Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học cuối tuần, nghỉ giữa tuần, phụ huynh hết đường xoay xở

Tạp Chí Giáo Dục

Chị Thu Hằng cho biết, cùng khu nhà chị còn có gia đình không biết trông cậy vào ai, đành phải cạy cục nhờ vả cho con quay về… trường mầm non nhờ các cô “để mắt” giúp.

Trường tiểu học Chu Văn An (Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) rộng rãi hơn nhiều trường khác trong nội đô. Song năm nay, chỉ riêng khối Một đã chiếm đến 23 lớp – là 23 phòng học trên tổng số 41 phòng và 57 lớp của trường. Cực chẳng đã, nhà trường phải xếp lịch học luân phiên, học sinh chỉ học bốn ngày/tuần. Nhiều lớp phải học ngày cuối tuần, nghỉ ngày giữa tuần khiến phụ huynh nháo nhào tìm chỗ gửi con. Có cháu, cha mẹ phải gửi nhờ ở trường mẫu giáo.

Hoc cuoi tuan, nghi giua tuan, phu huynh het duong xoay xo
57 lớp nhưng chỉ có 41 phòng học, các lớp phải theo lịch học luân phiên, nghỉ giữa tuần, học cuối tuần

Lịch học oái oăm 

Là ngày thứ Ba nhưng Tuấn Anh, học sinh lớp Hai lại không phải đến trường. Cháu được nghỉ ngày thứ Ba, thứ Năm, Chủ nhật và chỉ đến trường bốn ngày (thứ Hai, Tư, Sáu, Bảy) thay vì năm như thông thường. Cái tuổi thích chơi hơn thích học, nên không phải đến trường là thằng bé hớn hở ra mặt. Còn chị Thu Hằng, mẹ cháu cười như mếu: “Tuấn Anh nghỉ hai ngày giữa tuần, trong khi vợ chồng tôi đều phải đi làm. Chúng tôi phải xin rất khó khăn mới được cơ quan cho nghỉ mấy buổi. Nhưng đã ba tuần rồi, vợ chồng tôi không thể nghỉ thêm được nữa. Chúng tôi phải thuyết phục mãi, thậm chí là khóc lóc, bà ngoại Tuấn Anh mới chịu bỏ hết việc ở quê để ra trông cháu”. 

Chị Hằng cho biết, cùng khu nhà chị còn có gia đình không biết trông cậy vào ai, đành phải cạy cục nhờ vả cho con quay về… trường mầm non nhờ các cô “để mắt” giúp. Cũng ở khu đô thị Linh Đàm, từ ngày khai giảng đến nay, vợ chồng anh Trần Văn Tiến thường xuyên cáu kỉnh với nhau chỉ vì lịch học của các con. Hai con của anh đang học ở Trường tiểu học Chu Văn An, đứa lớn nghỉ thứ Hai, Ba, Năm; đứa nhỏ nghỉ thứ Tư, Sáu, Bảy.

Các cháu thay nhau ở nhà kín cả tuần, anh chị không thể thuê người giúp việc trông các cháu vì thu nhập của hai vợ chồng không cho phép. Nửa tháng nay, hết người thân bên nội đến người thân bên ngoại được huy động ra trông cháu, nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì hai quê đều cách Hà Nội 300-400km. “Tôi bảo hay vợ nghỉ ở nhà trông con, cô ấy gào lên “mình anh đi làm thì cả nhà chết đói”, mọi phương án đều rơi vào bế tắc”, anh Tiến rầu rĩ.

Vẫn loay hoay tìm giải pháp

Năm học 2018-2019, Trường tiểu học Chu Văn An phải gánh thêm đến 16 lớp Một so với năm học trước, con số tăng thêm này có lẽ bằng cả một trường ở nông thôn. Nhà trường đã cố gắng duy trì sĩ số mỗi lớp khoảng 50 học sinh để đảm bảo chất lượng dạy và học. Thế nhưng, giữ được sĩ số “đẹp” của năm học này thì trường lại đối mặt với việc thiếu 16 phòng học. Bà Lê Thị Thêu, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: trước kỳ tuyển sinh, Phòng GD-ĐT Q.Hoàng Mai đã tính toán rất kỹ về mô hình học tập cho Trường tiểu học Chu Văn An, để đảm bảo tất cả trẻ trong độ tuổi đến trường trên địa bàn đều có chỗ học.

Ở địa bàn có đến 70 chung cư, mà chỉ có hai trường tiểu học thì phương án tối ưu là học bốn buổi/tuần. Mô hình này đã được Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép áp dụng với các trường trong khu vực nội đô, các khu chung cư, khu đô thị có lượng dân cư đông, số trường học không đáp ứng được.

Thế nhưng, sau hai tuần học của trẻ với những khó khăn mà phụ huynh đang phải đối mặt, trường đã tính đến việc chuyển sang phương án học năm ngày/tuần, một buổi/ngày thay cho lịch học hai buổi/ngày, bốn buổi/tuần như hiện nay. Cuộc họp giữa nhà trường và phụ huynh vừa được tổ chức ngày 16/9, song bà Thêu cho biết: “nhà trường vẫn chưa thể chốt lịch học vì sau khi ghi nhận những ý kiến của phụ huynh, chúng tôi phải báo cáo lên phòng GD-ĐT. Sau khi phòng có chỉ đạo, chúng tôi mới có hướng bố trí lịch học hợp lý. Nên trước mắt học sinh vẫn phải học theo lịch học cũ”.

Những ngày qua, bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hoàng Mai, luôn đau đầu bởi phụ huynh có những khó khăn của phụ huynh, nhà trường cũng có những vướng mắc của nhà trường. Bà Hạnh nói rất chân thành và khẩn thiết: “Với thực trạng gia tăng dân số chóng mặt trên địa bàn, trong khi cơ sở vật chất vẫn giữ nguyên như hiện nay, chúng tôi đã nỗ lực hết sức. Chúng tôi rất cần sự chia sẻ của phụ huynh với nhà trường và phòng GD-ĐT. Trước số lượng học sinh gia tăng bằng cả một trường thì quả thực, chúng tôi không còn cách nào khác”.

Để tháo gỡ khó khăn, 18.000 tỷ đồng đã được TP.Hà Nội đầu tư cho giáo dục trong năm 2018. Thành phố đã giao cho Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở GD-ĐT cùng phối hợp giải quyết. Một là tìm quỹ đất. Hai là nâng tầng như kiến nghị của Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý – cho phép Hà Nội có cơ chế riêng, được nâng tầng trong các trường học. Tầng nâng thêm sẽ được sử dụng cho giáo viên và các phòng chuyên môn.

Suốt những năm qua, Hà Nội vẫn loay hoay trước thực tế thiếu thốn cơ sở vật chất, thiếu quỹ đất xây trường. Trong khi, việc quá tải ở nhiều trường học trong nội đô đã diễn ra từ nhiều năm, số lượng học sinh gia tăng hằng năm chứ không riêng gì năm học “quá tải rồng vàng”. Một câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý là vì sao quỹ đất cho chung cư thì quá nhiều, mà quỹ đất xây trường lại… không có? 

Ngọc Minh Tâm/Phụ Nữ

Bình luận (0)