Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học chữ trước – lợi bất cập hại!

Tạp Chí Giáo Dục

Cha mẹ không nên ép trẻ học sớm trước tuổi (ảnh minh họa). Ảnh: N.H

Bộ GD-ĐT đã ban hành những quy định được ghi rõ trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với bậc tiểu học và mầm non là: “Không được tổ chức dạy học trước và thi tuyển vào lớp 1”, “tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mẫu giáo”… Tuy nhiên, nhiều phụ huynh sợ khi con vào lớp 1 không theo kịp bạn bè nên tranh thủ cho con đi học chữ trước. Tình trạng này kéo dài làm cho không ít trẻ rơi vào tâm trạng chán học, ngại đi học…
Cũng giống như nhiều gia đình có con sắp bước vào lớp 1, chị Hoàn (Biên Hòa, Đồng Nai) – một phụ huynh cho biết: “Con gái tôi được học chữ ở trường mầm non từ đầu năm nhưng gia đình chưa yên tâm, kỳ nghỉ hè này tôi sẽ cho con đi luyện chữ ở nhà thầy cô có chuyên môn về dạy chữ. Học phí chừng 1 triệu/ tháng”. Chị còn cho rằng, việc cháu biết đọc biết viết trước khi vào lớp 1 cũng là bình thường, vì những gia đình nào có con như chị đều làm thế. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề với chị về việc ép trẻ học như thế có khiến trẻ bị áp lực, sau này không muốn đi học không? Trẻ biết trước kiến thức nhưng lại thiếu tính hệ thống như thế sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập sau này, liệu trẻ có còn hứng thú để học? cũng như một số phụ huynh có trường hợp tương tự, chị Hoàn lắc đầu không biết hậu  quả là gì, chỉ biết mọi người làm sao thì mình cũng phải vậy.
Đúng là vì mang nặng tâm lý đám đông mà không ít phụ huynh có con vào lớp 1 đã đánh mất một phần tuổi thơ của con cho những buổi rèn chữ trước tuổi. Các phụ huynh có con sắp bước vào lớp 1 cần lưu ý: Ở tiểu học có 4 yêu cầu cần đạt được đó là: Thứ nhất, trẻ em phải khỏe mạnh; thứ hai, trẻ phải ngoan ngoãn, có lòng nhân ái, biết chia sẻ; thứ ba là có kỹ năng sống, biết giao tiếp và sống an toàn; thứ tư, trẻ thích đi học, thích học và biết cách học. Như vậy, ở tiểu học, học chữ đứng sau thể chất, đạo đức và kỹ năng sống.
Trẻ chưa đến tuổi học chữ (dưới 6 tuổi) chưa có tâm lý sẵn sàng để viết và học chữ. Vì thế, thời gian và công sức dành cho việc luyện chữ phải nhiều hơn so với đứa trẻ đúng tuổi. Khi biết trước kiến thức, vào học chính thức trẻ sẽ chủ quan không động não suy nghĩ. Thật là tai hại cho trẻ, khi lên lớp 2 và các lớp sau thành thói quen trẻ sẽ không tích cực, chủ động suy nghĩ, vừa không bắt kịp chương trình, trẻ vừa chậm phát triển trí tuệ hơn so với các bạn.
Trước khi đến với lớp 1, trẻ đã được học đầy đủ 24 chữ cái ở bậc mầm non. Không nên bắt các cháu phải học trước chương trình. Thầy cô ở trường tiểu học sẽ giúp các em khám phá điều hay từ những con chữ, số đếm. Cha mẹ không nên quá lo lắng mà ép trẻ học sớm trước tuổi. Điều quan trọng và cần thiết hơn đối với cả bé lẫn cha mẹ là hãy chuẩn bị tâm lý cho bé sẵn sàng bước vào lớp 1. Gia đình hãy giúp trẻ làm quen và có hứng thú nghĩ đến việc học, để mỗi ngày đến trường với trẻ thật sự là một ngày vui. Trẻ háo hức đến trường sẽ tiếp thu bài hiệu quả hơn. Cha mẹ cùng nhà trường phải thống nhất mục đích giáo dục để trẻ khỏe mạnh, ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ, thầy cô, biết chia sẻ và tự tin hòa nhập vào cuộc sống bằng khả năng của mình. Gia đình, nhà trường và xã hội cần bắt tay nhau nói không với “dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mẫu giáo”.
Nguyễn Lê Hoàng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)