Bác Hồ đã để lại cho chúng ta vô số bài học quý báu mà tất cả mọi người đều có thể thực hành và vận dụng trong điều kiện cụ thể của mình. Trong nhà trường, một trong những điều rất thiết thực đối với học sinh là học tập và thực hành các kỹ năng mềm của Bác.
Bài học thứ nhất: Đoàn kết và hợp tác
Học sinh cần học và thực hành thường xuyên để xây dựng mối quan hệ tốt với bạn bè, cùng nhau học tập và phát triển. Các em cần học tinh thần đoàn kết và hợp tác theo tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ qua việc giải quyết xung đột. Chẳng hạn, khi có mâu thuẫn hoặc bất đồng trong nhóm, học sinh cần biết cách giải quyết một cách hòa bình, tôn trọng ý kiến của nhau và tìm ra giải pháp hợp lý.
Học sinh cũng cần tập thực hiện trách nhiệm xã hội, như tham gia các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ cộng đồng, nhằm phát huy tinh thần đoàn kết và hợp tác. Thí dụ, nhà trường có thể gắn kết với địa phương tổ chức thực hiện các công trình vệ sinh môi trường, như dọn dẹp rác thải, trồng cây xanh… Đó là cách rèn cho học sinh tinh thần “vì mọi người” thay vì chỉ biết có bản thân. Đặc biệt, trong nhà trường cần xây dựng được tinh thần tôn trọng sự đa dạng. Thầy cô nên quan tâm tạo điều kiện để học sinh thể hiện khả năng riêng của mình, không nên đánh đồng, cào bằng hoặc buộc học sinh phải giống nhau, cả trong suy nghĩ, nhận thức, hành động. Từ đó có thể làm gương, giáo dục cho học sinh biết tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, quan điểm và khả năng của từng người. Sự đa dạng làm phong phú thêm mối quan hệ và ý tưởng trong nhóm, trong tập thể. Do đó, cần uốn nắn cho học sinh tránh có thái độ kỳ thị, phân biệt, phản ứng với những điều khác với mình.
Học sinh cũng cần học việc xây dựng lòng tin, thông qua tạo dựng mối quan hệ đáng tin cậy với bạn bè và thầy cô, từ đó phát triển tinh thần hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong học tập, cuộc sống. Tức là từ nhỏ, học sinh cần xây dựng giá trị, uy tín, hình ảnh bản thân trước mọi người. Cuối cùng, nhà trường cần thường xuyên tổ chức và tạo điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa. Bởi qua việc đăng ký tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm hoặc phong trào, các em được gặp gỡ, làm quen với nhiều bạn bè khác. Thông qua những hoạt động này, học sinh sẽ rèn luyện được tinh thần đoàn kết và hợp tác, giúp xây dựng môi trường học tập tích cực và gắn bó hơn với nhau.
Bài học thứ hai: Làm việc nhóm
Bác Hồ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết trong mọi hoạt động. Người hiểu rằng một tập thể mạnh mẽ sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp, giúp vượt qua khó khăn và đạt được mục tiêu chung. Các tác phẩm: Con cáo và tổ ong, Hòn đá, Ca sợi chỉ… vốn đã được dạy trong nhà trường thực sự có ý nghĩa định hướng về vai trò của sự đoàn kết cũng như về việc phối hợp các hoạt động. Tham gia vào các hoạt động nhóm trong học tập, như thảo luận nhóm, dự án học tập, học sinh nên biết lắng nghe, chia sẻ ý kiến và giúp nhau để đạt được mục tiêu chung. Chúng ta đều biết Bác Hồ là người luôn lắng nghe ý kiến của mọi người, từ các đồng chí phục vụ, bảo vệ, người dân… Thực hành được điều này giúp xây dựng mối quan hệ tin cậy và khuyến khích mọi người tham gia vào quá trình ra quyết định. Do đó, học sinh cần học cách chia sẻ trách nhiệm. Trong quá trình làm việc nhóm, luôn cần sự chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên, bởi mỗi cá nhân đều có vai trò quan trọng và thành công của nhóm phụ thuộc vào sự cống hiến của các thành viên. Qua đó, học sinh cũng sẽ học được khả năng điều phối, lãnh đạo các thành viên, giúp phát huy tối đa năng lực của mỗi người, bắt đầu từ cách tổ chức công việc và phân công nhiệm vụ hợp lý trong nhóm.
Học Bác Hồ luôn nêu cao tinh thần cống hiến vì lợi ích chung, học sinh cần học cách đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, từ đó góp phần tạo ra sự đoàn kết và thống nhất trong nhóm. Như vậy, học Bác Hồ về làm việc nhóm không chỉ giúp học sinh phát triển kỹ năng giao tiếp, hợp tác mà còn tạo nền tảng cho sự thành công trong học tập và trong cuộc sống. Những bài học này sẽ giúp các em trở thành những người lãnh đạo có trách nhiệm và có khả năng làm việc hiệu quả trong môi trường tập thể.
Bài học thứ ba: Sống giản dị và tiết kiệm
Thực hành lối sống tiết kiệm, biết trân trọng những gì mình có là điều mà mỗi học sinh cần nghiêm túc học tập, tránh thói kiêu căng, tự mãn, khoe khoang, điều mà hiện đã có biểu hiện không còn cá biệt nữa. Học sinh có thể học lối sống giản dị và tiết kiệm theo Bác Hồ trước hết qua việc tôn trọng giá trị vật chất. Các em cần được dạy rằng không cần phải có nhiều của cải mới có thể sống hạnh phúc mà nên biết trân trọng những gì mình có và sử dụng chúng một cách hợp lý. Học sinh phải học cách tiết kiệm trong chi tiêu, như lập kế hoạch ngân sách cho các khoản chi tiêu hằng ngày, thực hiện tiết kiệm để thực hiện một dự án lớn, mua sắm vừa phải, hợp lý và tránh lãng phí, nhất là chỉ nên chọn những thứ cần thiết và có giá trị sử dụng lâu dài. Học sinh cũng phải học tinh thần giữ gìn và bảo vệ đồ dùng, như biết cách chăm sóc và sử dụng bền bỉ các đồ dùng học tập, quần áo và vật dụng cá nhân để tránh lãng phí. Đồng thời, biết quý trọng của công, tài sản, vật chất của người khác, sức lao động của mọi người… Đặc biệt, hiện nay, cần khuyến khích lối sống thân thiện với môi trường, như tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Ngoài ra, tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, từ đó rèn luyện lòng nhân ái và sự giản dị trong cuộc sống.
Không chỉ vậy, cha mẹ cần quan tâm rèn luyện tính tự lập cho trẻ, chẳng hạn, để trẻ tự làm những công việc nhỏ hằng ngày, từ nấu ăn, dọn dẹp đến việc tự học tập, để phát triển tính tự lập và không phụ thuộc vào người khác. Bằng cách thực hiện những điều này, học sinh sẽ phát triển lối sống giản dị và tiết kiệm, góp phần xây dựng một nhân cách đẹp và ý thức trách nhiệm với bản thân, xã hội.
Bài học thứ tư: Linh hoạt và uyển chuyển
Bác Hồ luôn thể hiện khả năng thích ứng với tình hình thực tế. Người đã linh hoạt điều chỉnh phương pháp và chiến lược trong từng giai đoạn cách mạng, bằng tư duy sáng tạo, không ngừng học hỏi và cập nhật kiến thức mới. Học Bác, học sinh cần phát triển khả năng tư duy độc lập, linh hoạt trong việc giải quyết vấn đề và tìm kiếm giải pháp mới. Chẳng hạn, một đức tính quan trọng là rèn sự kiên nhẫn và kiên trì. Bởi tính linh hoạt không chỉ là sự thay đổi trong phương pháp mà còn là khả năng giữ vững mục tiêu, bất chấp những khó khăn, để đạt được thành công. Đồng thời, chú trọng nâng cao hiệu quả, kết quả giao tiếp và xây dựng mối quan hệ tốt với mọi người, biết cách tiếp cận và thuyết phục người khác, tạo ra sự đồng thuận trong tập thể.
Thế giới ngày nay đang thay đổi nhanh chóng. Học sinh cần học cách ứng phó và tận dụng những thay đổi đó để phát triển bản thân và đóng góp cho cộng đồng. Học được những điều đó sẽ không chỉ giúp các em phát triển bản thân một cách toàn diện mà còn trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để thành công. Những bài học này không chỉ giúp học sinh phát triển bản thân mà còn góp phần vào việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Tinh thần này sẽ giúp các em trở thành những công dân tích cực, có trách nhiệm và sáng tạo trong cuộc sống.
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)