Thích làm một ngành nghề nhưng không nhất thiết phải theo học ngành nghề đó, cân nhắc đề án xét tuyển phù hợp với bản thân… Đó là những thông tin đáng chú ý được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 13 năm học 2020-2021 diễn ra tại Trường THPT Bà Điểm (huyện Hóc Môn) và Trường THPT Hiệp Bình (Q.Thủ Đức) mới đây.
Học sinh Trường THPT Bà Điểm nghe chuyên gia thông tin ngành nghề đào tạo hiện nay
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF).
Học nhiều chuyên ngành vẫn theo đuổi được một nghề
ThS. Nguyễn Thảo Chi (Phó Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) nhận định, học một ngành có thể làm được nhiều công việc khác nhau. Do đó, các em có thể học ở nhiều chuyên ngành khác nhau nhưng vẫn theo đuổi được một công việc, thích làm một công việc nào đó không có nghĩa là phải học đúng theo chuyên ngành đó, điều quan trọng là chọn ngành học phù hợp với năng lực của bản thân. Ví dụ, thích làm phóng viên, người học không nhất thiết phải học báo chí mà có thể học luật, kinh tế, giáo dục, tâm lý…; người học có thể học CĐ, ĐH, miễn là năng lực, kỹ năng của bản thân đáp ứng được với đòi hỏi của nghề nghiệp sau này.
Về phương thức xét tuyển, ThS. Thảo Chi lưu ý, hiện nay hầu hết các trường ĐH đều có nhiều phương thức xét tuyển nhằm gia tăng cơ hội trúng tuyển cho người học. Song mỗi phương thức lại có thời gian xét tuyển khác nhau, do vậy người học cần phải chú ý về thời gian xét tuyển của mỗi phương thức để tận dụng cơ hội. “Không chỉ theo dõi thời gian xét tuyển của từng phương thức, các em cũng cần phải cân nhắc kỹ về đề án tuyển sinh của trường có phù hợp với khả năng của mình hay không. Nhiều trường ĐH, ngoài phương thức xét tuyển còn yêu cầu riêng về học bạ làm quy định đầu vào. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này thì dù đủ điểm vào trường, điểm cao, người học sẽ vẫn không trúng tuyển”, ThS. Thảo Chi cho biết.
Chia sẻ rõ hơn về bậc học, ông Trịnh Cẩm Vân (Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn) khẳng định, lựa chọn học CĐ không phải là kém cỏi, rất nhiều học sinh lựa chọn bậc CĐ vì lộ trình học ngắn hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. “Trừ một số ngành nghề đặc thù như giáo viên, bác sĩ có đòi hỏi riêng về trình độ ĐH, còn lại đa số các ngành nghề khác người học có thể cân nhắc lựa chọn học CĐ, miễn sao phù hợp với năng lực học tập của bản thân và điều kiện kinh tế gia đình”, ông Vân nói.
Cùng một ngành nghề, mỗi trường có thế mạnh đào tạo riêng
Trước băn khoăn của học sinh về việc cùng một ngành nghề đào tạo thì nên lựa chọn trường ĐH nào, ThS. Vương Văn Khởi (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho hay, trong cùng một ngành học nhưng ở mỗi trường sẽ có những thế mạnh đào tạo khác nhau, thiên về những hướng ứng dụng của ngành sau khi ra trường. Ngoài ra, cùng một ngành đào tạo cũng sẽ được đào tạo ở các bậc học khác nhau. “Mỗi ngành học đều có những tố chất riêng khác nhau. Để theo học, trước hết người học phải đáp ứng được đòi hỏi về tố chất của ngành. Cạnh đó, tùy vào điều kiện của bản thân và mong muốn phát triển nghề nghiệp trong tương lai để lựa chọn bậc học, chọn môi trường học phù hợp”, ThS. Khởi nói.
Đi theo lợi thế gia đình hay lựa chọn đam mê? Đây là thắc mắc được nhiều học sinh đặt ra trong chương trình. Chia sẻ vấn đề này với học sinh, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo cho hay, dù lựa chọn bậc học nào hoặc chọn học bất cứ trường nào thì điều đầu tiên người học phải suy nghĩ rằng “mình chọn trường, chọn bậc học, chọn ngành học đó nhưng ngành đó, trường đó có “chọn” mình hay không, bản thân có đủ điều kiện để đáp ứng ngành học không. “Chọn ngành học theo lợi thế gia đình hay đam mê thì các em phải nhìn lại bản thân xem mình có đủ năng lực để theo đuổi 2 ngành học đó không. Ngoài học phí trong ngành học, các em còn phải quan tâm đến chi phí học tập như công cụ học tập, thực hành. Ví dụ, theo học thiết kế đồ họa thì phải có máy tính, thiết kế thời trang phải mua đồ thiết kế…”, bà Thảo lưu ý.
Mỗi năm TP.HCM cần đến 13.000 nhân lực sư phạm
Bà Nguyễn Thị Triều (Trưởng phòng Phân tích dự báo, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết mỗi năm TP.HCM cần từ 310.000 đến 330.000 nhân lực trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề. Con số này của nhóm ngành sư phạm rơi vào khoảng 13.000 chỗ làm. “Mặc dù vậy, thực tế cho thấy nhóm ngành sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp nhiều. Lý do là người học không đáp ứng được đòi hỏi thực tế của nghề nghiệp mà mình theo đuổi. Không chỉ riêng ngành sư phạm mà ở bất cứ lĩnh vực ngành nghề nào, để khắc phục thực trạng này, trong quá trình học trên ghế nhà trường các em cần xây dựng năng lực thực hành thật tốt. Năng lực thực hành là năng lực ứng dụng được kiến thức đã học vào thực tế”, bà Triều cho biết.
Bên cạnh đó, bà Triều cũng cho rằng người học cần phải xây dựng được kỹ năng nghề nghiệp, trau dồi thái độ làm việc. Đối với ngành sư phạm, kỹ năng nghề nghiệp chính là khả năng giao tiếp, xử lý vấn đề. “Thái độ làm việc là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để nhà tuyển dụng đánh giá bên cạnh kiến thức chuyên môn. Việc ứng dụng CNTT, ngoại ngữ gắn với ngành học, việc làm sẽ chọn cho tương lai cũng quyết định cơ hội việc làm của các em”, bà Triều nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)