Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học cách tha thứ để biết yêu thương

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây, khi dạy kỹ năng sống cho học sinh, chúng tôi cũng dành một số tiết để dạy các em về: tác hại của những cơn tức giận, học cách kiềm chế cơn tức giận, học cách tha thứ để biết yêu thương… Những tiết học về kỹ năng sống, học sinh rất thích thú, hăng say vì các em không phải “đụng” kiến thức sách giáo khoa.

Khi chia sẻ cùng học sinh về tác hại của cơn tức giận, chúng tôi nêu lên những tác hại dễ hiểu, dễ nhận biết nhất và đưa ra những dẫn chứng cụ thể, từ đó giúp các em hiểu được giá trị của cơn tức giận. Theo đó, tức giận sẽ hại bản thân mình đầu tiên và gây ảnh hưởng không tốt tới những người xung quanh, thậm chí gây ra án mạng. Trong quá trình chia sẻ bài học này, nhiều học sinh đưa ra những dẫn chứng rất cụ thể và thiết thực về tác hại của cơn tức giận như: bạo lực gia đình, bạo lực học đường, ẩu đả nơi công cộng… Từ những dẫn chứng ấy, các em cũng đã rút ra bài học về tác hại của sự nóng giận.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta khó tránh khỏi được những cơn tức giận. Biết tác hại của sự tức giận nên cần phải học… kiềm chế cơn tức giận ấy. Khi được hỏi làm thế nào kiềm chế được cơn tức giận, về mặt lý thuyết, học sinh trả lời khá tốt, nhưng trong thực tế, nhiều em vẫn chưa làm được. Thông qua sự chia sẻ của chúng tôi cũng như các thành viên trong lớp, tiết học dù chỉ diễn ra trong 45 phút nhưng các em ít nhiều cũng đã học được sự kiềm chế tức giận. Biết kiềm chế cơn tức giận cũng dễ biết tha thứ khi người khác có lỗi với mình.

Đặc biệt, tiết học “Học cách tha thứ để biết yêu thương” đem đến cho thầy trò nhiều cung bậc cảm xúc. Chúng tôi đã sưu tầm những câu nói nổi tiếng và thước phim xúc động về việc tha thứ gieo vào tâm hồn học sinh. Người ta nói rằng, sự tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ, nhưng nó có thể mở rộng tương lai. Điều đó rất chí lí. Tha thứ, trước hết đó là hành động làm cho chính bản thân mình chứ không phải người khác. Vì khi tha thứ, trong mình không còn tức giận, mình sẽ nhẹ nhàng hơn, vui vẻ và lạc quan hơn. Người được mình tha thứ cũng vì thế mà vui vẻ hơn. Mối quan hệ của mọi người trở nên tốt hơn. Khi mình biết tha thứ cho ai đó, bản thân sẽ nhận lại được niềm vui.

Khi xem các thước phim về sự tha thứ lỗi lầm của người khác, học sinh đã rút ra được những bài học quý báu. Có những thước phim kết thúc gửi thông điệp cụ thể, có thước phim kết thúc để người xem suy ngẫm… Tất cả đều gửi gắm sự tha thứ. Chẳng hạn như câu chuyện Lỗi lầm và sự biết ơn, thông điệp gửi tới người xem rằng, hãy học cách viết lỗi lầm lên cát và khắc lên đá – trong lòng mình sự biết ơn. Lỗi lầm được viết lên cát thì sóng, gió sẽ sớm xóa nhòa theo thời gian – quên đi lỗi lầm của người khác. Còn ơn nghĩa được khắc lên đá – trong lòng mình để luôn ghi nhớ công ơn của người đã trao cho mình.

Để cuộc sống này tốt đẹp hơn thì con người cần biết bao dung, yêu thương nhau. Cái nôi để “ươm mầm” sống đẹp, biết tha thứ chính là gia đình và nhà trường. Cha mẹ, thầy cô… hãy là tấm gương sáng để gieo vào tâm hồn con cái, học sinh lối sống đẹp, luôn biết tha thứ lỗi lầm cho người khác.

Thái Hoàng
(Giáo viên Trưng THPT Thành Nhân, TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)