Mục tiêu phấn đấu của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TPHCM là đến năm 2020 đáp ứng được từ 15% đến 20% nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu trên khó khả thi.
Chờ mức trợ giá phù hợp
Mặc dù thời gian qua Sở GTVT TPHCM đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ các đơn vị vận tải công cộng nâng cao chất lượng dịch vụ, thế nhưng xe buýt hoạt động vẫn ngày càng “èo uột”. Nguyên nhân chính là đơn giá cho mức trợ giá mới vẫn đang “treo”.
Mới đây, có 9 doanh nghiệp vận tải ký đơn kiến nghị ngành chức năng xem xét bổ sung kinh phí trợ giá xe buýt năm 2019. Cụ thể, kiến nghị nhanh chóng ban hành bộ “Đơn giá chi phí mới” cho xe buýt và được áp dụng từ 1-1-2019 để thay thế bộ đơn giá được ban hành từ năm 2012 mà hiện không còn phù hợp; sớm có cơ chế, chính sách cấp bù chênh lệch giá nhiên liệu CNG như bù chênh lệch giá nhiên liệu diesel vì Công ty PVGas liên tục đòi tăng giá nhiêu liệu CNG lên 15,8%.
Nhiều đơn vị vận tải còn đề nghị được “trả” lại những tuyến xe buýt cũ, chưa đầu tư mới hoặc không đầu tư mới được vì không có hiệu quả. Với các tuyến xe buýt không hiệu quả, ít khách, nhiều đơn vị cũng đề nghị cho cắt giảm chuyến để giảm lỗ, tiết kiệm ngân sách cho những tuyến hiệu quả hơn.
Xe buýt lưu thông cùng làn với xe máy vào chiều 24-10 trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TPHCM. Ảnh: Nguyễn Nhân
Theo Sở GTVT, hiện chưa mở được các tuyến đi quận 12, tuyến vòng Đại học Quốc gia TPHCM, tuyến đến huyện Củ Chi, do kinh phí trợ giá cho hoạt động xe buýt có hạn.
Chưa hết, khối lượng vận chuyển trên các tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá cũng giảm do một số nguyên nhân, như số lượng tuyến xe buýt có trợ giá đang hoạt động hiện nay giảm 6 tuyến so với cùng kỳ năm 2018 (giảm khoảng 1,25 triệu lượt, tương ứng giảm 1,3%); 18 tuyến phương tiện cũ, không thể đổi mới phương tiện nên không đảm bảo số chuyến hoạt động, giảm khoảng 3 triệu lượt, tương ứng giảm 3,6%.
Khó cạnh tranh với xe ôm công nghệ
Theo Sở GTVT TPHCM, trong 7 tháng đầu năm 2019, TPHCM có tới 333.000 chuyến xe buýt chậm trên 15 phút do ùn tắc giao thông. Đây là nguyên nhân chính khiến hành khách, đặc biệt là các sinh viên, học sinh – đối tượng đi xe buýt nhiều nhất trong những năm qua – bỏ không đi xe buýt, nhất là vào thời gian thi.
Hành khách đứng dưới tán cây xanh đón xe buýt tại quận 9. Ảnh: Thành Trí
Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trong giai đoạn 2015-2030, dự kiến tổng nhu cầu giao thông (hành khách/km) của TPHCM tăng khoảng 2,7 lần. Đáng lo là việc người dân sẽ chuyển từ đi xe gắn máy sang đi ô tô và do vậy, nếu không có giải pháp đột phá, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ gia tăng.
Cùng đó, sự bùng phát của dịch vụ xe ôm (xe gắn máy 2 bánh) công nghệ đang đẩy hoạt động xe buýt vào tình huống khó khăn hơn bao giờ hết. Trước kia, xe buýt còn có lợi thế về giá vé rẻ thì nay gần như không còn, vì xe ôm công nghệ cũng giảm giá và chấp nhận đi những đoạn đường ngắn để cạnh tranh với nhau và cạnh tranh với xe buýt.
Thời gian gần đây, nhiều hãng xe ôm công nghệ còn thực hiện các chương trình ưu đãi cho khách hàng nên thu hút được ngày càng nhiều hành khách hơn. Chưa kể, xe ôm công nghệ còn có lợi thế hơn hẳn xe buýt, đó là dễ dàng “thoát” khỏi các vụ kẹt xe và chỉ 5 – 10 phút đặt xe là hành khách đã được phục vụ.
Đã thế, những điều kiện để hấp dẫn người dân đi xe buýt vẫn chưa được cải thiện, như vỉa hè bị lấn chiếm, xuống cấp khiến người dân rất khó để đi bộ tới trạm xe buýt, thiếu nhà chờ xe buýt hoặc có nhà chờ nhưng mất vệ sinh…
37 giải pháp Nhằm “vực lại” hoạt động xe buýt, Sở GTVT TPHCM đã triển khai xây dựng “Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố”. Đề án nêu ra 37 giải pháp. Theo đó, các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân sẽ được triển khai ngay khi các điều kiện về hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, khả năng phục vụ… được đáp ứng đầy đủ. Ngoài ra, những giải pháp gián tiếp như thu phí phương tiện vào giờ cao điểm, hạn chế xe gắn máy 2 – 3 bánh lưu thông từng khu vực sẽ được triển khai thực hiện theo lộ trình, khi hệ thống giao thông công cộng đáp ứng các điều kiện cụ thể. Sở GTVT kiến nghị, thành phố quan tâm bố trí đủ kinh phí trợ giá xe buýt hoạt động, nhất là sau khi áp dụng bộ định mức, đơn giá mới. Năm 2019, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM đã xây dựng dự toán trên 1.000 tỷ đồng trợ giá, trong đó tổng dự toán dành cho 100 tuyến xe buýt có trợ giá là 892,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã Xe buýt TPHCM phối hợp Sở GTVT và các sở ngành, quận huyện khẩn trương đánh giá mô hình hợp tác xã vận tải hành khách công cộng hiện nay; đề xuất phương án tổ chức lại, nâng cao năng lực tài chính và quản lý điều hành gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu phát triển mạng lưới xe buýt phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân (trong điều kiện ngân sách thành phố chưa thể đáp ứng kịp về đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông tĩnh theo quy hoạch), đề nghị cải tạo, nâng cấp các bãi kỹ thuật xe buýt hiện có theo hướng công trình đảm nhận đa chức năng, đáp ứng nhu cầu xe buýt lưu đậu và bố trí điểm đầu – điểm cuối của các tuyến xe buýt, bổ sung kết hợp một số công trình chức năng hỗ trợ, các hạng mục công trình tiện ích trong khuôn viên bãi kỹ thuật xe buýt. Hà Dịu |
Theo Quốc Hùng – Lương Thiện/SGGPO
Bình luận (0)