Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học cách… tự tin

Tạp Chí Giáo Dục

HS được thả sức với những trò chơi năng động và sáng tạo để rèn luyện kỹ năng sống

“Không cho bạn thân copy bài có phải là xấu không?”, “Có người bày tỏ tình cảm nhưng mình không thích thì phải làm sao”, “Làm thế nào để tự tin khi đứng trước người khác”… đó là những câu hỏi (trong số hàng trăm câu hỏi) của các cô cậu học trò dành cho chương trình “Tư vấn học đường” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức.
Với chủ đề “Tự tin kết nối bạn bè”, chương trình đã mang đến cho học sinh (HS) các trường THPT Mạc Đĩnh Chi, THPT Nguyễn Hiền, THPT Trưng Vương, THPT Hùng Vương, THPT Nguyễn Trãi… những trải nghiệm thú vị về tình bạn, tình yêu và những kỹ năng quan trọng trong cuộc sống. Không chỉ thế, các em còn được trải qua những giây phút thư giãn tuyệt vời khi được học kỹ năng làm việc nhóm, cách lên chiến lược và tinh thần đồng đội, kỹ năng quan sát qua các trò chơi… Từ những hoạt động này, các em đã có thể tự tin, thể hiện được bản lĩnh của mình khi giao tiếp trước đám đông.
Thế nào là tình bạn trong sáng
Qua một câu chuyện có thật, TS. Huỳnh Văn Sơn – trưởng bộ môn tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – đã giúp các em HS hiểu về ý nghĩa và vai trò của tình bạn. Đó là câu chuyện về một HS có gia đình không hạnh phúc, bản thân em cũng ít giao tiếp với bạn bè. Một ngày nọ, bất lực trước hoàn cảnh gia đình, HS này đã quyết định tự vẫn. HS này được cứu sống, do những người bạn xung quanh cảm nhận được những biểu hiện không bình thường của em trước đó và đã âm thầm theo dõi… Qua đó, có thể thấy tình bạn ở lứa tuổi học trò thật sự cần thiết và quan trọng. “Từ bạn bè, các em có thể học hỏi, chia sẻ những điều xảy ra xung quanh mà bản thân không thể chia sẻ với người khác. Cùng với những người bạn, HS sẽ cảm thấy tự tin khi đứng trước thầy cô, ba mẹ – những người vốn dĩ vẫn coi các em là bé bỏng. Vì vậy, các em hãy tự tin kết bạn để mở rộng cho mình thêm nhiều mối quan hệ và việc kết bạn không chỉ bó buộc trong phạm vi ở lớp, ở trường mà phải ở bất cứ nơi đâu có sự tồn tại của con người”, TS. Huỳnh Văn Sơn nhắn nhủ.
Thế nhưng, để duy trì được một tình bạn chân thành không phải là điều dễ dàng, nhất là đối với lứa tuổi HS. Từ chia sẻ của các chuyên gia tư vấn, các em đã học được những “bí kíp” để có được một tình bạn chân thành theo đúng nghĩa. “Khi đã là bạn thì cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không được nêu “nick-name” của ba mẹ bạn để chửi vì nếu làm điều này thì đến một lúc nào đó tình bạn sẽ bị phá vỡ. Chơi với bạn thì không rủ rê làm bạn hư, và nếu ai rơi vào tình huống như vậy thì cần phải tỉnh táo để phòng tránh những nguy hại có thể xảy ra từ bạn mình. Quan trọng hơn hết, đã là bạn thì phải hiểu, đồng cảm và chia sẻ với bạn trong mọi hoàn cảnh, giúp bạn vượt qua khó khăn và cùng nhau tiến bộ”, Anh Duy – HS lớp 11 Trường THPT Trưng Vương – chia sẻ ba nguyên tắc vàng để có một tình bạn bền vững mà em mới học được qua buổi tư vấn này.
Làm gì khi được… yêu?
Tình bạn khác giới, tình yêu là một trong số những vấn đề được HS khai thác triệt để ở các buổi tư vấn. Rất nhiều HS đã thắc mắc về việc có hay không một tình bạn khác giới? Khi tình yêu đến thì tình bạn liệu có còn “chỗ đứng”? Hay được người khác giới thích nhưng chưa muốn yêu thì phải làm sao?… Theo TS. Huỳnh Văn Sơn, những rung động tình cảm đầu đời là điều khó tránh khỏi ở lứa tuổi đang phát triển như các em. Khi tình bạn đến thì tình yêu sẽ có cơ sở nảy sinh, nhưng khi tình yêu đến không có nghĩa là tình bạn sẽ không còn. Tuy nhiên, ở lứa tuổi HS chưa nên vội vàng cho một mối quan hệ vượt xa tình bạn, càng không nên mượn danh nghĩa tình bạn khác giới để ấp ủ một tình yêu. Đôi khi, trong một nhóm bạn chơi chung có thể sẽ phát sinh những tình cảm phức tạp.
“Tình bạn khác giới vẫn tồn tại nhưng các em đừng vội chuyển hóa thành tình yêu, nếu đó chưa phải là điều kiện tốt nhất. Những rung động ban đầu của tuổi mới lớn chưa hẳn đã là cơ sở của một tình yêu đích thực. Trong khi đó, thời gian vẫn còn dài nên các em sẽ có nhiều sự lựa chọn tình yêu cho mình. Vì vậy, các em nên giữ thái độ bình tĩnh, hòa đồng với tất cả những người quan tâm tới mình để nuôi dưỡng một tình bạn chân thành, vững chắc”, TS. Huỳnh Văn Sơn khẳng định.
Bàn về vấn đề khoác áo tình bạn để che giấu cho tình cảm của mình, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – cho rằng mỗi người đều có một giá trị bản thân, một khi mất đi giá trị bản thân trong nhìn nhận của người khác thì sẽ rất khó lấy lại. “Tình yêu, cho dù được khoác áo tình bạn nhưng sớm muộn cũng sẽ bị phát hiện. Bạn tin tưởng, vô tư thì bạn mới chơi với mình. Nhưng đến khi bạn phát hiện ra sự thật thì sẽ dễ hiểu nhầm, xa lánh thậm chí mất “cả chì lẫn chài”. Còn với trường hợp một số HS rơi vào tình huống “bị” bạn khác giới thích cũng nên công khai thái độ của mình để người bạn kia hiểu rằng: các em chưa sẵn sàng cho chuyện đó và nên tiếp tục duy trì tình bạn như trước đây”, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khuyên.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
“Chơi với bạn thì không rủ rê làm bạn hư, và nếu ai rơi vào tình huống như vậy thì cần phải tỉnh táo để phòng tránh những nguy hại có thể xảy ra từ bạn mình”, Anh Duy – HS lớp 11 Trường THPT Trưng Vương – chia sẻ.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)