Sự kiện giáo dụcTin tức

Học 2 buổi/ ngày: Loay hoay tránh quá tải

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa tổ chức Hội thảo tìm giải pháp và mô hình chuẩn cho việc học cả ngày đối với các trường tiểu học. Theo Bộ GD-ĐT hiện nay, ở bậc tiểu học cả nước có khoảng 39% số trường tổ chức cho học sinh (HS) học 2 buổi/ ngày. Trên thực tế, ở buổi học thứ hai, các trường chủ yếu là dạy thêm các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh… khiến HS cảm thấy nhàm chán và quá tải.
Chương trình tiểu học hiện hành được thiết kế cho học một buổi. Do vậy việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày chưa phải là quy định bắt buộc. Bộ GD-ĐT chỉ khuyến khích các địa phương tổ chức học 2 buổi/ ngày với điều kiện cha mẹ HS có nhu cầu, tự nguyện chi trả kinh phí cho buổi học thứ hai và nhà trường có khả năng đáp ứng cho việc dạy và học.
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD-ĐT) nêu thực tế: Ở buổi học thứ hai, các trường chủ yếu là dạy thêm các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh, ít có các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh.
Theo Bộ GD-ĐT, điều bất hợp lý nhất trong việc dạy học 2 buổi/ ngày ở cấp tiểu học hiện nay là: vùng khó khăn, HS yếu cần được hỗ trợ, củng cố kiến thức lại không tổ chức được học 2 buổi/ ngày, nhiều HS khó đạt được chuẩn kiến thức, kĩ năng, vì thế chất lượng giáo dục thấp; còn ở vùng thuận lợi, HS khá lại học thêm nhiều, vừa không cần thiết, đồng thời lại dẫn tới tình trạng quá tải.
Bên cạnh đó, do chưa có chương trình học 2 buổi/ ngày thống nhất trong cả nước nên mỗi cơ sở giáo dục tổ chức học 2 buổi/ ngày theo những nội dung, yêu cầu khác nhau nên khó quản lí, chỉ đạo thống nhất. Nhà nước không có những quy định thu – chi cụ thể cho học 2 buổi/ ngày nên dễ gây thắc mắc, bức xúc trong dư luận xã hội.
Việc học cả ngày ở tiểu học đã được đưa vào kế hoạch quốc gia về giáo dục cho mọi người và Dự thảo chiến lược giáo dục 2011-2020. Định hướng là tăng cường giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và phát triển năng khiếu cho HS. Buổi học thứ hai phải tổ chức dựa trên nguyên tắc: HS có nhu cầu, cha mẹ tự nguyện; nhà trường đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; công khai minh bạch thu – chi; đảm bảo sự phát triển của HS.
Bộ GD-ĐT cũng đã đưa ra một mô hình khá lý tưởng cho buổi học thứ hai. Khi đó sẽ không chỉ có học và học. Cũng sẽ không bắt HS khá giỏi và HS yếu kém phải chung một cách thức hoạt động để đảm bảo không quá tải với HS trung bình, không nhàm chán với HS giỏi. Theo đó, sẽ chia các khối lớp theo khả năng và nhu cầu. Với HS trung bình thì dành thời lượng để củng cố kiến thức, làm bài tập theo chuẩn kiến thức, kĩ năng. Với HS giỏi thì được phát triển năng khiếu, phát triển thể chất, nhóm phát triển nghệ thuật, nhóm hoạt động xã hội…
Dự kiến, đến năm 2015 sẽ có khoảng 70% HS học cả ngày. Bộ GD-ĐT cũng xác định sẽ có chính sách đầy đủ cho việc học 2 buổi/ ngày theo nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ tuyệt đối cho những đối tượng khó khăn và tăng cường xã hội hóa ở vùng thuận lợi; xây dựng chương trình kế hoạch dạy học thống nhất trong cả nước cho mô hình học 2 buổi/ ngày. Vùng khó khăn đảm bảo chuẩn kiến thức kĩ năng các môn học; vùng thuận lợi thực hiện giáo dục toàn diện và phát triển năng khiếu.
Hoàng Giang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)