Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học chữ để biết… nhắn tin điện thoại

Tạp Chí Giáo Dục

Không một tiếng động, cũng không ai nói chuyện riêng. Trong lớp học, HS "già" nhất đã 23 tuổi, trẻ nhất mới lên 9. Nhiều giáo viên chỉ mong các em học xong có thể biết mặt chữ để nhắn tin điện thoại.
Giờ học Tiếng Việt, 9 học sinh của lớp KTA, Trường Tiểu học Bình Thuận (thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đều hướng ánh mắt vào miệng và cử chỉ của cô giáo.
Lớp ít sĩ số, các em không bao giờ nói chuyện hay quậy phá như các lớp học bình thường khác, mà chỉ giao tiếp qua tay và cử chỉ cơ thể.
Cô Kiều Minh, chủ nhiệm lớp KTA cho biết: Lớp có 4 em nam, 5 em nữ. Mỗi em có một số phận và hoàn cảnh riêng. Em Bùi Thị Thuỳ “già” nhất, đã 23 tuổi. Nguyễn Thị Hạnh nhỏ nhất, 9 tuổi.
Nguyễn Thị Thuỷ và Đặng Hồng Hiếu đang học chương trình lớp 4, còn lại 7 em học chương trình lớp 2. Vì vậy, các thầy cô hay gọi đây là lớp học "2 trong 1". 
Lớp học "2 trong 1".
Mỗi buổi học, cô Minh đều chia đôi bảng ra. Khi nào dạy chương trình lớp 2, Thuỷ và Hiếu có thể học cùng cho vui. Khi nào cô giảng chương trình lớp 4 thì 7 em còn lại ngồi nhìn và… cười.
“Trường có 672 em, trong đó có 40 em khuyết tật (câm điếc và thiểu năng trí tuệ). Đối với HS bình thường, hướng phấn đấu của các em là học để được lên lớp, nhưng với các em khuyết tật thì học để cố gắng hoà nhập cộng đồng và… nhắn tin điện thoại”, cô Trần Thị Thuỷ – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Cô Kiều Minh đã có 15 năm dạy những lớp học đặc biệt này. Vốn chỉ qua một lớp tập huấn 12 ngày, đã cách đây chục năm nên đến nay, cô Minh vẫn vừa dạy vừa tự học, đặc biệt là cách sử dụng ngôn ngữ cử chỉ bằng tay, chân.
Mỗi buổi học, cô Minh đều chia đôi bảng ra. Giáo viên phải cố gắng sử dụng ngôn ngữ cơ thể để truyền đạt kiến thức.
Trường Tiểu học Bình Thuận cũng chưa có giáo viên chuyên trách để dạy học sinh khuyết tật.
Cô Thuỷ – Hiệu trưởng nhà trường cũng băn khoăn: Cả tỉnh vẫn chưa có trung tâm nào để chăm lo cho các em rơi vào hoàn cảnh này. Trường cũng chỉ đảm bảo cho các em học hết cấp I, cuối cấp các em không phải thi tốt nghiệp, và cũng chưa có em nào theo tiếp chương trình cấp II cả.
Vì vậy, nếu tỉnh xây dựng trung tâm dành riêng cho những trẻ bị khuyết tật thì cách nuôi dạy sẽ khác. Các em sẽ được học lên cấp II, cấp III.
Hy vọng các em học xong có thể biết mặt chữ để… nhắn tin điện thoại.
Thực tế, các em học sinh khuyết tật sẽ phải mất 10 năm mới có thể hoàn thành chương trình tiểu học, trung bình học 2 năm mới xong 1 lớp. Nhiều em đi học khi tuổi đã ngoài 20.
Cô Minh, cô Thủy và nhiều giáo viên trong trường chỉ mong các em học xong có thể biết mặt chữ để nhắn tin điện thoại. Đó là cách giao tiếp ở khoảng cách xa mà các em có thể làm được.
Đức Chính – Anh Ngọc (Vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)