Nhiều học sinh dù đã trải qua 12 năm học ngữ văn, tiếng Việt mà không biết thể hiện cũng như cách trình bày một lá đơn dẫn đến vô số lỗi sai khi viết đơn.
Hệ lụy của cách dạy học văn ít ứng dụng
Thói quen viết không đúng quy cách văn bản hành chính (đơn xin phép, bản kiểm điểm, đơn xin việc…) của học sinh có nguồn gốc từ việc dạy học ngữ văn bấy lâu nay quá chú trọng đến lý thuyết mà ít ứng dụng thực hành. Các bài học rất thực tế có trong chương trình như văn thuyết minh, viết sản phẩm báo chí, bài khoa học… không được nhà trường, tổ bộ môn đề cao, chú ý. Các đề kiểm tra đánh giá định kỳ cứ quen thuộc kiểu phân tích, cảm nhận (thơ, truyện) từ tiểu học đến THCS, THPT, ngay cả đề thi tốt nghiệp THPT cũng vậy.
Bản kiểm điểm của một học sinh lớp 11. TRẦN NHÂN TRUNG
Cùng với hệ lụy của cách đánh giá nói trên, thói quen và quan niệm của học sinh về văn bản hành chính cũng góp phần không nhỏ trong việc dùng bừa, viết ẩu. Nhiều học sinh suy nghĩ văn bản hành chính ít sử dụng, nên không cần thiết phải lưu ý. Đa số trông nhờ vào công nghệ bàn phím chẳng chịu rèn chữ, nên bản viết tay không ai đọc được. Một số cậy nhờ vào khuôn mẫu có sẵn nên không chịu lưu ý bố cục, cách thức văn bản. Hệ lụy là, nếu giáo viên, giám thị yêu cầu viết tay thì học sinh phải viết đến 3, 4 lần mới đạt.
Chương trình mới có bù đắp?
Cách xây dựng bài học của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 rất chú trọng đến sản phẩm của từng bài học, tính ứng dụng thực tiễn cũng khá rõ. Theo đó, sau mỗi bài học đều yêu cầu học sinh phải biết ứng dụng kiến thức, kỹ năng đã học để thực hành một vấn đề cụ thể. Tuy vậy, điểm hạn chế của nó khi dạy học sinh về các dạng kiểu loại văn bản ở THPT là chưa có sự hệ thống rõ ràng. Theo chương trình cũ, 6 kiểu loại văn bản theo phong cách ngôn ngữ (gồm: sinh hoạt, nghệ thuật, báo chí, chính luận, khoa học và hành chính) được sắp xếp trình tự ở các khối lớp 10, 11, 12 và được tìm hiểu rất sâu và kỹ từng thể loại. Điều này giúp học sinh dễ dàng hệ thống, khái quát, nắm bắt được đặc trưng từng thể loại, và từ đó vận dụng tốt hơn.
Trong khi đó, chẳng hạn, theo sách giáo khoa ngữ văn 10, bộ Chân trời sáng tạo lớp 10, ở bài 4 (Những di sản văn hóa – văn bản thông tin) văn bản theo dạng phong cách ngôn ngữ báo chí được giới thiệu rất khái quát, chủ yếu nhấn mạnh đến một số yếu tố như “quan điểm của người viết”, “phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ”. Phần viết của bài học này cũng thiên về viết báo cáo theo dạng một văn bản khoa học. Nên có thể nói, tính ứng dụng của bài học rất cao và sâu, song đặc trưng riêng của từng thể loại văn bản thì chưa nổi bật. Hy vọng sẽ hạn chế điểm này ở những bài học sau để tăng tính ứng dụng cho học sinh, trong đó có văn bản hành chính.
Giờ học văn của học sinh lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đ.N.T
Giáo viên tạo ý thức cho học sinh
Tuy nhiên trước mắt, để khắc phục lỗi yếu kém về việc tạo lập văn bản của học sinh, giáo viên bộ môn ngữ văn (và giáo viên chủ nhiệm, kể cả giám thị) cần giáo dục sự ý thức và kỹ năng viết cho các em.
Tôi nhớ trước đây, khi tôi mới vào học lớp 10, thầy giáo dạy văn cho bài kiểm tra đầu tiên là tạo lập một văn bản hành chính rất đơn giản, dù yêu cầu này không có trong chương trình dạy học. Từ bài làm của học trò, thầy tôi phân tích lỗi sai và hướng dẫn viết đúng quy cách một văn bản hành chính. Từ đó, chúng tôi sử dụng khá thành thạo văn bản hành chính trong suốt những năm học phổ thông và sau này.
Theo Trần Nhân Trung/TNO
Bình luận (0)