Ngoại ngữ - Du họcThông tin du học

Học bổng của Chính phủ Ba Lan có yêu cầu gì ở ứng viên?

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa có thông báo tuyển sinh ứng viên nhận học bổng đi học tại Ba Lan diện Hiệp định năm 2024 dành cho trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Chính phủ Ba Lan sẽ miễn học phí và phí nghiên cứu, bố trí chỗ ở phải trả tiền ở ký túc xá theo quy định của Chính phủ Ba Lan.

Chính phủ Việt Nam cấp vé máy bay một lượt đi và về, phí đi đường, phí làm hộ chiếu, visa, bảo hiểm y tế và cấp bù sinh hoạt phí hàng tháng theo chế độ hiện hành đối với du học sinh học bổng Hiệp định tại Ba Lan.

Ứng viên có thể chọn nhiều ngành học khác nhau trừ y dược và nghệ thuật để học tại Ba Lan. ANB

Ngôn ngữ sử dụng trong quá trình học tập và nghiên cứu là tiếng Ba Lan. Nếu ứng viên chưa từng học ĐH hoặc sau ĐH tại Ba Lan sẽ được bố trí học một năm dự bị tiếng Ba Lan trước khi vào học chuyên ngành. Sau đó, ứng viên phải đạt kỳ thi sát hạch tiếng Ba Lan.

Học bổng này quy định đối với khóa học chuyên ngành, ứng viên phải đạt kết quả kỳ thi đầu vào (tùy thuộc yêu cầu cụ thể của cơ sở đào tạo và chương trình học) mới được chính thức tiếp nhận vào học. Nếu không đạt yêu cầu trong các kỳ thi này, ứng viên sẽ phải về nước và bồi hoàn toàn bộ kinh phí đào tạo cho nhà nước hoặc chuyển sang học theo diện tự túc kinh phí.

Yêu cầu vòng sơ tuyển cụ thể như sau:

Học bổng đại học

Sinh viên năm thứ nhất hệ chính quy tập trung của các đại học(ĐH), học viện, trường ĐH Việt Nam có kết quả 3 năm học THPT, điểm xét tốt nghiệp THPT và học kỳ I năm thứ nhất ĐH đạt từ 7,0 trở lên.

Học sinh đang học lớp 12 đã tham gia đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực và đoạt huy chương vàng, huy chương bạc, huy chương đồng; hoặc tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và đoạt các giải nhất, nhì, ba, có kết quả học tập ở bậc THPT đến hết học kỳ I năm học 2023-2024 đạt từ 7,0 trở lên và có kết quả trúng tuyển ĐH năm 2024 khi làm thủ tục đi học.

Học bổng thạc sĩ

Người có trình độ ĐH đạt loại khá trở lên, đang công tác tại các cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục ĐH (biên chế hoặc hợp đồng từ 12 tháng trở lên có đóng bảo hiểm xã hội), không quá 35 tuổi (tính đến 1.4.2024), có thời gian công tác tối thiểu 12 tháng kể từ khi có hợp đồng lao động đầu tiên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ dự tuyển.

Sinh viên tốt nghiệp ĐH trong thời gian từ ngày 1.1.2023 đến hết ngày 31.3.2024 với kết quả học tập đạt loại giỏi, chưa có quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động, có cam kết sau khi hoàn thành khóa học sẽ về nước làm việc theo yêu cầu của nhà nước.

Người có trình độ ĐH đạt loại khá trở lên và điểm trung bình chung học tập bậc thạc sĩ đạt từ 7,0 trở lên đang công tác tại các cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục ĐH (biên chế hoặc hợp đồng loại dài hạn 12 tháng trở lên có đóng bảo hiểm xã hội), không quá 40 tuổi (tính đến 1.4.2024), có thời gian công tác tối thiểu 12 tháng kể từ khi có hợp đồng lao động đầu tiên sau khi tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ, tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ dự tuyển.

Người có trình độ ĐH đạt loại khá trở lên và tốt nghiệp thạc sĩ trong thời gian từ ngày 1.1.2023 đến hết ngày 31.3.2024 tại Việt Nam có điểm trung bình chung học tập đạt từ 8,0 trở lên hoặc tại nước ngoài với kết quả học tập loại giỏi, không quá 35 tuổi (tính đến 1.4.2024), chưa có quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động, có cam kết sau khi hoàn thành khóa học sẽ về nước làm việc theo yêu cầu của nhà nước.

Ứng viên vừa nộp hồ sơ trực tuyến vừa nộp hồ sơ giấy tới Cục hợp tác quốc tế của Bộ GD-ĐT, hạn cuối 6.4. Mọi thông tin chi tiết xem tại đây.

Theo Mỹ Quyên/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)