Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học cách chi tiêu khi du học

Tạp Chí Giáo Dục

Học viên tại Học viện Yola học ngoại ngữ với giáo viên người bản xứ

Quyết định đi học ở nước ngoài cũng là lúc các “cậu ấm cô chiêu” phải đối diện với cuộc sống tự lập có muôn vàn nỗi lo toan. Và quản lý tài chính sao cho không rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau trong thời buổi mọi thứ chi tiêu đắt đỏ cũng là vấn đề mà nhiều du học sinh (DHS) lo lắng.
Nhiều tiền cũng… khóc
Có một “hầu bao” rủng rỉnh, nguồn tài trợ ổn định hay một công việc làm thêm với thu nhập kha khá nhưng nếu không có sự chủ động trong chi tiêu thì nhiều người sẽ mãi luẩn quẩn với cảnh thiếu trước hụt sau. Và quả thật, không ít DHS đã rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi nhận tiền mới được 1-2 tuần đã “cháy túi”. Lê Nam, DHS Trường ĐH Baylor (Mỹ), kể: “Hồi mới sang Mỹ, thấy cái gì thích, lạ mắt là tôi lại muốn mua. Sẵn có nhiều tiền mặt ba mẹ gửi để tiêu trong vòng mấy tháng, tôi mặc sức mua sắm. Và chỉ hơn 4 tuần sau khi sang Mỹ, tôi nhận ra ngân quỹ của mình đang rơi dần vào tình trạng báo động đỏ, thâm hụt suốt mấy tháng liền. Tình trạng này cứ tái phát liên tục đến nỗi tôi phải kê “khống” các khoản chi tiêu để ba mẹ viện trợ thêm”. Cũng từng nếm trải những “bài học xương máu” liên quan đến chi tiêu cá nhân, Võ Thị Quỳnh Anh, cựu sinh viên Trường ĐH Newcatles (Anh), cho biết gia đình có người thân ở Anh nên bạn nhanh chóng hòa nhập được với cuộc sống du học và thuận tiện khi xin việc làm thêm. Những năm học ở đây, tôi làm thêm đủ thứ việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống: Từ phục vụ quán ăn, cà phê, đi giao báo cho đến thủ quỹ, làm thủ tục check in trong một vài khách sạn với thu nhập ngày càng cao. Thế nhưng, ngay cả khi làm ra thật nhiều tiền, tôi vẫn thấy cuộc sống của mình luôn thiếu thốn vì nhu cầu chi tiêu, mua sắm không “phanh” kịp. Phải hai năm sau, Quỳnh Anh mới nhận ra mấu chốt của vấn đề là: Dù có bao nhiêu tiền chăng nữa, nếu không có sự chủ động trong chi tiêu thì cũng mãi luẩn quẩn với cảnh thiếu trước hụt sau. Chi phí tiêu dùng thường nhiều hơn thu nhập mà việc chi tiêu như thế nào thường do thói quen và tâm lý dẫn dắt.
Trong tháng 9 vừa qua, một nhóm cựu DHS có buổi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm du học với học sinh Trường THPT Marie Curie (TP.HCM). Tại đây, thạc sĩ ngành tài chính Lê Việt Hoàng (một cựu DHS) cho hay chị đã trải qua 7 năm du học lần lượt ở Pháp và ở Singapore. “Hồi nhỏ, tôi được gia đình cưng chiều nên không ý thức sống tiết kiệm. Khi đi du học, những khoản chi cơ bản như học phí, chỗ ở, ăn uống… đã có cha mẹ chu cấp. Nhưng giá cả sinh hoạt ở nước ngoài rất đắt đỏ, cao gấp 10-20 lần so với Việt Nam. Hơn nữa, tôi đi du học từ năm 19 tuổi nên rất thích sắm sửa những thứ như quần áo, mỹ phẩm… Nửa năm đầu tiên, tôi luôn sống trong tâm trạng hoang mang, lo lắng, muốn xin thêm tiền nhưng biết chắc gia đình không thể đáp ứng. Thế rồi, tôi quyết tâm lập một danh sách chi tiêu hằng tuần, ưu tiên cho những thứ thực sự cần thiết. Song song đó, tôi khảo sát giá cả cụ thể và đối chiếu số tiền mình có nhằm cân đối hầu bao”, chị Việt Hoàng kể lại.
Thích nhất không bằng cần nhất
Chị Việt Hoàng cho biết ở nước ngoài, thẻ tín dụng là phương thức thanh toán phổ biến và hữu hiệu nhất. Nhiều bạn đi du học đã có thẻ tín dụng nên dễ thấy cái gì thích là mua, “quẹt” thẻ ngay mà ít nghĩ đến hậu quả, thậm chí mua về nhưng chưa một lần sử dụng đến. “Chúng ta không nên nóng vội mà phải bình tĩnh, hít thở sâu và tự nhủ: “Ừ, nó hay đấy, nhưng khả năng mình có hạn”. Dần dần, số lần hối hận vì hoang phí sẽ giảm bớt. Ngoài ra, nếu rèn luyện kế hoạch chi tiêu càng sớm thì DHS càng có điều kiện tiết kiệm và tiết kiệm càng nhiều tiền thì càng chủ động hơn trong chi tiêu”, chị Việt Hoàng chia sẻ. Tương tự, Quỳnh Anh cũng chia sẻ cách tiết kiệm, cân đối chi tiêu là: Làm sổ tay ghi chép cụ thể các khoản cần chi và cố gắng không chi thêm các khoản khác. “Khi đi mua sắm tại chợ, siêu thị, tôi thường gạch ra giấy những vật dụng cần mua. Nếu muốn mua thêm thứ gì, tôi sẽ tính đến mục đích sử dụng, nhu cầu cần thiết của vật dụng đó để tránh tình trạng mua xong rồi lại không dùng đến”, Quỳnh Anh cho biết.
Bên cạnh đó, “săn” hàng giá rẻ hoặc đồ đã qua sử dụng cũng là chiêu thức được nhiều DHS “mách nước” cho nhau. “Thông thường, những tờ rơi quảng cáo ở Mỹ sẽ được nhét vào hộp thư của từng nhà. Nếu chịu khó theo dõi, bạn sẽ tìm được những địa chỉ có hàng giảm giá rẻ đến bất ngờ. Tôi cũng thường tranh thủ ghé các “Gara sale” (gian hàng đồ cũ) để xin hoặc mua các món đồ cũ với giá cả rẻ… như cho. “Chiêu” này cũng tiết kiệm cho DHS một khoản chi phí rất đáng kể”, Lê Nam bật mí.
Bài, ảnh: Tường Linh
Dù có bao nhiêu tiền chăng nữa, nếu không có sự chủ động trong chi tiêu thì cũng mãi luẩn quẩn với cảnh thiếu trước hụt sau.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)