Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học để thoát đời lam lũ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
 

Cảnh sum vầy của cả nhà ông Bùi Văn Do trước ngôi nhà cũ – Ảnh: Nguyễn Bách Thảo

Mệnh danh là đất học, Vĩnh Long sản sinh ra nhiều học giả, bác học xuất chúng. Câu chuyện khích lệ việc học tập tại địa phương những năm gần đây được đẩy lên đỉnh cao. với cư dân, nỗi khát khao vượt lên kiếp người nghèo khó bằng sự học càng thôi thúc mạnh mẽ …

Người đời gọi ông như vậy bởi chính ông là người nhen nhóm và thổi bùng lên ngọn lửa khuyến học ở quê nhà. Còn tên thật của ông là Nguyễn Văn Lâu (Tư Cẩn), nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long. Sau khi về hưu, ông lặn lội khắp nơi tìm "kế" để nung nấu sự học trong cư dân và dọn đường cho thế hệ trẻ đi đến sự thành đạt của học vấn không quá gian nan, trắc trở.

Ông Đặng Văn Đức – Chánh Văn phòng Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Long – kể lại rằng: Hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh nhà, chú Tư Cẩn đã đặt nền móng chăm lo sự học cho con em nông dân lao động nghèo bằng hoạch định căn cơ và những bước đi mang tính đột phá. Việc lớn là xây dựng tổ chức hội thành một hệ thống thống nhất từ tỉnh về đến tận xã, thị trấn, trường PTTH (hội cơ sở), khu, ấp, trường tiểu học, THCS (chi hội) thậm chí đến cả tổ tự quản (tổ hội).

Ngay cả việc đặt tên cho từng quỹ học bổng, chú Tư Cẩn cũng gắn đến mục đích, ý nghĩa lâu dài, như: Quỹ Học bổng Phạm Hùng là tiếp sức con em nhà nghèo vượt khó; Quỹ Học bổng Trần Đại Nghĩa là hỗ trợ khuyến khích tài năng, khuyến khích học tập; Quỹ Võ Văn Kiệt… Chính lẽ đó mà 8 năm qua, Vĩnh Long đã vận động được gần 20 tỉ đồng cho hơn 51.000 suất học bổng, riêng Đài Truyền hình Vĩnh Long là trên 6 tỉ đồng từ chương trình học bổng Trần Đại Nghĩa – Thắp sáng niềm tin.

"Có lẽ sẽ lâu lắm mới tìm được một người lãnh đạo tận tâm, tận lực chăm lo sự học cho người nghèo như chú Tư Cẩn. Những người lãnh đạo các nhiệm kỳ sau chỉ tiếp tục đi theo con đường mà ông đã vạch sẵn…" – ông Đức khẳng định.

Nuôi con học đến trắng tay

Ông Nguyễn Hữu Phước – tự Chín Phước, nhà ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn có 18 công ruộng, vườn… Thoạt đầu, 4 đứa con học phổ thông, vợ chồng ông còn gồng gánh được. Nhưng khi đứa đầu vào đại học, gia đình bắt đầu lâm vào cảnh túng quẫn. Đất ruộng, đất vườn cầm cố dần…

"Báo Le Monde của Pháp, khi đề cập đến tinh thần hiếu học của tuổi trẻ Việt Nam, đã nhận xét: "… đó là xứ sở của học vấn,… đó là một dân tộc không bao giờ chịu an phận…"

Đến khi các con vào năm thứ hai đại học, thì đất đai đã hết. Cả gia đình xuống ghe chèo chống lên tận Sài Gòn kiếm sống. Vợ ông cùng các con 4 năm trời, ngày nào cũng thức từ 2-3 giờ sáng, con đạp xe chở mẹ từ chợ Gò Vấp xuống chợ Thị Nghè mua trái cây đưa ra chợ bán, rồi lại đạp xe về chợ Cầu để đi học. Còn ông thì thu gom trái cây ở chợ nổi Trà Ôn, chèo ghe sang chợ Gạo (Tiền Giang), rồi dòng tàu lên TP.Hồ Chí Minh bán lẻ ở các chợ Thị Nghè, Ông Lãnh. Mỗi chuyến đi dài 300 cây số, mỗi tháng 3 chuyến, ròng rã như vậy suốt 5 năm trời. Gom được đồng nào, mang đóng tiền học cho con đồng ấy. Hiện nay các con của ông đều tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định ở TP.Hồ Chí Minh.

Cũng cùng cảnh ngộ với ông Chín Phước, nhưng vợ chồng ông Bùi Văn Do ở xã Thới Hòa (Trà Ôn) có đến 7 đứa con, đất đai lại chỉ được 5 công đất. Khoản thu nhập ít ỏi từ mảnh vườn, nuôi bò không đủ trang trải cho 9 miệng ăn và chi phí học tập của các con, ông tranh thủ đi bán vé số, vợ ông vào nhà máy xay lúa may bao và làm thuê. Ông tâm sự: Hàng đêm, nhìn các con chăm chỉ ngồi học bên ngọn đèn dầu, lòng xót xa như muối xát khi nghĩ đến ngày nào chúng phải bỏ học vì nghèo…

Các con càng lớn, việc học càng tốn kém. Cùng đường, ông mang mảnh vườn đi cầm cố. Vẫn không đủ, ông lại mượn bằng khoán đất của dòng họ thế chấp vay ngân hàng. Hiểu được sự cực nhọc của cha mẹ, khi bước vào ngưỡng đại học, những đứa con lớn cũng bươn chải làm thuê để có tiền phụ thêm việc học… 4 đứa con trai lớn đã ra trường đều là bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư. Những đứa còn lại đang học đại học năm thứ tư, nhưng ông đã nhẹ gánh vì có các anh chúng nuôi, lại được học bổng Trần Đại Nghĩa của tỉnh nhà…

Kết cục có hậu

Khi gặp ông Ba Lụa, thoạt nhìn ông trong bộ quần áo thẳng nếp, mang giày da đen bóng… tôi cứ ngỡ ông là giáo viên của huyện khi được giới thiệu là Chủ tịch Chi hội Khuyến học xã Tân Mỹ. Ông cười ngất, phân bua: "Tui là nông dân rặt ri nè". Nhà ông là gia đình hiếu học cấp tỉnh với 4 người con đều tốt nghiệp đại học và là thành viên của dòng họ Đoàn, vừa được công nhận là dòng họ hiếu học (80% gia đình trong dòng họ đạt chuẩn gia đình hiếu học) với 19 người tốt nghiệp đại học và sau đại học.

Ông Ba Lụa cho biết, mặc dù xã Tân Mỹ có 65% số hộ nghèo, 45% dân số là người Khmer, nhưng lại là xã có phong trào khuyến học mạnh của huyện. Năm 2010, có 1.200 học sinh đến trường và 110 gia đình hiếu học các cấp.

Tuy mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng nhiều gia đình hiếu học nơi huyện lỵ nghèo khó này đều có chung một cảnh: Đánh đổi tất cả sản nghiệp của đời mình cho tương lai của đời sau. Tôi thật sự lo ngại, nếu lỡ như khi các con học hành đỗ đạt, chúng quay lưng với cha mẹ khi tuổi già trắng tay?

Ông Từ Hoàng Đương – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Trà Ôn – khẳng định: "Chưa từng có trường hợp như vậy. Hầu hết khi thành đạt, con cái đều chuộc lại đất đai, trả nợ nần và phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi xế chiều. Cũng có nhiều người con cất cả nhà cao, cửa rộng cho cha mẹ như nhà ông Chín Phước, Ba Do, Ba Lụa…".

Ông Ba Lụa góp chuyện: "Thật sự khi nuôi con ăn học, không ai nghĩ sẽ được báo hiếu. Nhưng được học cao, hiểu rộng, ắt chúng thấu hiểu được đạo hiếu nghĩa". Bây giờ thì 3 ông đều khỏe cả rồi, nhà cửa được con xây dựng lại, chi phí sinh hoạt do các con góp lo cho cha mẹ… Các ông đúc kết: Trợ giúp để các cháu được học hành đến nơi đến chốn chính là giải pháp xóa nghèo căn cơ, bền vững nhất.

Báo Le Monde của Pháp, khi đề cập đến tinh thần hiếu học của tuổi trẻ Việt Nam, đã nhận xét: "… đó là xứ sở của học vấn,… đó là một dân tộc không bao giờ chịu an phận,… một dân tộc có sức bật phi thường vươn lên từ sự học". Vĩnh Long đã và đang nhộn nhịp hòa dòng chảy ấy.

Theo TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)