Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học chương trình tiếng anh tăng cường: Đừng ép trẻ khi năng lực yếu

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học TATC của học sinh tiểu học

Sĩ số học sinh/lớp ít, cơ sở vật chất hiện đại, có giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy…, đó là những điều kiện để phụ huynh đăng ký cho con học chương trình tiếng Anh tăng cường (TATC). Tuy nhiên, do năng lực hạn chế nên một số trẻ… hụt hơi không theo kịp chương trình, gây nhiều khó khăn cho giáo viên đứng lớp.

Phụ huynh luôn muốn con học TATC

Tại Hội nghị sơ kết đánh giá việc triển khai thí điểm bộ tài liệu I-Learn Smart Start do Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) tổ chức gần đây, một giáo viên dạy chương trình TATC ở Q.Tân Bình chia sẻ sự mệt mỏi khi trong lớp có nhiều học sinh bị… đuối không theo kịp chương trình học, buộc giáo viên phải kèm cặp, động viên để các em đạt yêu cầu lên lớp. Những học sinh này tập trung chủ yếu ở lớp 1, 2, 3 – lẽ ra nên chuyển các em sang học lớp dạy chương trình căn bản như tự chọn hay đề án nhưng phụ huynh không chịu.

“Có trường hợp năng lực ngoại ngữ không phù hợp, có trường hợp học tiếng Việt chưa vững mà phải vào lớp tiếng Anh nâng cao khiến các em bị ngợp không theo kịp chương trình học. Nhà trường khuyên phụ huynh nên chuyển lớp, nhưng với suy nghĩ “vào được lớp TATC thì chắc chắn con mình sẽ giỏi tiếng Anh bởi chương trình nâng cao, có giáo viên người nước ngoài giảng dạy, cơ sở vật chất hiện đại…”, vì vậy phụ huynh nhất quyết xin cho con ở lại. Cũng có một số phụ huynh do bận bịu làm ăn nên lơ là chuyện học tập của con, họ đưa con đến trường là xem như xong nhiệm vụ, còn lại giao phó mọi việc cho nhà trường, giáo viên”, vị giáo viên cho biết. 

Đề cập đến vấn đề này, cô Phạm Thúy Hà (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4) cho rằng: “Trường hợp học sinh không theo kịp chương trình học nhưng phụ huynh không muốn cho con ra lớp căn bản là có. Theo đó, để con theo kịp chương trình, phụ huynh đã đăng ký cho con học thêm ở trung tâm. Ngày học trên lớp, tối học ở trung tâm sẽ làm một đứa trẻ mệt mỏi, ảnh hưởng toàn diện đến việc học, chưa kể tác dụng ngược đó là giảm niềm đam mê, yêu thích, dần dần trở nên sợ môn học này”.

Nên cho trẻ học lớp phù hợp

Theo chia sẻ từ lãnh đạo một số trường tiểu học, cuối năm học hằng năm cũng có vài học sinh chuyển ra lớp thường học bởi không thể theo kịp chương trình TATC. Đây là những trường hợp được phụ huynh đồng ý sau khi có góp ý từ giáo viên, ban giám hiệu. Tuy nhiên, để các em được học đúng với năng lực bản thân ngay từ đầu, nhiều trường chú trọng tư vấn, nói rõ về chương trình học cũng như yêu cầu về năng lực của trẻ.

“Cánh cửa” vào lớp TATC luôn rộng mở

Trước đây, để được vào lớp TATC, học sinh phải trải qua vòng khảo sát năng lực ngôn ngữ. Nhưng do nhu cầu đông, lớp học có hạn dẫn đến tình trạng phụ huynh cho con đi ôn luyện để vượt qua vòng khảo sát. Nhằm xóa bỏ áp lực ôn luyện cho học sinh, Sở GD-ĐT đã bỏ hình thức này và điều kiện để học sinh học tiếp các lớp trên là phải đạt chứng chỉ Starters khi học hết lớp 2; học hết lớp 4 phải đạt Movers cũng không còn. Thay vào đó chỉ động viên khuyến khích học sinh đi thi, xem năng lực bản thân đạt được ở mức độ nào. Quá trình xét học tiếp lớp trên dựa vào nhận xét, đánh giá năng lực trong năm và điểm kiểm tra cuối kỳ như các môn học khác. Vì thế, cánh cửa vào lớp TATC luôn rộng mở với tất cả học sinh. 

Cô Phan Thị Yến (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Quyền, Q.3) cho biết: “Việc làm này là hết sức cần thiết. Qua đó phụ huynh nắm rõ chương trình, các quy định… để có sự lựa chọn phù hợp trước khi đăng ký cho trẻ vào học. Đồng thời tăng sự hợp tác, đồng thuận giữa phụ huynh với nhà trường trong quá trình giáo dục trẻ. Riêng học sinh, nếu được định hướng đúng năng lực ngay từ đầu thì sẽ có nhiều thuận lợi trong học tập, phát triển năng lực bản thân”.

Tương tự, một chuyên viên tiếng Anh tiểu học chia sẻ: phụ huynh nên hiểu rằng, một số trẻ có khả năng học tiếng Anh rất sớm, nhưng ngược lại, ở một số trẻ khả năng học lại khá muộn. Trong khi chương trình tự chọn và đề án chỉ giảng dạy 4 tiết/tuần, cung cấp kiến thức cơ bản cho mọi đối tượng học sinh thì chương trình TATC giảng dạy 8 tiết/tuần, nội dung nâng cao, đa dạng vốn từ, mẫu câu… nhằm phát triển khả năng ngôn ngữ cho người học. Bên cạnh đó các em còn tham gia học tiếng Anh qua toán, khoa học. Do đó, những học sinh theo học chương trình này không chỉ đòi hỏi niềm yêu thích mà cần có năng lực phù hợp.

“Nếu một đứa trẻ có khả năng bắt chước nhanh, lặp lại chính xác, ghi nhớ từ vựng tốt, thể hiện sự hoạt bát trong sử dụng ngôn ngữ… có thể hợp với chương trình TATC. Ngược lại, nếu trẻ không có những tố chất trên thì phụ huynh nên đăng ký cho trẻ học các chương trình nhẹ hơn. Mọi chương trình đều hướng đến phát triển đồng đều 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Trong quá trình học, nếu trẻ bộc lộ năng lực nổi bật thì có thể xin vào lớp TATC vẫn chưa muộn”, vị chuyên viên này tư vấn.

Bài, ảnh: Nguyễn Trinh

Bình luận (0)