Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học 2 buổi/ngày nhìn từ một trường vùng ven

Tạp Chí Giáo Dục

Tuy ba và má của em Thủy Tiên làm công nhân có thu nhập không cao, nhưng xem ra, hoàn cảnh của Thủy Tiên còn đỡ chật vật hơn nhiều HS khác của trường An Hạ có cha mẹ bị thất nghiệp.

Giờ ra chơi, một đám đông HS vây quanh em Thủy Tiên, HS lớp 3A Trường Tiểu học An Hạ đang ngồi bệt dưới nền gạch khóc nức nở. Em ấm ức chỉ tay vào một nam sinh tên Quang đang đứng cạnh đó: “Bạn này đánh con”!. “Thủ phạm” đánh bạn phân bua: “Ai biểu nó mượn giấy màu của con mà không trả. Nó nói dù chết cũng không trả nên con mới đánh nó”. Nghe bạn “tố” lại mình, em Thủy Tiên ấm ức nói trong làn nước mắt: ”Tại con không có tiền thì sao trả nó. Con xin tiền mà má nói má chưa có. Nó còn nhờ đứa khác đá chân con 10 cái”. Theo lời em kể, thường thì em được má cho 2.000 đồng mua xôi gấc ăn sáng, nhưng bữa nay má không cho nên em không mua giấy màu trả cho bạn.
Từ báo cáo của hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hạ với Phòng Giáo dục Bình Chánh: Nhiều học sinh (HS) của trường chỉ ăn bữa trưa bằng gói mì tôm 500 đồng, có em suy dinh dưỡng quá không học nổi, chúng tôi đã đến trường tìm hiểu thực hư.

Nhiều học sinh Trường Tiểu học An Hạ bị suy dinh dưỡng. Ảnh: PHONG VÂN
“Tình cờ một buổi trưa, tôi thấy một số em ăn mì gói, tôi tưởng các em chỉ ăn chơi sau khi ăn cơm xong. Ai dè HS nói với tôi: “Đây là bữa trưa của con, ăn mì gói thay cơm”. Nghe thiệt xót xa, tôi nhờ bảo vệ mua mấy gói mì chất lượng hơn gói mì 500 đồng mà các em đang ăn thì HS nói: “Con ăn no rồi”. Có em còn nhịn đói bữa trưa luôn nên tôi phải ra quy định với phụ huynh học sinh (PHHS) rằng muốn con được nghỉ trưa tại trường thì PHHS phải chuẩn bị cơm nước đầy đủ cho con. Tôi kiểm tra phần cơm của các em thì thấy chan cơm với nước kho hay có con cá khô chút xíu. Với những buổi trưa thiếu dinh dưỡng như vầy thì làm sao có năng lượng tiếp thu bài vở được. Do vậy, năm học này, tôi quy định tất cả HS buổi trưa phải về nhà!”, ông Hà Ngọc Hóa, Hiệu trưởng trường An Hạ trầm ngâm kể.
Nhưng, khi HS về nhà nghỉ trưa, trường lại có mối lo khác. Cha mẹ HS làm công nhân, làm thuê làm mướn nên 6 giờ sáng đã đưa con đến cổng trường để kịp đi làm. Buổi trưa HS về nhà, không cha mẹ, người thân, không ai lo cơm nước. Nhà đường xa, chưa kịp tắm rửa, nghỉ ngơi lại phải xách cặp đi bộ đến trường.
Ông Hà Ngọc Hóa liên tưởng đến trường hợp “người thật, việc thật” của mình: Đầu năm cháu cân nặng 18,5 kg nhưng sau mấy tháng học 2 buổi, cháu tụt xuống còn 16,9 kg. Đó là trường hợp con tôi gần nhà, được cha mẹ quan tâm, chăm sóc, đưa đón còn chịu không xiết. Thấy con cực khổ nên khoảng 15 – 18 HS có điều kiện đăng ký nghỉ lại ở nhà nhân viên bảo vệ của trường với giá 200.000 đồng/tháng/HS. Dịch vụ “nuôi” HS mở ra theo yêu cầu PHHS nhưng sắp “dẹp tiệm” vì tình trạng HS “ăn chịu, ngủ chịu”, bảo vệ không nhận nuôi nữa. Nếu HS chỉ học 1 buổi thì các em sẽ đỡ vất vả và buổi học sẽ có chất lượng hơn.
Trường Tiểu học An Hạ đã dạy theo mô hình 2 buổi/ngày gần mười năm nay. Nhưng trường đang kiến nghị Phòng Giáo dục không tổ chức học 2 buổi/ngày vì làm không hiệu quả. Mặt khác, vì học buổi thứ 2, HS trở thành “con nợ”. 61 HS không đóng học phí buổi thứ 2 (270.000 đồng/HS). GV dạy cực mà mỗi tháng chỉ thêm được 300.000 đồng.
Hiểu nỗi khổ của thầy trò khi thực hiện mô hình học 2 buổi, nhưng không ít người lo lắng: Nếu HS học 1 buổi, không có người lớn chăm, HS tự do đi đâu, làm gì nhà trường không quản, gia đình không hay cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các em. Ông Hà Ngọc Hóa nói: Nhà trường có thể quản lý các em giùm cho gia đình ở buổi thứ 2, nhưng 3 tiếng ngồi trong lớp không được nạp năng lượng là cực hình cho các em. Sắp tới, trường sẽ họp và thăm dò ý kiến PHHS về học 2 buổi hay 1 buổi.
Trường Tiểu học An Hạ nằm ở xã Phạm Văn Hai, một trong những xã nghèo nhất TP. Trong 302 HS thì có đến 87 em diện tạm trú, theo cha mẹ từ miền Tây lên TP. Cha mẹ các em làm mướn, nên việc học của các em cũng “nay đây mai đó” theo công việc không ổn định của cha mẹ. Trường đã thống kê được số HS khó khăn là 30 em, trong đó có nhiều em hoàn cảnh thương tâm…
DOANH DOANH (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)