Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Học bổ túc không phải bước vào cửa hẹp – Bài 1: U60 lấy bằng đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Đào Tân Dân52 tuổi mới tốt nghiệp đại học là câu chuyện có thật của anh Đào Tân Dân, trưởng ban hành chính thuộc Công ty xếp dỡ Tân Thuận 2 Cảng Sài Gòn. Thế nhưng không ít người khi biết chuyện này đều lấy làm ngạc nhiên và thắc mắc: “Sao già vậy mà cũng chịu khó đi học? Thật là một con người đáng nể phục và xứng đáng làm gương cho tụi nhỏ bây giờ noi theo”.

Người lính già đi… học

Cùng với những đứa trẻ trong xóm, khi tròn 6 tuổi, cậu bé Dân được ba mẹ dẫn đến trường làng đi học. Bắt đầu từ đó Dân được làm quen với các con chữ và những phép tính đơn giản, không còn những ngày chơi lông nhông ở nhà nữa. Cứ tưởng là niềm vui sách vở sẽ theo suốt quãng đời thơ ấu của cậu bé nhưng học xong lớp 8 Dân phải nghỉ ngang vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vài năm sau, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng cũng là lúc anh tròn 19 tuổi, lứa tuổi tràn đầy sức sống và bao ước mơ hoài bão. Nối gót thế hệ cha anh đi trước, Đào Tân Dân lên đường nhập ngũ và trở thành anh chiến sĩ công an vũ trang đóng quân tại biên giới tỉnh Tây Ninh. Dù sẵn lòng nhiệt tình và nghị lực phấn đấu nhưng trình độ văn hóa chưa xong cấp hai nên suốt bảy năm trong quân ngũ Dân cũng chỉ là một anh lính bình thường. Xuất ngũ năm 1982, anh xin vào làm công nhân ở Cảng Sài Gòn trong bộ phận xếp dỡ. Tuy nghèo con chữ nhưng năng động tháo vát nhờ những năm lăn lộn và trui rèn trong quân ngũ nên Dân đã nhanh chóng trưởng thành hơn trong công việc. Không chỉ làm việc bằng cơ bắp, anh còn huy động cả trí não của mình vào việc sắp xếp tổ chức điều hành công việc. Chính vì thế tổ công tác của anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà không tốn nhiều công sức và mất nhiều thời gian. Nhờ năng lực quản lý tốt, vài năm sau Dân được cấp trên đề bạt chức trưởng ban hành chính của công ty. Thời gian đầu làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm nên có những khi gặp những vấn đề lớn anh không khỏi lúng túng. Anh tự nghĩ: “Mình là cán bộ lãnh đạo mà trình độ văn hóa lại thấp kém hơn anh em là chuyện không thể chấp nhận được. Hơn nữa tuổi tác cũng đã già, thời gian không bao giờ chờ đợi ai cả. Ngoài 40 rồi không đi học lúc này thì sẽ không còn có dịp nào nữa”. Một may mắn khác đã đến với anh khi Trường BTVH Tôn Đức Thắng (đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh) có kế hoạch hợp tác với Công ty của anh để mở các lớp BTVH tại đơn vị. Như “nắng hạn gặp mưa rào”, Dân đăng ký tên mình vào danh sách học sinh lớp 9 của trường. Đó là vào năm 1999 lúc này Đào Tân Dân đã 42 tuổi, cái tuổi không hề trẻ một chút nào. Lớp của Dân đa số là công nhân đi học nên độ tuổi 19, 20 rất hiếm, ai cũng ngoài 30 cả nhưng anh mới là “già làng” của lớp. Anh được bầu làm lớp trưởng ngay trong tuần học đầu tiên chắc do học viên trong lớp “chọn mặt gửi vàng”. “Lớn tuổi rồi mới đi học cũng thật là ngại, thầy cô có nhiều người còn trẻ hơn mình hơn nữa trí nhớ bây giờ không còn như ngày xưa, cứ sợ học trước rồi quên sau”, Dân tâm sự. Thế nhưng không hiểu sao khi quay lại với vở trắng bảng đen, Dân lại say mê lạ. Anh tranh thủ học mọi nơi mọi lúc, cứ khi nào có thời gian rảnh là ngồi ôn bài đọc thêm sách vở. Nhờ thế mà qua mỗi kỳ thi, điểm số của anh lớp trưởng già không hề thua mấy em nhỏ tuổi trong lớp. Một năm sau, Dân cùng với một số bạn bè dễ dàng hoàn thành xong chương trình BTVH lớp 9.

Do thời điểm này Trường BTVH Tôn Đức Thắng chỉ liên kết với Công ty dạy hết THCS là xong nên những ai muốn học tiếp phải đi sang trường khác hoặc cứ… chờ thêm một thời gian nữa. Sợ tiếp tục bị lỗi hẹn với sách vở, Dân đã đề nghị nhà trường và đơn vị tiếp tục mở lớp để cho mọi người có điều kiện học tiếp chương trình BT.THPT. Không ngờ lời đề nghị của Dân sau đó được chấp thuận, Ban giám hiệu nhà trường quyết định mở thêm các lớp 10, 11 và 12 BTVH. Con đường đến trường của anh và các bạn khác không còn chật hẹp nữa, những người công nhân đã có thêm cơ hội học tập trong hoàn cảnh vừa đi làm vừa đi học.

Mọi chuyện riêng tư đều gác lại

Bốn năm lại trôi qua, đến năm 2003 Dân đã có trong tay tấm bằng tốt nghiệp lớp 12. Với những người khác thì đó chưa có gì lớn lao lắm nhưng đối với Dân thật quá tuyệt vời vì phải mất bao công sức và thời gian mới có được. Cứ tưởng như vậy Dân đã bằng lòng với những gì mình đã có. Nhưng không, như “buồm ra khơi gặp gió lộng” ước mơ tiếp tục “học nữa học mãi” vẫn cứ cháy bỏng trong anh. Và anh đã quyết định đăng ký thi vào Trường Đại học Luật TP.HCM. “Có lẽ cũng bắt nguồn từ công việc, hơn nữa tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về luật để bổ sung những gì còn thiếu trong kiến thức của mình mong sau này ra trường có trình độ hiểu biết về luật phù hợp với môi trường mình đang công tác”- Dân tâm sự. Không ngờ sau kỳ thi đầu vào cả ba môn văn, sử và luật hiến pháp anh đều đạt điểm cao và đậu thẳng vào trường không cần điểm ưu tiên nào. Phấn khởi hơn, trong lớp BTVH Tôn Đức Thắng của anh có thêm năm người bạn thi đỗ đại học như học viên Ngọc (Đại học Kinh tế TP.HCM), Nghĩa, Trâm, Tín (Đại học Hàng hải), Sơn (Đại học Tôn Đức Thắng). Lại “điệp khúc” ban ngày đi làm tối thứ hai, ba, năm, sáu đi học, anh sinh viên già Đào Tân Dân cứ hì hục “cày” trên những con chữ trong giảng đường đại học. Nhà ở quận 7 nên đường đến trường không xa lắm nhưng mọi công việc nhà người chồng sinh viên bỏ mặc cho vợ và đứa con trai duy nhất. Gia đình bên vợ bên chồng có chuyện gì đều do bà xã đứng ra đại diện, tất cả các cuộc vui với bạn bè Dân cũng đành phải nói lời từ chối, tất cả chuyện riêng tư đều gác lại.

Dân và tôi ngồi bấm đốt ngón tay, từ năm 1999 Dân học liền tù tì một lèo đến tháng 7-2008 anh đã hoàn thành xong luận văn tốt nghiệp. Móc trong cặp ra, anh đưa cho tôi xem tấm bằng tốt nghiệp Trường Đại học Luật. Mân mê tấm giấy màu đỏ trên tay tôi thật sự cảm phục và ngưỡng mộ anh – một con người dám vượt qua tất cả khó khăn mặc cảm để có được thành quả học tập như hôm nay. Nhưng điều đó đối với Đào Tân Dân không hề có gì lạ vì trong con người anh đã có thêm những phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ.

Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)