Cơ khí là một ngành công nghiệp mũi nhọn đang thu hút lao động đã qua đào tạo. Trong đó, trình độ TC-CĐ được các doanh nghiệp quan tâm, tuyển dụng với mức lương dao động từ 7 triệu đồng (khởi điểm) đến 20 triệu đồng/tháng khi đã vững tay nghề.
Sinh viên ngành cơ khí Trường CĐ Giao thông Vận tải TW 3 đăng ký sát hạch nghề do Công ty CP Đào tạo và Sát hạch nghề Việt Nam – Vicatexco tổ chức
Ghi nhận tại các trường TC-CĐ thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong những năm gần đây, số học sinh – sinh viên theo học ngành cơ khí ra trường đều có việc làm ngay. Trong đó, có không ít học sinh – sinh viên đã đi làm trước ngày nhận bằng tốt nghiệp. Ông Nguyễn Văn Năm (Trưởng khoa Cơ khí chế tạo, Trường CĐ Giao thông Vận tải TW 3) cho rằng, trước đây vì chưa tìm hiểu kỹ cũng như chưa hiểu giá trị của ngành cơ khí nên nhiều người hiểu nhầm học ngành này chỉ đơn giản là học các nghề hàn, tiện… Do đó việc tuyển sinh ngành nghề này gặp khó ở một số trường, dẫn đến nguồn tuyển nhân lực qua đào tạo bị thiếu hụt. Ông Năm cho biết thêm, ngành cơ khí có rất nhiều chuyên ngành mà người học có thể lựa chọn. Ra trường có thể đảm nhận nhiều vị trí khác nhau như cán bộ kỹ thuật, điều hành sản xuất tại xưởng cơ khí, phòng thí nghiệm đo lường, giảng dạy, mở cơ sở gia công… Năm 2021, Khoa Cơ khí chế tạo Trường CĐ Giao thông Vận tải TW 3 có 220 học sinh – sinh viên tốt nghiệp, trong đó bậc CĐ là 140, TC là 80. Trong số này có đến 20% đã đi làm, còn lại đã có việc làm nhưng chờ nhận bằng tốt nghiệp hoặc tiếp tục học liên thông.
Ông Huỳnh Lê Quốc Bảo (quản lý sản phẩm Công ty ViJa, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) nhìn nhận, chất lượng đào tạo của các trường TC-CĐ đang dần theo kịp đòi hỏi của doanh nghiệp, vì vậy, việc tuyển dụng nhân lực ngành cơ khí hiện nay không khó, tuy nhiên cái khó vẫn là giữ chân thợ. “Học sinh – sinh viên thực tập tại công ty được trả lương, hỗ trợ cơm trưa. Sau một thời gian được đào tạo thêm về kỹ năng, tay nghề thì các bạn lại nhảy việc, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng tôi sẵn sàng để các bạn đi tìm một môi trường làm việc tốt hơn nhưng cũng sẵn lòng đón nhận các bạn quay trở lại. Thực tế, khi đến một môi trường khác, các bạn có thể nhận mức lương cao hơn nhưng không chịu được áp lực tăng ca từ 3-4 tiếng/ ngày”, ông Bảo nói. Được biết, lương khởi điểm nhân viên kỹ thuật cơ khí tại Công ty ViJa là 7 triệu đồng/tháng, có tay nghề 10 triệu đồng/tháng. Đối với kỹ thuật vừa học vừa làm (đã có bằng TC học liên thông lên CĐ) được trả lương từ 14-15 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể các chế độ, chính sách theo quy định chung cũng như chế độ đãi ngộ của công ty dành riêng cho người lao động.
Trong tháng 3-2021, Công ty TNHH Anh Phát (Khu công nghiệp Hải Sơn, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cần tuyển số lượng lớn lao động kỹ thuật cơ khí. Theo đó, người ứng tuyển chỉ cần tốt nghiệp trình độ TC cơ khí (tiện, phay, cắt gọt kim loại, hàn cắt…). Tương tự, đại diện Công ty SaSi (Saigon Auto Supporting Industry, Q.12, TP.HCM) cho biết công ty đang cần khoảng 150 nhân viên kỹ thuật khuôn dập, vận hành máy CNC, robot hàn… Ngoài tuyển dụng nhân lực làm việc lâu dài, công ty còn tuyển thợ làm việc thời vụ hoặc học sinh – sinh viên thực tập có lương. Ở các vị trí tuyển dụng nói trên, lao động đã qua đào tạo sơ cấp hoặc TC có thể làm việc được.
Những năm gần đây, hầu hết các trường TC-CĐ đã được đầu tư phát triển ngành cơ khí thành ngành công nghiệp mũi nhọn, trở thành địa chỉ đào tạo được doanh nghiệp đánh giá cao. Theo đó, các trường có thế mạnh đào tạo ngành cơ khí như Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM; Trường CĐ Nghề TP.HCM; Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM; Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức; Trường CĐ Kỹ nghệ II; Trường CĐ Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ; Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương; Trường TC Quang Trung…, mỗi năm cung cấp hàng ngàn nhân viên kỹ thuật cơ khí cho doanh nghiệp. Để có đủ nhân lực cũng như đảm bảo chất lượng đào tạo, các doanh nghiệp chủ động liên kết đặt hàng đào tạo với nhà trường. Ngược lại, nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, đảm bảo người học ra trường làm được việc ngay, các trường đã xây dựng kế hoạch liên kết bền vững với doanh nghiệp theo hướng thay đổi chương trình, tăng thời lượng thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. “Như trước đây, thời gian thực tập tại doanh nghiệp rất ngắn, chỉ đủ để làm quen thì từ 3 năm nay, thời lượng thực tập tăng lên, cụ thể thấp nhất với bậc TC là 6 tháng và thấp nhất với bậc CĐ là 8 tháng, học liên tục. Với khoảng thời gian này, người học đủ để vận dụng lý thuyết vào thực hành, học văn hóa doanh nghiệp…”, ông Nguyễn Văn Năm nói.
Việc lựa chọn doanh nghiệp để liên kết đào tạo, chia sẻ trang thiết bị thực tập, đánh giá đầu ra và tuyển dụng cũng được các trường cân nhắc. “Tiêu chí mà chúng tôi chọn là doanh nghiệp phải có uy tín trong lĩnh vực ngành nghề, có sự tương đồng với đào tạo cũng như thực hiện cam kết hỗ trợ sinh viên làm đúng ngành nghề đã học”, đại diện Khoa Cơ khí Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cho biết.
Bài, ảnh: T.Tri
Bình luận (0)