Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Học để thoát nghèo!

Tạp Chí Giáo Dục

Đinh Thị Thanh

Mồ côi cha từ lúc mới lên 10 tuổi, những tưởng cô bé Đinh Thị Thanh (người dân tộc Tày) ở huyện nghèo Đồng Hỷ (Thái Nguyên) phải thất học và phiêu dạt trên con đường mưu sinh. Nhưng may mắn, em được ông bà ngoại đùm bọc cùng sự hy sinh thầm lặng của người mẹ góa đã “tiếp sức” cho em vượt qua khó khăn để vào đại học…
Thanh sinh năm 1990 trong một gia đình nghèo, người dân tộc Tày. Cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân của cha nên khá chật vật. Bù lại, cha mẹ Thanh rất trọng việc học hành của con cái. Năm 2000, giữa lúc Thanh đang học lớp 5 thì cha em lâm bệnh nặng rồi “ra đi” ở cái tuổi 32 bởi căn bệnh ung thư quái ác, bỏ lại 3 mẹ con em côi cút. Kể từ khi cha mất, kinh tế gia đình em vốn đã khó khăn càng thêm kiệt quệ. Để có nơi nương tựa và tiếp tục cho 2 con ăn học, mẹ Thanh đã dọn về sống chung với gia đình ông bà ngoại. Và 10 năm qua, chị em cô bé mồ côi này vẫn được cắp sách đến trường.
Dù còn nhỏ tuổi, nhưng Thanh thấu hiểu được sự hy sinh của mẹ (bà vẫn không tái giá mà ở vậy nuôi con) và tình thương yêu, chăm chút của ngoại, Thanh quyết tâm học thật giỏi. Liên tục từ năm lớp 6 đến lớp 12, Thanh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Tốt nghiệp THPT, Thanh thi đậu vào Khoa Sư phạm Trường Đại học Đà Lạt (ngành vật lý). Kết quả năm học đầu tiên (2008-2009), Thanh đứng đầu lớp, điểm trung bình tất cả các bộ môn đạt 8,35 điểm. Trong đó, có những học phần, Thanh đạt điểm tối đa (10 điểm). Từ kết quả học tập xuất sắc này, Thanh luôn nhận được học bổng của trường. Đặc biệt, Thanh còn được BGH Trường Đại học Đà Lạt xét đề nghị và nhận học bổng Hessan (Đức) dành cho những SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học giỏi. Số tiền học bổng 5 triệu đồng đối với cô SV nhà nghèo như Thanh thật sự là niềm cứu cánh và động viên rất lớn. Vinh dự hơn, trong ngày 9-1 vừa qua, Thanh là SV duy nhất của Trường Đại học Đà Lạt được nhận giải thưởng “Sao tháng giêng” của Hội SV Việt Nam trao tặng…
Hai năm qua, mẹ Thanh đã quyết định rời Thái Nguyên vào Lâm Đồng mưu sinh. Bà đã đưa đứa em trai của Thanh (năm nay đang học lớp 11) vào Lâm Đồng, xin học tại Trường THPT Chu Văn An (Đức Trọng). Theo bà, đây là điều kiện tốt nhất để 3 mẹ con gần gũi, chăm sóc nhau. Hiện nay, mỗi ngày mẹ Thanh phụ giúp công việc nhà cho một số gia đình để trang trải cuộc sống.
Bên cạnh đó, Thanh cũng nhận dạy kèm cho 3 học sinh ở Đà Lạt. Ngoài ra, Thanh còn tham gia trong nhóm SV tình nguyện của Trường ĐH Đà Lạt phụ đạo miễn phí cho trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lâm Đồng (mỗi tuần 1 buổi). Trung bình mỗi tháng, Thanh được trả 1,5 triệu đồng từ việc dạy kèm…
Chia tay tôi trong cái bắt tay vội, cô SV nhỏ nhắn mất hút trong màn sương mù của hoàng hôn Đà Lạt để đến lớp dạy kèm…
Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng

Bình luận (0)

Tòa soạnHoạt động tòa soạn

Học để thoát nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Cái nghèo dai dẳng bám lấy gia đình khiến tôi phải bỏ học nửa chừng để lao vào dòng người ngược xuôi, bon chen kiếm sống. Thấy con mình phải bỏ dở nửa chừng khi chưa cầm được tấm bằng tốt nghiệp THCS, mẹ tôi buồn lắm. Mẹ ngậm ngùi quay lưng đi, lén lau những giọt lệ như chực chờ rưng rưng rồi đành chấp nhận một cách khiên cưỡng. Mẹ thẫn thờ nhìn tôi rồi lại nhìn đi đâu đó xa xăm lắm. Tóc mẹ đã bạc lại càng bạc thêm dù tuổi đời chưa cao là mấy. Sức lực gần như đã cạn kiệt nhưng ngày nào mẹ cũng gánh hàng rong rảo khắp phố phường để bán kiếm tiền nuôi những đứa con và người chồng đang lâm trọng bệnh.
Những tháng ngày bươn chải giữa dòng đời với bao công việc nặng nhọc là ngần ấy năm tôi chắt chiu cho mình những kinh nghiệm sống quý báu. Tôi thầm nghĩ “Chỉ có tiếp tục học mới giải thoát cảnh nghèo, chỉ có tiếp tục học, tôi mới mong mẹ được an hưởng tuổi già sớm hôm”. Thế là bằng sự nỗ lực của bản thân, tôi đã xin vào học lớp bổ túc văn hóa vào ban đêm. Ban ngày đi làm, chiều về đến lớp, tối lại tiếp tục kiếm sống bằng công việc bảo vệ. Nhiều hôm bị đuối sức, muốn bỏ ngang việc học nhưng tôi vẫn tự nhủ với mình rằng, phải cố học để đạt được kết quả cao để mong leo lên nấc thang của đời mình, nấc thang hy vọng của tương lai. Và tôi đã hoàn thành xuất sắc ba năm phổ thông và cùng một lúc thi đậu vào hai trường đại học.
Ngày mà tôi cầm giấy báo trúng tuyển đại học trong tay là ngày niềm vui vỡ òa trong cái làng nghèo heo hút của miền Trung. Ngày ấy mẹ tôi khóc nhiều lắm vì vui sướng và hạnh phúc. Cha tôi đã bật dậy trên giường bệnh khi hay tin con mình đậu đại học. Giờ đây, tôi đã là cậu sinh viên năm 4 của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Tôi luôn cố gắng để vượt lên bản thân của mình dù phía trước còn nhiều chông gai. Nhưng tôi vẫn bước, bước tới để hoàn thành nấc thang của đời mình để cố gắng “săn” một suất học bổng du học.
Mới vừa rồi đây, khi hay tin cơn bão số 11 đã hoành hành miền Trung, quét sạch những vật cản mà chúng đi qua. Tôi ngồi bần thần trong lớp học nghe tim mình đau nhói khi mẹ gọi điện báo tin nhà tôi bị tốc mái, nước lũ ngập sâu. Những hình ảnh trong đầu tôi hiện ra: rồi đây cha mẹ tôi phải chống chọi như thế nào khi gia cảnh như thế, khi tuổi đã ngả bóng về chiều, khi bát cơm bị cơn bão cướp cạn… Càng nghĩ, tôi càng tự nhủ lòng mình cần phải học nhiều hơn nữa. Học để giải thoát cái nghèo, giải thoát cho người mẹ, giải thoát cho miền Trung đang oằn nặng trong mùa mưa bão…
Nguyễn Văn Nhị
(K32, Văn 4B Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
 
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản 2621/GD-ĐT-HSSV gửi các trường về việc giới thiệu cuộc thi viết “Chắp cánh ước mơ” trên Báo Giáo Dục TP.HCM. Sở GD-ĐT TP.HCM nhận thấy cuộc thi viết này là một sân chơi bổ ích nhằm giúp các em học sinh THPT rèn luyện ngôn ngữ viết, phát triển tư duy văn học đồng thời giúp các em tạo ra những khát vọng cống hiến cho đất nước Việt Nam giàu mạnh. Sở đề nghị hiệu trưởng các trường THPT quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cho các em học sinh trong nhà trường tham gia.
Cuộc thi viết “Chắp cánh ước mơ” do Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp với Trung tâm Tư vấn Du học Việt – VOSC (Công ty Du lịch Vietravel) tổ chức nhằm tạo điều kiện để các bạn trẻ có cơ hội nhìn lại bản thân mình, hun đúc và bày tỏ những mong ước, những hoài bão có ý nghĩa tốt đẹp có ích cho cộng đồng và xã hội.
Xem chi tiết tại website: vosc.edu.vn
Bài dự thi gửi về: Báo Giáo Dục TP.HCM, số 300 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3, TP.HCM hoặc email: vosc_chapcanhuocmo@yahoo.com.
Tuy An