Các diễn giả trao đổi với sinh viên tại chương trình
Nằm trong chuỗi hoạt động của Giải thưởng tài năng Lương Văn Can 2019, vừa qua, tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đã diễn ra chương trình giao lưu doanh nhân – sinh viên với chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo và trách nhiệm xã hội”. Chương trình thu hút đông đảo sinh viên trên địa bàn thành phố tham dự.
“Khởi nghiệp là tự bản thân làm chủ, em sẽ có thêm kỹ năng về quản trị nhân sự, tài chính… Còn nếu đi làm, chắc chắn em chỉ bắt đầu ở vị trí nhân viên và sẽ khó được trang bị các kỹ năng cần thiết của một người chủ. Vậy em nên khởi nghiệp trước hay nên đi làm trước?”. Đó là câu hỏi của Lê Thị Lan Mai (sinh viên năm 3 Khoa Kinh tế, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM). Chia sẻ về vấn đề trên, bà Mandy Nguyễn (Giám đốc phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp SVF) khuyên: Các em không nên đặt nặng chuyện khởi nghiệp trước hay đi làm thuê trước mà hãy học cách tự lãnh đạo bản thân trước. Bất cứ ở vị trí nào, ông chủ hay người làm thuê thì khả năng thực hiện cam kết với bản thân và với những người xung quanh đều phải trang bị. Những kỹ năng ấy học ở bất kỳ môi trường nào. Bà Mandy Nguyễn nhấn mạnh: “Không quan trọng khởi nghiệp khi nào mà quan trọng là đã chín muồi về điều kiện để khởi nghiệp chưa”. Tương tự, Hoàng Duy (sinh viên một trường ĐH) thắc mắc: “Làm thế nào để có một tâm thế khởi nghiệp tốt và duy trì được tâm thế ấy khi người khởi nghiệp có vô vàn khó khăn, có những lúc nản chí?”. Với thắc mắc này, ông Ngô Thanh Tùng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Activate) cho rằng khởi nghiệp nên bắt đầu từ đam mê, và đam mê nên đến từ sứ mệnh giải quyết một nhu cầu cụ thể của xã hội. Các em đừng bao giờ khởi nghiệp vì tiền, nếu khởi nghiệp vì tiền thì khi thấy cái khác có nhiều tiền hơn mình sẽ thay đổi ngay.
Trao đổi thêm, bà Ngô Thị Phương Thảo (Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại – Dịch vụ Châu Âu Luxury) nói: “Không có sự sáng tạo và dấn thân thì không thể thành công; có sáng tạo thì không bao giờ đi vào ngõ cụt”. Bà Thảo cho rằng để kế hoạch khởi nghiệp không nằm trên giấy hay trong ý tưởng, đam mê thì giới trẻ nên dấn thân “lao vào cuộc chiến”, bởi thất bại là “mẹ của thành công”. “Bản thân tôi qua 13 lần khởi nghiệp và thất bại đau đớn mới thành công như ngày hôm nay là một minh chứng”, bà Thảo chia sẻ.
Tại chương trình, Lâm Thanh (sinh viên Khoa Nông học, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) mạnh dạn đưa ra ý tưởng mở một trang trại cung cấp dịch vụ cho sinh viên theo quy trình khép kín: “Em dự định sẽ thuê đất mở trang trại cung ứng 2 loại hình dịch vụ. Thứ nhất cho khách hàng chủ yếu là sinh viên có thể đến trang trại của em tự trồng rau, chăm sóc theo tiêu chuẩn, kiến thức của các bạn và sau đó thu hoạch. Thứ hai có thể không cần trồng, trang trại có sẵn các loại thực phẩm, các bạn tự thu hoạch và thanh toán theo thành phẩm thu hoạch ấy. Điều này hạn chế tối đa các sản phẩm dư lượng thuốc bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật”. Hay Nguyễn Hữu Tuấn (sinh viên ngành công nghệ sinh học, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) đưa ra ý tưởng trồng rau khí canh: “Trước nay rau trồng trên đất và thủy canh đã có khá nhiều, hiện nay em đang nghiên cứu trồng rau mầm bằng phương pháp khí canh. Nhóm nghiên cứu của em đã nghĩ đến việc trồng nhân sâm tại Việt Nam. Nếu có kinh phí, nhóm sẽ thực hiện”. Với hai ý tưởng trên, bà Ngô Thị Phương Thảo bày tỏ sự quan tâm và khuyến khích: “Nên hiện thực hóa ý tưởng đó. Nếu các bạn cần sự hỗ trợ hãy tham gia giải thưởng hoặc liên hệ với chúng tôi”…
Có thể nói chương trình giao lưu là một cuộc trao đổi hào hứng về kinh nghiệm khởi nghiệp, là bài học ngoài giảng đường thật sự bổ ích đối với các sinh viên.
Hoàng Lan
(Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)
Bình luận (0)