Các học viên tại Học viện Yola đang trao đổi với giảng viên người bản xứ về những quy tắc khi sống “homestay” |
Khi du học ở các quốc gia trên thế giới, du học sinh (DHS) có nhiều hình thức lựa chọn chỗ ở như sống cùng người thân, ký túc xá, thuê trọ ở ngoài… Nhưng loại hình được nhiều DHS chú ý nhất hiện nay vẫn là homestay: Sống chung một nhà với người bản xứ.
Thông thường, các trung tâm du học, trường ĐH sẽ giới thiệu cho những DHS còn “lạ nước lạ cái” về hình thức và các địa chỉ homestay khi có nhu cầu. Sống chung với người bản xứ, DHS sẽ nhận ra sự thuận tiện và an toàn trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Nhiều lợi ích
Lợi ích dễ nhận thấy nhất đó là vốn tiếng Anh tiến bộ rất nhanh. Thời gian đầu, có thể DHS sẽ khó khăn để nghe và hiểu được tất cả mọi thứ từ họ. Nhưng sau một thời gian tiếp xúc thường xuyên DHS sẽ quen dần với phong cách giao tiếp, khẩu ngữ địa phương và nhờ vậy khả năng tiếng Anh sẽ tiến bộ lên rất nhanh. Bạn càng nói chuyện nhiều với chủ nhà thì càng học được nhiều điều thú vị từ chính ngôn ngữ của họ.
Khi mới bắt đầu đến ở, DHS sẽ được chủ nhà hướng dẫn đầy đủ về các loại hình phương tiện giao thông công cộng, cách đến trường thuận tiện nhất. Các gia đình được chọn là địa chỉ homestay không quá cách xa trường các bạn theo học. Hơn nữa, phần lớn những gia đình này đều được khảo sát, chọn lọc và có sự ưu tiên với các trường hợp đã từng hợp tác hiệu quả trước đây nhằm hạn chế những va chạm không hay xảy ra trong đời sống hằng ngày. Một điều khá dễ chịu đối với những DHS hòa nhập với môi trường mới là “homestay” luôn đảm bảo vệ sinh và an ninh rất tốt, không phải lo lắng tình trạng mất cắp hay các tệ nạn bên ngoài xã hội. Rất nhiều gia đình thân thiện còn lo cho DHS hai bữa ăn mỗi ngày (sáng và chiều) với chi phí hợp lý. Mức sinh hoạt phí như điện nước sẽ được tính vào tiền trọ, phù hợp với túi tiền và điều kiện của mỗi người.
Ở chung một nhà cùng với người bản xứ, nhiều DHS sẽ nhận được sự hỗ trợ giám hộ, chăm sóc giống như ở nhà nếu gia đình đó có con cái đi xa hoặc đã kết hôn. Cụ thể, DHS sẽ không phải quá tất bật với các công việc nhà như giặt quần áo, lau dọn nhà cửa, nấu nướng… do các “bà mẹ” đã ưu ái giành việc về cho mình. Vì vậy, DHS sẽ có nhiều thời gian hơn để học tập, nghỉ ngơi, tham gia các sinh hoạt cùng gia đình bản xứ. Bên cạnh đó, việc ở homestay cũng sẽ giúp cho DHS có nhiều mối quan hệ tốt, thuận tiện cho những hoạt động “bên lề” sau này như xin việc làm thêm, công tác xã hội…
Cần tuân thủ các quy tắc khi sống “homestay”
Dù nhận được rất nhiều sự quan tâm và ưu ái của chủ nhà nhưng DHS cũng không nên quên tuân thủ một số quy tắc nhất định. “Nhập gia tùy tục”, mỗi nền văn hóa, mỗi gia đình đều có những quy định riêng nên việc thực hiện đúng nguyên tắc chính là cách tôn trọng chủ nhà. Do đó, khi sống chung với gia đình nào, bạn nên tìm hiểu phong tục, tập quán từng địa phương, từng gia đình để có cách xử sự chuẩn mực. Một số nguyên tắc cơ bản trong sinh hoạt hằng ngày như: Thông báo cho gia đình nếu bạn không ăn cơm ở nhà; giúp đỡ gia đình những việc vặt; giữ phòng bạn sạch sẽ ngăn nắp và gọn gàng; lễ phép, thân thiện và quý trọng tài sản của gia đình; phải xin phép gia đình “homestay” khi muốn mời bạn về nhà chơi; chuyện tiền trọ hay các khoản sinh hoạt phí bạn cũng nên đóng đều đặn… Đó là những điều mà DHS ở bất cứ quốc gia nào cũng cần phải ghi nhớ. Bên cạnh đó, việc ăn mặc phù hợp cũng là điều mà DHS phải lưu ý để tránh không làm cho gia đình homestay hoặc những người khác ngượng ngùng, khó chịu, dù ở nhà cũng cần lịch sự, tôn trọng người khác.
Tường Vy
Bình luận (0)