nhận bản thân mình và đánh giá bạn bè.
Ông Nguyễn Quang Vinh – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM – cũng cho biết, phần đánh giá trong HĐTN chỉ nhằm mục đích khích lệ HS là chủ yếu. Song GV cần phải phân biệt HĐGDTN với tiết học tự nhiên xã hội. Ở HĐTN, GV cần chú trọng trang bị kỹ năng nhiều hơn cho HS, đồng thời cân nhắc sử dụng các từ ngữ khoa học, phù hợp với lứa tuổi và mang tính GD. “HĐGDTN không phải là môn học. Sẽ không có tiết học mẫu để GV thực hiện đại trà mà GV cần căn cứ vào đối tượng HS, trường học và địa phương để triển khai. HĐTN theo đúng tinh thần phải là HS được hoạt động những gì và trải nghiệm những gì”, ông Vinh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Vinh, khi thực hiện HĐGDTN, GV không nên quá đặt nặng kiến thức mà chú trọng hình thành các kỹ năng cần thiết cho HS, từ đó hình thành phẩm chất cho các em. Tích hợp nội dung GDĐP thì trước hết thầy cô nên tận dụng đưa các nội dung địa phương vào trong bài giảng. GV có thể sử dụng tư liệu phong phú, căn cứ vào tài liệu GD lịch sử địa phương để linh hoạt triển khai, tích hợp các nội dung này vào trong các bộ môn toán, tiếng Việt, đạo đức…
Riêng đối với HĐTN sinh hoạt dưới cờ, theo ông Vinh, hoạt động này có thể sinh hoạt 10-15 phút, khi lên lớp sinh hoạt chủ nhiệm GV sẽ củng cố thêm, mở rộng và đánh giá. Mục tiêu của HĐGDTN bao gồm cả GD lịch sử văn hóa địa phương là hướng tới tạo hứng thú học tập cho HS. Do đó không làm căng thẳng mà nhẹ nhàng thông qua các hoạt động để HS trải nghiệm được các kỹ năng…
Sắp ban hành tài liệu giáo dục địa phương
Tài liệu GDĐP lớp 1 TP.HCM đã được UBND TP.HCM thông qua. Thời gian tới, tài liệu sẽ được phát hành rộng rãi, đáp ứng nội dung GDĐP bắt buộc của Chương trình GDPT 2018, đồng thời giúp HS khám phá vẻ đẹp TP.HCM, hiểu thêm về giá trị văn hóa truyền thống cùng những nét đặc sắc của vùng đất và con người nơi đây, từ đó bồi đắp và nuôi dưỡng cho HS tình yêu, lòng tự hào với quê hương, đất nước.
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa ban hành công văn gửi đến phòng GD-ĐT 24 quận, huyện, hướng dẫn thực hiện nội dung GDĐP trong Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2020-2021. Cấu trúc tài liệu được thiết kế tiếp cận cấu trúc SGK mới theo hướng phát triển năng lực. Mỗi chủ đề/bài học được thiết kế theo 5 thành phần: Khởi động, khám phá, luyện tập, mở rộng và củng cố. Nội dung tài liệu gồm 6 chủ đề là những vấn đề văn hóa, lịch sử, kinh tế, thời sự của TP.HCM, được phát triển theo vòng tròn đồng tâm từ lớp 1 đến lớp 3, bao gồm: Quê hương em, Danh nhân lịch sử – văn hóa, Làng nghề truyền thống, Ẩm thực địa phương, Di tích lịch sử – văn hóa, Văn hóa ứng xử.
Tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy các nội dung GDĐP trong khuôn khổ môn học HĐTN; đồng thời có thể lồng ghép, tích hợp trong các môn học khác như tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên xã hội, âm nhạc, mỹ thuật… đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực HS.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, khi sử dụng tài liệu GDĐP lớp 1, GV phải tham khảo, tích hợp các ngữ liệu, hình ảnh trong bộ SGK mới. Trong quá trình thiết kế và tổ chức hoạt động dạy học, GV cần dựa vào đặc điểm tình hình của địa phương, địa bàn mà trường đóng để khai thác các yếu tố văn hóa – xã hội, liên hệ những vấn đề gần gũi của đời sống văn hóa xung quanh để làm phong phú thêm nội dung bài học và giúp phát huy tính tích cực, chủ động cũng như tạo sự hứng thú cho HS khi tham gia hoạt động học tập.
Tài liệu GDĐP lớp 1 TP.HCM là tài liệu mở. Vì vậy, chỉ cần đảm bảo các mục tiêu của chủ đề, GV hoàn toàn có thể thay thế ngữ liệu, hình ảnh đảm bảo tính chuẩn mực, thẩm mỹ, tính GD. Các hoạt động tổ chức dạy học của GV với tài liệu này cần để HS được hoạt động, được làm việc, được nói, được chia sẻ nhiều hơn. Để đạt hiệu quả cao trong quá trình giảng dạy tài liệu, GV cần chủ động trải nghiệm trước các nội dung của mỗi chủ đề, sử dụng các phương tiện, công cụ dạy học hiện đại như hình ảnh, clip, văn bản đa phương thức, ứng dụng CNTT. Đặc biệt, khi thực hiện lồng ghép, tích hợp trong các môn học khác, GV có thể chủ động phân bố thời gian hợp lý tùy theo nội dung bài học, đối tượng HS và tình hình thực tế của nhà trường.
Bài, ảnh: Đỗ Lan
Bình luận (0)