Rời công việc chuyên môn, cô Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa (Hiệu trưởng Trường MN Nam Sài Gòn, TP.HCM) lại tất bật với những món đồ chơi, đồ dùng dạy học cho trẻ.
Cô Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa (trái) tại buổi ủng hộ vận động quyên góp chung sức bảo vệ biển Đông của Trường MN Nam Sài Gòn |
Cô Hoa bắt đầu câu chuyện: “Tuổi thơ tôi có nhiều hậu thuẫn nhưng bản thân chưa bao giờ hài lòng với những gì mình có, làm bao nhiêu cũng thấy chưa đủ. Mang lại niềm vui cho trẻ là mục đích của tôi”.
Hiệu trưởng đi… xin
Ít ai biết rằng, những năm còn là chuyên viên của Phòng GD-ĐT Q.8, cùng lúc cô làm thêm rất nhiều công việc như bán sách, bán quần áo, thư ký phòng nha, dạy kèm. Thu nhập có được cô dành làm đồ chơi, học cụ cho trẻ.
Nhớ lại thời gian đầu nhận nhiệm vụ ở Trường MN Nam Sài Gòn, cô chia sẻ: Là đơn vị tự chủ tài chính nhưng không được tự chủ trong mức thu, do vậy không có kinh phí cải tạo, sửa chữa và nâng cấp cơ sở vật chất yếu kém. Chế độ chính sách cho đội ngũ GV chưa thực hiện đúng quy định. Chuyên môn của từng phòng ban, từng bộ phận chưa tốt. Hơn nữa, thiếu điều kiện cần và đủ để phát triển nhà trường trong khu đô thị mới nói chung và Phú Mỹ Hưng nói riêng.
“Nhìn các con chơi đùa, học tập trong môi trường quá tệ, tôi đã khóc và quyết tâm làm từ những việc nhỏ nhất”, cô Hoa kể. Để có được những gì cho các con, cô Hoa tận dụng tất cả các mối quan hệ để xin thứ này, thứ kia. “Xin cho các con thì không có gì phải xấu hổ, không nỡ nhìn các con thiếu thốn”, cô Hoa giãi bày. Ai có gì cho cô lấy cái đó, miễn là những thứ ấy có thể giúp ích cho các con của mình. Thay đổi ban đầu của trường là tạm đủ đồ chơi để các con vừa học vừa chơi.
Hoạt động chuyên môn dần ổn định, ngày đêm cô lại lao vào tìm mẫu mã đồ chơi, những sản phẩm dành cho trẻ mang tính giáo dục cao, các trò chơi vận động để vẽ rồi thiết kế lại cho phù hợp, tìm kiếm nguyên vật liệu rẻ tiền nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí an toàn, giáo dục…
Bên cạnh hoạt động xã hội, Ban Giám hiệu nhà trường còn chủ động trong giáo dục tư tưởng, đạo đức chính trị. Theo đó, đều đặn hàng năm, Chi bộ nhà trường tổ chức thăm mẹ Việt Nam anh hùng trong phường, thăm và tặng quà cho người neo đơn trong quận với chi phí thăm hỏi, tặng quà đều do các cá nhân tự nguyện đóng góp.
Dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm
Trẻ Trường MN Nam Sài Gòn có môi trường học tập tốt như hiện nay, theo cô Hoa là nhờ bản thân dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, đặc biệt nhờ tập thể đoàn kết, nhất trí và quyết tâm. Bên cạnh đó, trường còn có đội ngũ trẻ năng động, cầu tiến và sự quan tâm của ngành, sở và chia sẻ gánh nặng về tài chính từ phía phụ huynh. Và thành công của nhà trường phong trào xã hội hóa giáo dục trong 10 năm qua. “Sự đồng thuận là chất xúc tác trong đổi mới tư duy của đại gia đình MN Nam Sài Gòn”, cô Hoa khẳng định.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cô thể hiện rõ qua kết quả xã hội hóa giáo dục trong 10 năm qua ở trường. Cô Hoa chia sẻ, thành công của hoạt động này là nhờ vận dụng khéo léo lời dạy của Bác: “Nói cho dân nghe, dân hiểu. Làm cho dân thấy, dân tin”. Từ những nỗ lực, cống hiến cùng tập thể CB-GV-NV làm nên một diện mạo MN Nam Sài Gòn mới, cô Hoa đã vinh dự nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của bộ, ngành. Cô cũng là một trong 8 gương cá nhân điển hình Dân vận khéo năm học 2015-2016 được Đảng ủy Sở GD-ĐT TP.HCM tuyên dương mới đây. |
Theo cô Hoa, trẻ ngày càng thông minh nhạy bén đòi hỏi GV phải đầu tư nhiều, đổi mới tư duy và cập nhật kiến thức chuyên môn thường xuyên. Trẻ có điều kiện tiếp xúc với công nghệ quá sớm, đặc biệt là trò chơi trên iPad, smartphone… dẫn đến thụ động. Lỗi có phần của phụ huynh. Nguy hiểm hơn, trẻ mất dần ngôn ngữ mẹ đẻ, vì phụ huynh muốn trẻ nói tiếng nước ngoài sớm nhất khi có thể.
Từ thực tế đó, cô Hoa đề xuất cần đầu tư có hệ thống chương trình khung phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Có sự linh hoạt, mở rộng nâng cao chương trình ở các thành phố trung tâm để phù hợp với tính chất thành phố hiện đại. Đặc biệt là có chính sách hỗ trợ phù hợp cho GV MN ở từng vùng miền.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)