Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Học cách bán cái người ta cần

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 1.000 mẫu giày nam và nữ được trưng bày đẹp mắt trong không gian sang trọng của khách sạn năm sao Equatorial vào hai ngày 25 – 26.5 vừa qua. Tất cả tiểu thương bán giày ở các cửa hàng, các chợ tại TP.HCM được mời đến xem. Mỗi người được phát cho một phiếu thông tin để ghi lại mã số những mẫu hàng mà họ quan tâm, đánh giá mẫu, màu sắc sẽ được chuộng và có thể bán, thêm vào đó là số lượng dự kiến đặt hàng.

Tại cuộc trưng bày, tiểu thương được hỏi ý kiến nhận xét về sản phẩm.

Đó là cách mà công ty Đầu tư thương mại đa quốc doanh (DQD Vietnam) – một công ty Ba Lan đăng ký hoạt động tại Việt Nam, đã thực hiện trước khi nhập giày về Việt Nam và chính thức tung hàng ra thị trường. Họ không phân biệt tiểu thương sạp chợ hay cửa hàng lớn, nhỏ; không phân biệt người bán sỉ hay người bán lẻ. Theo ông Lâm Tuyển, chủ tịch HĐQT DQD Vietnam, tiểu thương là người hiểu thị trường và hiểu người tiêu dùng nhất, trong khi ông cần biết những mẫu và giá mình đưa ra có khả năng bán được hay không. Cách làm này giúp DQD Vietnam sau khi tổng hợp phiếu thông tin sẽ tập trung vào những mẫu hàng được chọn nhiều, bán đúng cái người ta cần.

Ông Hán Trí, chủ hai cửa hàng giày, một ở quận Tân Phú và một ở chợ Nhị Thiên Đường, quận 8 nhận xét, hơn 50% mẫu giày trưng bày có kiểu dáng mới lạ, đẹp, phối màu sang trọng và ông bất ngờ với giá rất dễ bán. Còn chất lượng đương nhiên phải sử dụng mới biết khi DQD Vietnam không ngần ngại công bố các nhãn hiệu Vices, Diva Star, Betler, Magic Fairy, Tuto per Tuto… là hàng được sản xuất ở Trung Quốc theo chất lượng đặt hàng riêng của họ.

Ông Trí và một số tiểu thương cho rằng cách kinh doanh của DQD Vietnam đáng để các doanh nghiệp Việt Nam học tập. Quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện thời trang là những mặt hàng phải chạy theo thời mốt, rất nhanh thay đổi. Từ trước đến nay, các cơ sở nhỏ lẫn doanh nghiệp lớn trong nước tốn khá nhiều chi phí tuyển nhân viên kinh doanh, tiếp thị đi chào hàng từng sạp, cửa hàng. Có cơ sở chỉ cho xem hàng qua catalogue, nên xảy ra tình trạng tiểu thương chọn mẫu rồi nhưng khi hàng được giao đến nơi thì tiểu thương từ chối nhận vì chất liệu không đẹp. Có công ty cho nhân viên mang hàng mẫu đi chào, nhưng số lượng ít ỏi khó chọn lựa. Hàng đã sản xuất rồi, khi đại lý hay tiểu thương không ưng mẫu, không đặt hàng thì có cơ sở sản xuất tính cách ký gửi hàng, nếu bán không được thì tồn kho, chôn vốn. Chưa doanh nghiệp nào trong nước làm hàng loạt hàng mẫu trưng ra lấy ý kiến mạng lưới đại lý tiềm năng của mình trước khi sản xuất.

DQD Vietnam đã chọn tiểu thương bán sỉ lẫn bán lẻ là đối tác chính, vì lực lượng này có sức mạnh phân phối mạnh và trải rộng hơn siêu thị hay cửa hàng của chính công ty sản xuất mở ra. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam còn hời hợt với lực lượng này.

bài và ảnh: Nguyệt Hồng

SGTT.VN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)