– Nè, mần gì mặt mày tươi roi rói, vừa thấy tui từ xa đã nhoẻn miệng cười hớn hở, cười cởi mở, vậy ha?
– Ờ, là tui đang… học cười, đó bạn ơi!
– Học cười!? Bộ tính lập câu lạc bộ cười, hay mở lớp Yoga cười theo trào lưu “cười cho không biếu không”? Không phải hả? A, tui biết rồi, chắc là ông rắp ranh học tập cái tinh thần “cán bộ ba biết: biết cười, biết lắng nghe, biết xin lỗi” ở địa phương bạn mà báo chí vừa đăng, chớ gì!
– “Bắt mạch” trúng rồi đó. Xưa rày ai cũng hiểu làm cán bộ là để phục vụ dân, nhưng phục vụ mà mặt mũi cứ quạu đeo xì ngầu hoặc lạnh tanh như nước đá cục thì coi sao đặng.
– Nhưng… ông đâu có phải là cán bộ, học cười chi?
– Ờ thì tui chỉ phó thường dân Nam bộ, mà thấy tui cười có phải bạn đã nghe lòng nhẹ nhõm thơ thới hơn lên? Nói gì tới được “thưởng thức”… cán bộ cười, nhứt là khi mình đang có việc gì cần… chữ ký!
– Hiểu rồi, nói tiếp đi.
– Vậy là ông cũng tỏ ra “biết lắng nghe”, đó. Trong ba cái “biết” này, tui “chịu” nhứt là cái đầu tiên: “biết cười”, bởi không phải tự nhiên mà anh cán bộ nhà mình… cười được đâu nha. Trước hết, “cái bụng” của anh phải biết việc của người dân cũng là việc của mình, bởi mình ngồi đây làm gì nếu không phải là để làm những công việc dân cần – tất nhiên đó phải là những yêu cầu nằm trong quy chuẩn cho phép. Đây phải là cái cười niềm nở thiệt tình, sốt sắng tiếp nhận sự việc để tìm cách xử lý sao cho nhanh chóng, thuận lợi mà không sai không trật. Còn nếu như chưa “thấm” được cái sự lo đặng cho dân là chu toàn nhiệm vụ, thì chuyện “biết cười” e rằng chỉ cho ra những cái cười gượng gạo, cười… trơ trơ, vô cảm, lại còn khó coi hơn cái sự… không cười.
– Ông nhắc tui đây mới nhớ, “hồi nẳm” từng có không ít cán bộ “nhà mình” khi mần việc cũng “biết cười” đó chứ. Hễ dân khép nép mang đơn tới, “mấy ổng” hay hỏi có “thủ tục đầu tiên” chưa, nếu chưa thì sẽ được “thưởng thức” những cái… cười nhạt, cười nửa miệng, cười khinh khỉnh, cười ruồi… Việc giải quyết dễ òm lại nhăm nhăm… làm khó, ra oai, ngáng cẳng, khiến bà con ta phải ngán ngẩm, phải… la làng!
– Thôi đừng có nói ba cái chuyện ăn trét, hổng hên nghen.
– Ây dà, xin lỗi. Ấy, tui cũng “biết xin lỗi”, đó à. Nhưng tui cũng muốn có “ý kiến” rằng, cái vụ “cán bộ ba biết” này phải chi được phổ biến, nhân rộng, nếu còn trật vuột khía nào thì sửa chữa bồi đắp thêm để trở thành nền nếp mới trong công sở, cho bà con ta ngày càng tăng “chỉ số” hài lòng, thì hay biết mấy.
– Phải phải. Cái này, ông nói trúng chóc ý tui, đa!!!
Trương Ngọc
Bình luận (0)