Giữa năm ngoái, Tập đoàn Intel sau một năm khảo sát 2.000 sinh viên chỉ tuyển dụng được 40 bạn. Trong số đó, phần lớn chỉ đáp ứng 60% yêu cầu của nhà tuyển dụng. Hầu hết sinh viên bị đánh giá thiếu những kỹ năng cần thiết.
Thực hành trò chơi làm việc nhóm tại buổi tọa đàm – Ảnh: Q.Linh |
Đó là những kỹ năng nào và làm sao trang bị? Lời giải nào cho bài toán kỹ năng sống đang được nói đến hiện nay?… Những câu hỏi ấy vừa được đặt ra tại tọa đàm “Những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho SV” do Trung tâm Hỗ trợ SV (thuộc Hội SV TP.HCM) tổ chức sáng 9-12.
Thiếu và yếu
Phải vẽ bản đồ cuộc đời
Vì không biết tự khám phá bản thân nên theo thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm, các bạn vừa không biết “vẽ bản đồ cuộc đời mình”, tức là xây dựng một lộ trình với những cột mốc cần đạt đến cho đời mình, vừa không biết cân bằng và tận hưởng cuộc sống. “Nhiều người trẻ chỉ biết lao vào công việc, kiếm tiền mà quên rằng cần phải dành thời gian tận hưởng cuộc sống. Đó là một sai lầm, vì như thế các bạn có thể thành công chứ không phải thành đạt” – bà kết luận.
|
Thạc sĩ Trần Đình Lý – giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV và quan hệ doanh nghiệp (ĐH Nông lâm TP.HCM) – cho biết: một số khảo sát gần đây tại nhiều doanh nghiệp cho thấy khoảng 60% SV mới tốt nghiệp phải được các doanh nghiệp đào tạo lại mới có thể làm việc.
Ông còn cung cấp một cuộc khảo sát bỏ túi do chính ông thực hiện: có 60% SV (trong số 80 bạn được hỏi) tại một trường ĐH dân lập ở TP.HCM trả lời “không yêu thích ngành mình đang theo học, hoặc chỉ học tạm để luyện thi ĐH lại”. Ông đưa ra nhận xét: “Kỹ năng tự định hướng bản thân của phần lớn SV rất yếu, nếu không muốn nói là không biết tự định hướng”.
Ông Lý Trường Chiến – chủ tịch Tập đoàn Trí Tri – nói về một kỹ năng khác: “Nhiều bạn cứ tưởng mình biết lắng nghe nhưng thật ra không phải vậy. Kỹ năng nghe đòi hỏi phải biết nghe và biết nói đúng lúc”. Câu chuyện này có lẽ không quá xa lạ, nhất là với những tân cử nhân khi đi phỏng vấn xin việc. Còn TS Lê Đạt Thành – Công ty TNHH Du Pont VN – bổ sung: “Các bạn cứ quan niệm học là phải vào lớp, trong khi kỹ năng học hỏi quan sát từ thực tế, nhặt cái hay của chính đồng nghiệp xung quanh thì hầu như rất ít người làm được vì tâm lý chung không ai muốn tự nhận mình dở hơn người khác”.
Trong khi đó, giám đốc Công ty ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt – thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm – khẳng định: “Rất đông bạn trẻ hiện nay bị hỏng kỹ năng tự khám phá bản thân, điều này đúng ra phải được hướng dẫn ngay khi bước vào tuổi mới lớn, chứ không phải trở thành SV mới đi tìm”.
Đặt hàng từ SV
Trước câu hỏi “Làm sao để biết cách định hướng đời mình sau này?” của SV Hà Ngọc Long (ĐH Công nghiệp TP.HCM), thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm chia sẻ: “Mỗi bạn cần có những khoảng lặng trong cuộc đời để tự chiêm nghiệm và xây dựng hành trình cho cuộc sống cá nhân vì chỉ chính mình mới biết mình muốn gì, cần gì. Đó là khả năng tự giáo dục mà trong chính môi trường giáo dục gia đình sẽ giúp hình thành”.
Ông Bùi Đức Chính – Công ty cổ phần Dịch vụ và tư vấn phát triển nguồn nhân lực BCC – hướng dẫn các SV có mặt thực hiện một trò chơi. Ba nhóm SV ngẫu nhiên được hình thành và mỗi nhóm sẽ có ba phút để đặt tên, thiết kế biểu tượng và slogan riêng của nhóm. Chỉ trong thời gian ngắn, các nhóm đều đáp ứng đủ yêu cầu đưa ra. “Mình rất bất ngờ vì không biết vừa tham gia quá trình làm việc nhóm. Hóa ra kỹ năng làm việc nhóm đâu quá khó” – Mỹ Phương, SV năm 2 ĐH Công nghiệp TP.HCM, bày tỏ.
Bạn Kim Khuyên – SV ĐH Ngoại thương (cơ sở 2 tại TP.HCM) – cho rằng thực tế hiện nay nhà trường, cha mẹ thường đòi hỏi con cái học giỏi, điểm số cao, trong khi nhà tuyển dụng lại chọn một SV có năng lực vừa phải và có kỹ năng làm việc chứ không cần một người từng học giỏi. Từ thực tế đó Khuyên đề xuất: “Cần đưa việc đào tạo kỹ năng vào nhà trường”.
QUỐC LINH lược ghi/TTO
Bình luận (0)