Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học cách lắng nghe và chia sẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Nghi lễ trước khi ăn cơm
Thay vì có những chuyến tham quan dã ngoại cùng gia đình, hay tham gia những hoạt động cộng đồng… nhiều bạn trẻ hiện đang là học sinh, sinh viên (HS-SV) tại TP.HCM và các tỉnh/ thành lại chọn một hướng đi khác để rèn luyện bản thân: Tu tại chùa.
4 giờ 30 sáng, tiếng chuông chùa gióng lên liên hồi báo hiệu giờ thức giấc. Những cô cậu học trò vốn quen với việc ngủ nướng hàng ngày đồng loạt kéo nhau dậy, thu dọn chăn màn, xếp hàng làm vệ sinh cá nhân, tập thể dục và ăn sáng. Đây cũng là một hoạt động “khác thường” đầu tiên trong ngày của hơn 3.000 bạn trẻ khi tham gia “Khóa tu mùa hè” được tổ chức tại chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TP.HCM).
Tu để tìm sự khác biệt…
Sau khi hoàn thành những thủ tục đầu tiên, các khóa sinh tập trung tại giảng đường chính để lắng nghe giảng sư pháp thoại về các chủ đề gắn liền với đời sống xã hội, xây dựng cách sống và rèn luyện nhân cách. Ngày hôm nay, các em được hòa thượng Thích Viên Trí, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam, thuyết giảng về hình mẫu con người lý tưởng trong thời đại mới. Đó là hình mẫu con người hội tụ hai yếu tố: Đức hạnh và trí tuệ. Đức hạnh là để sống tốt, không có những suy nghĩ, hành vi xấu làm hại người khác; còn trí tuệ chính là sự học hỏi, không ngừng trau dồi năng lực bản thân để trở thành người có thể phục vụ cho đất nước… 
Nội dung buổi nói chuyện chỉ là một trong số rất nhiều chủ đề được thuyết giảng tại chùa. Tùy theo tình hình thời sự và trào lưu của giới trẻ, khóa tu sẽ có những buổi nói chuyện phù hợp để định hướng hành vi ứng xử, cung cách sống của các em trong đời sống thường ngày như cách lựa chọn thần tượng, nghĩa nặng tình sâu, tình yêu, tuổi trẻ, cách học tập…
10 giờ, buổi pháp thoại chính thức kết thúc. Các khóa sinh có một giờ để nghỉ ngơi, vui chơi và giải quyết các vấn đề cá nhân trước giờ cơm trưa. Khác với đời sống nhộn nhịp thường ngày, mọi nếp sinh hoạt trong chùa đều được thực hiện trong sự chậm rãi, trật tự và thành kính. Giờ cơm trưa cũng khác hẳn với bữa cơm ở nhà. Khi tiếng kẻng báo hiệu đến giờ ăn cơm, các em tự động xếp hàng và niệm “Nam-mô A-di-đà” trong lúc kéo nhau về trai đường (nơi ăn uống ở chùa). Tới bàn ăn, các em lần lượt đứng thành hàng theo dãy bàn và đồng loạt chắp tay đồng xá chào nhau, nhấc ghế và ngồi xuống nhẹ nhàng theo từng tiếng khánh. Xúc cơm ra chén, các em cũng chưa được ăn ngay mà phải thực hiện các nghi lễ theo đúng nghi thức của Phật giáo: Mắt nhắm nghiền, hai tay cung kính nâng chén, đầu niệm và quán tưởng đến những lời răn dạy của Phật pháp về đức độ, ý thức của mình liệu đã xứng đáng với thành ý, công sức của những người làm nên hạt gạo, bữa cơm này. Lê Nguyễn Quỳnh Anh, SV năm 3 Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết do chưa quen với các nghi lễ nhà chùa nên ban đầu nhiều bạn làm sai hoặc tỏ ra lúng túng. “Khi đã quen với nếp sinh hoạt, mọi người bắt đầu suy nghĩ và thấy thấm thía từng động tác, lời nguyện. Đó đều là những lời răn dạy có ích cho bản thân, giúp chúng em có thời gian nhìn nhận lại sự cố gắng của mình, không sử dụng lãng phí đồ ăn, thức uống bởi tất cả đều là công sức từ những người khác”, Quỳnh Anh nói.
Hoàn thiện bản thân
Không chỉ tìm thấy sự khác biệt, các khóa sinh còn học hỏi và thấu hiểu được nhiều điều sau 7 ngày thực hiện khóa tu. Bước chân vào chùa, các em phải làm quen và chấp hành hàng loạt những nội quy nghiêm ngặt. Không còn cảnh được nhõng nhẽo, ba mẹ chiều chuộng đến… tận răng, các em phải tự mình giặt quần áo, chia sẻ cho nhau từng chỗ ngủ và tự nhắc nhở nhau cùng thực hiện tốt những lời răn dạy. Điều đáng nói là sau mỗi khóa tu, các em đã biết học cách lắng nghe, chia sẻ và cảm thông hơn với mọi diễn biến, hoàn cảnh diễn ra xung quanh mình, biết biến những lời dạy từ kinh Phật trở thành chất liệu sống theo từng hoàn cảnh. Và quan trọng hơn, các em đã biết yêu thương ba mẹ và người thân của mình hơn, nhìn nhận cuộc sống theo một chiều hướng tích cực hơn. “Thằng lớn nhà tui năm trước cũng tham gia khóa tu này. Nó lạ lắm cô ơi! Nó tự bắt xe về nhà sau khóa tu, rồi ôm mẹ khóc, miệng lẩm bẩm những lời xin lỗi. Rồi tui thấy nó ngoan hẳn, quần áo thay xong không cần mẹ giặt, biết phụ giúp ba việc ở xưởng, vẫn ham chơi nhưng khi ba mẹ nói là nghe, còn khuyên em gái sống tốt hơn. Thấy hay nên hè này tui cho con gái tham gia”, cô Châu Thị Liên (nhà ở thị trấn Gia Nghĩa, Đắk Nông) tâm sự. Còn em Trần Phương Ni, HS Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP.HCM), thừa nhận đã học hỏi được rất nhiều điều sau một tuần tham gia khóa tu. “Từ trước đến nay em chỉ ngủ một mình trong phòng nên khi phải ngủ với hơn 1.000 bạn nữ khác tại giảng đường, chung với nhau từng manh chiếu thì em thấy hơi khó chịu. Nhưng dần dần, em nhận ra đó cũng là cách rèn luyện cho mình sự chia sẻ, đồng cảm và yêu thương nhau từ những người bạn đồng trang lứa. Việc tịnh tọa 30 phút trước khi ngủ cũng rèn cho em thói quen suy nghĩ về việc làm của mình để có hướng điều chỉnh tích cực hơn”, Phương Ni khẳng định.
Đại diện chùa Hoằng Pháp cho biết hàng năm, chùa đều tổ chức khóa tu cho hơn 3.000 bạn trẻ từ 15-22 tuổi để giúp các em tự định hướng và hoàn thiện nhân cách sống. Qua đó giúp các em tránh được những bỡ ngỡ ban đầu, mọi sinh hoạt trong chùa đều có sự giám sát, bảo ban và nhắc nhở của các thầy, ni cô. Bữa ăn của các em cũng được chú trọng nhiều chất, nhiều món và có bổ sung thêm sữa, bánh để đảm bảo nhu cầu sử dụng năng lượng trong ngày. Hầu hết các em sau khi tham gia khóa tu đều nhận được sự phản hồi tích cực từ phía phụ huynh về việc thay đổi thái độ, ý thức trong cuộc sống.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Sau mỗi khóa tu, các em đã biết học cách lắng nghe, chia sẻ và cảm thông hơn với mọi diễn biến, hoàn cảnh diễn ra xung quanh mình; biết biến những lời dạy từ kinh Phật trở thành chất liệu sống theo từng hoàn cảnh.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)