Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hoạt động tư vấn hướng nghiệp: Nặng hướng trường, nhẹ hướng nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – giải đáp thắc mắc cho HS trong một chương trình tư vấn hướng nghiệp
Những năm gần đây, các trường TCCN thường phối hợp với trường phổ thông để hướng nghiệp cho học sinh (HS). Tuy nhiên, chuyên viên tư vấn tuyển sinh ở nhiều trường vẫn đang nhầm lẫn giữa hướng nghiệp với hướng trường, từ đó “thi nhau” giới thiệu về cơ sở vật chất hay thế mạnh của trường… mà “quên” đề cập đến năng lực, sở thích của HS phù hợp với ngành nghề nào. Do đó hiệu quả hướng nghiệp vẫn chưa cao.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Những năm gần đây hoạt động hướng nghiệp đã phát triển đa dạng, năng động, nhiều hình thức, phương pháp linh hoạt… Tuy nhiên, hoạt động này còn nhiều bất cập khi mỗi nơi làm một kiểu, thiếu lực lượng hướng nghiệp viên chuyên nghiệp, thiếu tài liệu… Đặc biệt, một số trường TC khi đến tư vấn hướng nghiệp ở các trường THCS, THPT lại theo hình thức… hướng trường chứ chưa phải hướng nghiệp. Vấn đề trọng tâm HS cần được hướng nghiệp là: Ngành nghề và xu hướng việc làm của thị trường lao động; định hướng về sở thích và sở trường của nghề nghiệp; các quy định về thi tuyển, xét tuyển ĐH, CĐ, TCCN, dạy nghề; chọn trường và chọn ngành phù hợp với kinh tế gia đình; giới thiệu về các trường và các ngành đào tạo, chuẩn đầu ra, khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp…”.
Trọng tâm của giáo dục hướng nghiệp là nhằm phát hiện và bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách nghề nghiệp cho HS, giúp các em hiểu sâu sát hơn về ngành nghề mà mình đã lựa chọn. ThS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và đào tạo Ý tưởng Việt, cho rằng hiện nay hình thức giới thiệu trường để học thường bị nhầm lẫn và xem đó là việc hướng nghiệp nhưng thực chất đây là hai công tác khác nhau. Giới thiệu trường để học có thể xem là một hình thức bổ trợ cho hướng nghiệp, nó được tiến hành sau khi HS được hướng nghiệp, tức là sau khi các em đã xác định phẩm chất, năng lực, sở thích… của mình phù hợp với nghề nghiệp nào. Theo ThS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, giáo dục hướng nghiệp chính là công tác phân luồng HS sau khi tốt nghiệp trung học và định hướng nghề nghiệp cho các em. Như vậy, rõ ràng việc giới thiệu trường để đi học – hình thức thường gặp nhất trong các đợt chuẩn bị tuyển sinh ĐH, CĐ và TCCN không thể gọi là hướng nghiệp. Nó chỉ là hình thức nhất thời, dù trong các buổi giới thiệu trường cũng đã giải đáp một số thắc mắc của HS về nghề mà mình dự định lựa chọn và những băn khoăn về năng lực, sự phát triển trong tương lai”.
Trong chương trình hướng nghiệp, ngoài lực lượng tư vấn là các chuyên viên đến từ các trường ĐH, CĐ, TCCN thì một lực lượng không thể thiếu là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên hướng nghiệp. Tuy nhiên, do chưa được đào tạo bài bản ở các trường sư phạm về hướng nghiệp nên nhiều giáo viên chỉ cung cấp thông tin cho HS chọn trường, chọn ngành nào phù hợp với năng lực của các em mà chưa đề cập đến sở thích, điều kiện kinh tế gia đình cũng như nhu cầu nhân lực về ngành nghề…
Hiện nay, các trường sư phạm ở phía Nam hầu như không có đào tạo giáo viên chuyên về giáo dục hướng nghiệp, sinh viên sư phạm chỉ được học thêm chuyên đề về giáo dục hướng nghiệp. Còn ở khu vực phía Bắc chỉ có một vài trường sư phạm đào tạo nên xét theo nhu cầu xã hội thì nguồn nhân lực cho việc giảng dạy môn giáo dục hướng nghiệp là vô cùng khan hiếm. “Ngành giáo dục cần tập huấn cho giáo viên về giáo dục hướng nghiệp với các chuyên đề lồng ghép, thực hành các trắc nghiệm hướng nghiệp cho HS để nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp của các trường hiện nay. Đề nghị tiến hành bồi dưỡng giáo viên để họ có một số kỹ năng trong hướng nghiệp. Các trường sư phạm nên đưa vào dạy giáo dục hướng nghiệp cho sinh viên để các em sau khi ra trường có kiến thức về lĩnh vực này, tránh tình trạng như ở bậc phổ thông hiện nay là cứ giáo viên nào còn thiếu giờ thì sẽ kiêm thêm giờ dạy môn giáo dục hướng nghiệp chứ không có giáo viên chuyên sâu”, TS. Nguyễn Ngọc Tài, Viện Nghiên cứu giáo dục – Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ.
Bài, ảnh: Minh Châu 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)