Hơn một năm nay khoa Hồi sức Bệnh viện Nhi đồng 2 có thêm một bác sĩ điều trị nam mới về nhận công tác tuổi còn rất trẻ và đặc biệt là tay nghề giỏi, luôn ân cần chăm sóc bệnh nhân, đó là anh Nguyễn Vũ Xuân Trường. Đằng sau công việc có được hôm nay ít ai ngờ rằng, cách đây khoảng 10 năm Trường là một học viên của Trung tâm GDTX Chu Văn An, quận 5 theo học chương trình BTVH.
Chờ cơ hội học lại
Nếu ngồi nhắc lại quá khứ của Xuân Trường trong thời gian học phổ thông thì chuyện vui ít mà chuyện buồn lại nhiều. Năm 1994, khi Trường trúng tuyển vào lớp 10 hệ A Trường THPT Hùng Vương thì ba mẹ an tâm lắm. Cả gia đình hy vọng đứa con trai lớn rồi sẽ thành con ngoan trò giỏi làm gương cho ba đứa em còn nhỏ trong nhà. Thế nhưng hình như vào đây Trường không có mục đích để học mà là để… nghịch phá. Hết đi trễ, trốn tiết lại đến đánh nhau, đốt pháo… làm phiền lòng không biết bao nhiêu thầy cô. Cũng vì thế mà học hành cứ ngày một sa sút, học lực từ trung bình xuống yếu, may mà cuối năm vừa đủ điểm lên lớp 11. Nhưng rồi cứ “chứng nào tật nấy” không hiểu sao Trường vẫn thích làm… một học sinh cá biệt bắt buộc thầy cô nào cũng phải “lưu tâm”. Chính vì thế đang học giữa chừng cậu bị nhà trường đuổi học. Sợ không có ai quản lý lại đi theo mấy đám bạn hư hỏng, ba mẹ Trường lại đưa con mình vào học Trường Trung học Kỹ thuật Lý Tự Trọng (Tân Bình) để học nghề thợ điện và học văn hóa tiếp. Ai dè mới “chân ướt chân ráo” vừa học được hai tháng chán quá cậu ta nghỉ một cái “rụp”. Trường kể lại: “Không hiểu sao lúc đó em chẳng thích học chút nào, cũng chẳng ý thức được chuyện nghịch phá của mình để làm gì.”. Thế nhưng hậu quả thì đã thấy rõ. Cũng chẳng phải là con nhà giàu, cha mẹ chỉ là dân lao động phổ thông nên Trường phải nghĩ đến chuyện đi làm để có tiền xài. Lúc đó người cô ruột có bãi gửi xe ngoài chợ đang thiếu người thế là Trường trở thành “nhân viên” giữ xe chuyên nghiệp từ đó. Làm một thời gian quá vất vả, Trường lại bỏ nghề đi làm thợ sắt. Không giống như lúc đi học, đi làm cậu lại rất chăm chỉ biết nghe lời, luôn hết mình với công việc nên ở chỗ nào ai cũng quý, cũng có cảm tình với anh thợ trẻ. Thấy “vào đời” như vậy cũng quá đủ, đang đi làm thuê bỗng dưng Trường lại “trở chứng” thích… đi học. Mỗi ngày nhìn từng tốp học sinh tung tăng đến trường tự nhiên anh thợ sắt thấy thèm và nhớ lại những ngày xưa thơ mộng của mình. Cậu đem ý định của mình nói với gia đình và dĩ nhiên là được ủng hộ ngay. Trường cầm hồ sơ đến gõ cửa mấy trường THPT gần nhà thế nhưng tất cả đều từ chối, sau khi xem đi xem lại cuốn học bạ của anh. Đang hào hứng bỗng nhiên như bị ai đó dội nước lạnh vào người, Trường buồn vì cảm thấy con đường quay trở lại đi học của mình bỗng nhiên hẹp lại.
Có chí thì nên
Đúng lúc này Trường mới “nhớ ra” có Trung tâm GDTX Chu Văn An đóng trên địa bàn quận 5 không xa nhà là mấy. Tuy không phải là hệ phổ thông nhưng Trường biết đây là một cơ sở dạy BTVH lớn nhất nhì TP. Lại một lần nữa anh thợ sắt xách cuốn học bạ “đen” đi xin học không phải với vẻ mặt hào hứng mà với tâm trạng lo âu hồi hộp. “Em rất cảm ơn thầy Lê Đình Xô – giáo viên của trung tâm đã đồng ý nhận em vào học mặc dù thầy đã xem kỹ học bạ của em” – Trường tâm sự. Trường nhớ lại những ngày đầu tiên vào trung tâm: “Mặc dù mới ba năm nghỉ học nhưng không coi lại kiến thức thường xuyên nên đôi chỗ bắt đầu quên. Thế nhưng học ở môi trường GDTX em thấy thực sự thoải mái, bạn bè đa phần cùng hoàn cảnh học trễ hơn so với tuổi, chương trình học căn bản không có nhiều áp lực, thầy cô gần gũi dễ chịu và hòa đồng với học viên hơn”. Kết thúc lớp 11 Trường về khoe với ba mẹ hạnh kiểm, học lực xếp loại khá. Được mọi người động viên lại thấy tư chất của mình vẫn chưa đến nỗi tệ, Trường xác định quyết tâm thi đỗ đại học. Thế là trong thời gian bạn bè nghỉ hè, Trường đăng ký vào lớp luyện thi với ba môn chủ đạo của khối A rồi sau đó chuyển sang toán, hóa, sinh của khối B. Về chuyện này, Trường giải thích: “Đó là em chiều ý mẹ vì hồi nhỏ em bị bệnh hoài làm mẹ vất vả, hơn nữa mẹ thường mong trong nhà bốn anh em nên có một người là bác sĩ”. Và sau đó Trường đã thực hiện được ước nguyện của mẹ khi đậu vào Trường Đại học Y dược với 26,5 điểm, một điểm số rất cao mà nhiều người lúc đó không tin là của một học viên GDTX.
Có lần Trường bảo với tôi: “Vì một lý do nào đó của hoàn cảnh mà mỗi người có một con đường riêng trong học tập, điều cơ bản là ai có ý chí thì dễ dàng đạt được mục đích phấn đấu của mình”. |
Mặc chiếc áo sinh viên vào giảng đường đại học, Nguyễn Vũ Xuân Trường cũng như một số bạn khác phải “bươn chải” với đời bằng cách vừa học vừa tiếp tục đi làm thêm như giữ xe trên đường Hoàng Hoa Thám, nhận vài học sinh gần nhà để dạy thêm… Chính những đồng tiền tự kiếm được bằng mồ hôi công sức của bản thân nên anh càng quý trọng nó. Vào đại học kiếm được điểm 5, điểm 6 không phải dễ với một số sinh viên nhưng với Xuân Trường học kỳ nào trung bình môn cũng trên bảy “phết” nên anh luôn có tên trong danh sách sinh viên nhận học bổng của nhà trường.
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Nguyễn Vũ Xuân Trường cùng với những bác sĩ đa khoa trẻ khác đáng ra về công tác tại các trung tâm y tế quận huyện nhưng thời gian đó Bệnh viện Nhi đồng 2 bắt đầu có chủ trương thi tuyển bác sĩ để thu hút nhân tài. Trường dễ dàng lọt qua phần test ngoại ngữ, vòng sát hạch chuyên môn, phỏng vấn trực tiếp để có tên trong danh sách ba người trúng tuyển và chính thức trở thành bác sĩ điều trị thuộc khoa Hồi sức của bệnh viện. Tại phòng trực của bác sĩ Nguyễn Vũ Xuân Trường lúc nào cũng có một cuốn tài liệu về y khoa bằng tiếng Anh đang đọc dở. Đó là thói quen và cũng niềm say mê của anh lúc rảnh rỗi vì Trường đang trang bị thêm kiến thức sắp tới chuẩn bị ra nước ngoài học một khóa kỹ thuật mổ tim hở.
Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)