Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Học cùng lúc hai ngành, được không?

Tạp Chí Giáo Dục

 

Buổi Tư vấn mùa thi tại Hải Phòng đã thu hút khoảng 1.000 học sinh của 5 trường THPT. Nhiều thắc mắc của học sinh về kỳ thi sắp tới đã được giải đáp thỏa đáng.
Ưu tiên khu vực  
Một học sinh hỏi: "Em quê ở Hải Phòng nhưng em lại học ở chỗ khác vậy thì tính khu vực ưu tiên ở đâu?". Ông Đỗ Thanh Duy, chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết: theo quy định, học phổ thông ở đâu lâu hơn thì hưởng ưu tiên ở khu vực đó. Nếu một nửa ở khu vực này, một nửa khu vực đó thì sẽ tính thời gian chuẩn bị tốt nghiệp lớp 12.
Nếu mỗi năm học một nơi thì tính thời gian học năm cuối cùng. Một học sinh khác hỏi: "Em không có hộ khẩu ở Hải Phòng nhưng học ở Hải Phòng thì nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ở đâu?". Ông Trần Văn Cảnh, Trưởng phòng Trung học chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Hải Phòng) hướng dẫn: trong trường hợp này, học sinh có thể nộp hồ sơ ngay tại trường mình học nhưng phải khai đúng nơi hộ khẩu thường trú. Nhà báo Vĩnh Thắng gợi ý thêm: Nếu địa chỉ nhà em nào quá khó tìm thì nên mượn địa chỉ của họ hàng, người thân để giấy báo dự thi về dễ dàng và nhanh hơn.

Học sinh tìm hiểu thông tin về các trường và kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2009 – Ảnh: L.Q.P

Trả lời câu hỏi của một học sinh về việc muốn đăng ký vào một trường CĐ có xét tuyển thì phải làm các thủ tục gì, ông Duy cho biết: Năm nay có khoảng 80/240 trường cao đẳng không tổ chức thi. Việc xét tuyển sẽ căn cứ vào điểm sàn của các trường cao đẳng công bố. Một học sinh hỏi: "Nếu đạt giải HS giỏi quốc gia thì em sẽ được ưu tiên gì?". Ông Trần Công Thành, Phó trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: HS đạt giải HS giỏi quốc gia vẫn phải tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, nếu đạt điểm sàn trở lên thì sẽ được ưu tiên xét tuyển vào các trường ĐH.
Tại buổi tư vấn, Trung tâm đào tạo Bách Khoa – Aptech tặng HS Hải Phòng 400 thẻ ôn thi trực tuyến mỗi thẻ trị giá 100.000 đồng, ĐH FPT tặng 100 cuốn Cẩm nang toàn cảnh mùa thi 2009. Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn Bộ GD-ĐT, Nhà xuất bản Giáo dục đã hỗ trợ phương tiện đi lại để cho đoàn tư vấn thực hiện chương trình Tư vấn mùa thi ở các tỉnh phía Bắc; cảm ơn nhà tài trợ chương trình là Tổng công ty công nghiệp thép Cửu Long Vinashin và đơn vị đăng cai tổ chức chương trình là trường ĐH dân lập Hải Phòng.
Không ít học sinh băn khoăn, lo lắng: Nếu không đỗ ĐH năm nay, sang năm nếu sẽ chỉ còn 1 kỳ thi thì chúng em sẽ học ở đâu? Nhà báo Vĩnh Thắng nói: đến thời điểm này chưa có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này, tuy nhiên nếu phương án không còn kỳ thi tuyển sinh ĐH thì các em sẽ được quyền sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển vào ĐH, CĐ (kể cả điểm thi tốt nghiệp năm trước). Ngoài ra, cơ hội học tập hiện nay rất rộng mở, nếu không đậu ĐH thì chọn một trường CĐ hoặc trung cấp để học liên thông lên ĐH.
Mỗi môn làm một phần đề riêng khác nhau?
Trả lời câu hỏi của học sinh: thi ĐH có phải đi luyện thi hay không, nếu không luyện thi thì có khả năng đậu? Tiến sĩ Lê Thống Nhất hướng dẫn: việc luyện thi sẽ không quá nặng nề nếu các em biết học đúng cách, biết làm bài thi một cách khoa học, vừa sức mình. Tiến sĩ Lê Thống Nhất nêu ví dụ: đề thi môn Toán thường có 10 câu hỏi nhỏ, không năm nào có quá 2 câu khó.
Một HS băn khoăn: Muốn thi vào hai khoa của cùng một trường với hai nguyện vọng và nếu đậu thì muốn học cả hai khoa được không? Ông Duy cho biết: chỉ có thể thực hiện được với điều kiện hai khoa đó ở hai khối thi khác nhau. Quy chế cho phép học 2 ngành cùng một lúc với điều kiện thời khóa biểu phải không trùng nhau. Tuy nhiên, thực tế thì cũng rất ít trường hợp có thể thực hiện được điều này.
Trả lời câu hỏi: "Nếu trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, môn Hóa em chọn phần đề riêng dành cho chương trình cơ bản nhưng môn Lý lại chọn chương trình nâng cao có được không hay cả 3 môn đều phải làm phần đề riêng giống nhau?", ông Trần Công Thành giải đáp: ở kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, TS hoàn toàn có quyền lựa chọn phần riêng trong đề thi để làm mà không nhất thiết phải làm phần riêng thống nhất cho cả 3 môn.
Một nữ sinh đặt câu hỏi: "ĐH Hàng hải có ngành nghề gì phù hợp với nữ không?". Đại diện trường ĐH Hàng hải trả lời: có 17/20 chuyên ngành đào tạo của trường, trừ khối đào tạo chuyên ngành đi biển thì học sinh nữ hoàn toàn có thể tham gia.
Vũ Thơ – Tuệ Nguyễn (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)