Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Học ăn, học nói, học gói, học mở”

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên cần chia sẻ với học sinh những điều hay trong cuộc sống và trong học tập. Ảnh: N.Q

Câu thành ngữ đó thực sự là một châm ngôn ý nghĩa mà không có ai khi bước chân vào thế giới đạo học lại không nhớ nằm lòng. Trước khi học những kiến thức cao xa, đừng bao giờ quên học những điều gần gũi, giản đơn và đời thường nhất.
Mỗi bước đi gần nâng ước mơ xa. Trước khi đến với những con đường lớn bao giờ ta cũng phải bắt đầu những bước đi từ con ngõ nhỏ nhà mình. Hãy bắt đầu thói quen học tập từ việc học ăn, học nói, học gói học mở. Những hành vi, những hoạt động rất thiết yếu giản đơn đời thường ấy tưởng chẳng cần học cũng biết. Trăng đến rằm trăng tròn. Đó là một quan điểm sai lầm ngụy biện của những ai coi nhẹ vai trò của giáo dục và tự giáo dục.
1. Một chiều chủ nhật, tôi và nhà văn Khoa Đăng từ quận Gò Vấp xuống quận 8 (TP.HCM) thăm một em học sinh nghèo có tinh thần vượt khó học giỏi tiêu biểu. Món quà chúng tôi trao cho em được bọc gói rất trang trọng. Những tưởng em sẽ đón nhận và đưa mẹ cất vào tủ. Ai ngờ ngay trước mắt chúng tôi em nghiến ngấu bóc xé luôn gói quà ra xem khiến chúng tôi chỉ biết nhìn nhau, lắc đầu. Một kiểu mở quà như vậy rõ ràng em học sinh này (đã học lớp 6) chưa hề học được kỹ năng văn hóa nhận quà và mở quà bao giờ. Cả nhà trường, gia đình và bản thân em trong việc này đều có lỗi.
Trong bài thơ Kêu gọi thiếu nhi, Bác mở đầu bằng hai câu: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Rõ ràng với tuổi thơ việc ăn, ngủ, học hành không chỉ là nhu cầu, là nguyện ước mà còn là quyền lợi và nghĩa vụ. Song cái quan trọng mà Bác muốn nhấn mạnh ở đây không phải chỉ là chuyện ăn, ngủ, học mà là “biết ăn, ngủ, biếthọc hành”.
Nghe thì đơn giản mà làm được vậy đâu có dễ. Ngay với người lớn cũng chưa mấy ai đã thực hiện được trọn vẹn. Bác nhắc điều này với trẻ em chính là Bác nhắc mỗi bậc cha mẹ, mỗi kỹ sư tâm hồn phải quan tâm đặc biệt đến việc dạy các em biết cách ăn, ngủ, biết cách học hành thế nào cho khoa học. Nghĩa là Bác yêu cầu phải dạy cho các em và yêu cầu các em hãy tự mình từ tuổi ấu thơ biết học cách làm người ở ngay những việc nhỏ nhặt, đời thường nhất.
2. Có câu chuyện kể rằng: Một cô bé rất hiếu thảo với người mẹ đã đơn thân sinh thành nuôi dưỡng em lớn lên trong hoàn cảnh đói rách, thị phi của người đời. Một ngày kia mẹ bị trọng bệnh. Em chỉ biết ôm mẹ trong cơn đau vật vã mà khóc than thảm thiết. Thương tình, một tiên ông đã cho em hay: Hãy đến thung lũng nọ tìm hái một bông hồng vàng về sắc, mẹ uống sẽ khỏi. Trải qua bao hiểm nguy, xuyên rừng vượt núi cô bé đã tìm đến được khu vườn hoa hồng đẹp mê hồn ở thung lũng nọ. Em chào bà chủ vườn kiều diễm và thổn thức nói với bà về nguyện ý của mình trong dòng nước mắt nhòa ướt. Được bà cho phép, em chạy ào vào khu vườn tìm bằng được đóa hồng vàng. Em mừng quýnh ôm đóa hồng vào ngực và chạy một mạch ra khỏi khu vườn với hy vọng nhanh chóng cứu được mẹ thoát tay tử thần. Kỳ lạ thay đóa hồng trên tay em bỗng không cánh mà bay. Em đành quay lại xin bà chủ vườn vào hái bông hồng vàng thứ hai. Cũng như lần trước, em cứ ra khỏi khu vườn bông hồng lại biến mất. Sau cả chục lần như vậy em đành ngồi khóc. Ông Tiên hôm trước lại hiện ra ghé vào tai em nói nhỏ một câu: “Con hãy nhớ lại xem, lúc ra khỏi vườn con có quên điều gì không?”. Em như bừng tỉnh và hiểu ra tất cả. Thế là em vội quay lại khu vườn. Bà chủ vườn vẫn vui vẻ cho phép em vào vườn. Chỉ lát sau bông hồng vàng rực rỡ đã lại nằm trọn trong vòng tay em. Nhớ lời Tiên ông dặn, rút kinh nghiệm những lần trước, lần này trước khi ra khỏi khu vườn em không quên khoanh tay tạm biệt bà chủ vườn: “Con cảm ơn bà! Cảm ơn bà nhiều lắm ạ!”. Giờ thì em đã thỏa nguyện. Bông hồng vàng không còn biến khỏi tay em nữa…
Lời nói thỏi vàng là vậy. Không có nó ta sẽ chẳng có gì. Có nó ta có tất cả. Câu chuyện đó đã cho ta bài học sống động: Phải biết hình thành cho mình thói quen tử tế lễ độ bắt đầu từ việc học những lời nói, cử chỉ rất đơn giản thường ngày mà có ý nghĩa sâu xa trọng đại như vậy đó.
Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục quốc tế (UNESCO) đã chỉ rõ mục đích của hoạt động học tập: Không chỉ học để làm mà còn học để biết, học để chung sống, và học để tồn tại. Phương châm này đã cho ta thông điệp “cùng với học để có kỹ năng làm việc tốt ta không thể không học để làm người”. Con đường học tập vì thế không bao giờ có điểm dừng, không có lĩnh vực gì không cần học. Học từ cái nhỏ đến cái lớn. Có thấu hiểu những cái đơn giản mới nắm bắt, khám phá được những điều phức tạp… Bởi sự học giống như con thuyền ngược nước. Nếu dừng lại coi như đã tụt lùi.
3. Không ai có thể tự vỗ ngực cho rằng mình đã học đủ, dù họ là một thiên tài. Có câu chuyện vui kể về một nhà bác học nổi tiếng thế giới ở xứ sương mù. Ông rất thích nuôi chó và mèo. Hôm nọ một chú nhóc hàng xóm đến nhà ông chơi, thấy gần cửa nhà ông có hai cái lỗ liền thắc mắc: “Ông ơi! Sao cửa nhà ông lại trổ tới hai cái lỗ ạ?”. Ông cười, nói: “Ồ! Cháu không biết sao? Cái lỗ nhỏ kia thì cho mèo chui. Còn lỗ to kia cho chó qua chứ?”. Cậu nhóc nhanh nhảu hồn nhiên: “Thế cái lỗ to kia mèo không chui được sao?”. Nhà bác học tròn mắt nhận ra điều ngớ ngẩn của mình liền ôm chầm cậu bé vừa công kênh lên cao vừa nói: “Hay lắm! Hay lắm! Vậy là cháu đã dạy ta bài học nhỏ mà không nhỏ!”.
Câu chuyện gợi ta nhớ đến lời tự bạch khiêm nhường mà chứa chất bao bài học sâu sắc của Đác-uyn, cha đẻ của học thuyết tiến hóa: “Bác học không có nghĩa là ngừng học!”.
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)