Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Học bạ toàn điểm 10 mới được thi vào trường chuyên

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nay sức nóng tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội không chỉ do số học sinh đông mà còn vì những thay đổi trong tuyển sinh theo hướng chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, đặc biệt các trường 'nóng'.
Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam /// NGỌC THẮNG
Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh NGỌC THẮNG
Học sinh vào lớp 1 gấp nhiều lần lớp 5 “ra trường”
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết năm nay số lượng học sinh (HS) các lớp giảm so năm ngoái nhưng “tăng khủng khiếp” so với năm trước nữa. Cụ thể, lượng tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2019 – 2020 giảm khoảng 13.000 HS so với năm 2018, nhưng so với số HS lớp 5 hết cấp vẫn tăng khoảng 30.000, số HS vào THPT giảm 4.000 so với năm 2018 nhưng tăng tới 25.000 so với năm trước nữa…
Do đó, Sở GD-ĐT yêu cầu lãnh đạo các nhà trường, các phòng GD-ĐT cần xem xét tham mưu với lãnh đạo các quận huyện, thị xã để có kế hoạch tuyển sinh hợp lý.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nhấn mạnh: “Các trường không tuyển sinh trái tuyến khi đã đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Sở sẽ tiếp tục rà soát và kiểm tra, nếu phát hiện các trường tuyển sinh trái tuyến sẽ xử lý kỷ luật”.
Hai vòng thi ngặt nghèo vào lớp 6 trường “AMS”
Theo hướng dẫn Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố, với các HS dự tuyển vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam sẽ trải qua 2 vòng tuyển sinh kết hợp giữa xét tuyển và kiểm tra, đánh giá năng lực.
Ở vòng xét tuyển thứ nhất, ngoài quy định HS có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, đã hoàn thành chương trình tiểu học, còn cần đảm bảo điều kiện tổng điểm bài kiểm tra cuối năm môn toán và tiếng Việt ở cả 5 năm tiểu học, điểm kiểm tra cuối năm lớp 4 và lớp 5 môn khoa học, lịch sử và địa lý. Điểm sơ tuyển sẽ là tổng điểm học tập cấp tiểu học và điểm ưu tiên đạt từ 139 điểm trở lên. HS muốn vào trường sẽ phải làm 3 bài kiểm tra. Nhưng trước đó phải lọt qua vòng hồ sơ dự tuyển ngặt nghèo.
Cụ thể, tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm của môn toán, tiếng Việt trong 2 năm học lớp 1 và 2 phải đạt từ 39 điểm trở lên. Tính ra, trong 4 bài kiểm tra này, chỉ có 1 bài được điểm 9; còn lại là phải toàn điểm 10.
Đến năm lớp 3, tổng số các bài kiểm tra định kỳ cuối năm của 2 môn toán, tiếng Việt phải đạt 20 điểm. Đến năm lớp 4 và 5, từng năm phải đạt điểm 10 của tất cả 4 bài kiểm tra các môn: toán, tiếng Việt, khoa học, lịch sử và địa lý.
Ngoài các tiêu chuẩn về 3 môn trên, học bạ của HS các năm từ lớp 3 phải đạt “hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”.
Những thí sinh có điểm sơ tuyển từ 139 trở lên sẽ tham gia vòng 2 với 3 môn kiểm tra đánh giá năng lực: môn toán, tiếng Việt và tiếng Anh. Mỗi môn làm bài trong thời gian 45 phút, điểm tính theo thang điểm 10, điểm lẻ được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Vòng kiểm tra, đánh giá năng lực diễn ra vào ngày 11.6.
Xác nhận nhập học trực tuyến vào lớp 10
Đặc biệt, bắt đầu từ năm học 2019 – 2020, Sở GD-ĐT Hà Nội áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến trong tuyển sinh bậc THPT để giảm thời gian đi lại, phiền hà cho phụ huynh (việc tuyển sinh trực tuyến tại các trường mầm non, tiểu học và THCS đã được thực hiện từ năm 2016).
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội), cho rằng trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm nay, về lý thuyết HS có thể có tối đa 7 nguyện vọng trúng tuyển vào các trường THPT công lập. Khi sử dụng hình thức xác nhận nhập học trực tuyến, HS không cần đến trường mà có thể ở bất nơi đâu có internet đều có thể thực hiện thao tác xác nhận nhập học hoặc đổi nguyện vọng một cách dễ dàng. Ngoài ra, ông Toản khẳng định Sở GD-ĐT cũng vẫn giữ hình thức xác nhận nhập học trực tiếp dành cho những HS không có điều kiện về công nghệ thông tin.
Tuệ Nguyễn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)