Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học để… trốn nghĩa vụ quân sự?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhằm hạn chế tiêu cực, Trường CĐ Bách Việt siết chặt quy trình cấp giấy chứng nhận SV. Ảnh chụp giờ tan học của SV nhà trường

Không ít phụ huynh, học sinh cũng “lách luật” bằng cách chịu bỏ tiền đăng ký nhập học một trường nhằm có được giấy chứng nhận là học sinh – sinh viên (HS-SV) để tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Chỉ cần giấy chứng nhận…
Để có được giấy chứng nhận là SV đang học tại trường phục vụ việc bổ túc hồ sơ nghĩa vụ quân sự, các em phải… chứng nhận mình trước, thông qua lệnh khám nghĩa vụ quân sự của địa phương. Quy trình… rườm rà này khiến nhiều SV mất thêm công chạy đi chạy lại nhưng lại là cách để nhà trường hạn chế được tiêu cực.
Thông thường, khi nhận được lệnh khám nghĩa vụ quân sự của địa phương, SV chỉ việc xin giấy chứng nhận đang học tập tại trường nộp về địa phương để tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Tại Trường CĐ Bách Việt, thời gian qua, nhiều SV phản ánh việc nhà trường “làm khó” khi cứ yêu cầu các em phải mang lệnh khám nghĩa vụ quân sự từ địa phương lên chỉ để trường photo giữ lại một bản rồi mới cấp giấy chứng nhận cho các em. Theo SV, trường hợp gia đình chuyển giấy lên kịp thì không sao, có những trường hợp gấp quá, các em phải tự bắt xe về quê để lấy giấy, vừa mất thời gian đi lại vừa tốn kém. Trao đổi với Giáo Dục TP.HCM, TS. Trần Mạnh Thành (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt) cho biết, cách làm trên nhằm hạn chế tiêu cực, cụ thể là để tránh tình trạng một số cá nhân sử dụng giấy chứng nhận không đúng đối tượng. Theo ông Thành, việc chứng nhận không chính xác đối tượng sẽ gây nguy hiểm. Thực tế, thời gian qua tại trường, từng có không ít phụ huynh, SV đã tốt nghiệp vẫn chạy về xin giấy chứng nhận. Trong trường hợp đó, trường vẫn chứng nhận nhưng với nội dung là bản thân SV đã tham gia học tập tại trường trong khoảng thời gian cụ thể từ khóa nào đến khóa nào. Cũng theo TS. Thành, khá nhiều trường hợp phụ huynh, SV có nhu cầu xin chứng nhận trong số đó nhằm phục vụ mục đích trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Thậm chí có trường hợp SV đã học xong hệ CĐ tại trường lại tiếp tục đăng ký học thêm hệ trung cấp cũng chỉ vì mục đích nêu trên. Lý do thứ hai giải thích cho việc trường siết chặt hoạt động cấp giấy chứng nhận là chuyện nhiều SV thiếu ý thức giữ gìn. Trước đây, khi quy trình chứng nhận còn đơn giản, đã có rất nhiều em cứ được cấp rồi lại để mất. Thậm chí có SV làm mất liên tục và yêu cầu trường cấp giấy đến 3-4 lần. Ngay cả với bảng điểm học tập cũng vậy, nhiều em không biết quý, cứ xin cấp đi cấp lại với lý do bảng đã cấp không biết để… lạc ở đâu?! TS. Thành cho rằng, nhà trường không chủ trương biến nơi này thành môi trường để các bạn trẻ… trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Trông chờ rà soát…
Thực tế, chuyện HS-SV nhập học để trốn tránh nghĩa vụ quân sự thời gian qua là khá phổ biến với các trường nhất là các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp và đã làm… mệt mỏi chính những đơn vị đào tạo. Đối với hệ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, việc xét tuyển khá dễ dàng, yêu cầu trúng tuyển không cao nên ngày càng nhiều thanh niên tìm đến đây như một “chỗ núp”. Thật ra, hệ quả từ việc này là không nhỏ, nó làm ảnh hưởng đến hiệu suất đào tạo của toàn hệ thống do tình trạng đầu vào đông, đầu ra lại thưa thớt. Nhưng đề cập đến phương án giải quyết, nhiều trường đành chỉ biết… lắc đầu bởi điều này ngoài tầm kiểm soát của chính các đơn vị. Đại diện phòng đào tạo một trường trung cấp chuyên nghiệp tại TP.HCM nêu thực tế, rất khó cho các trường trong việc tìm một phương án hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng trên, bởi nguyên tắc đã là HS-SV đang theo học tại trường thì trường sẽ phải xác nhận. Tuy nhiên, mong muốn của đại diện trường này và cũng là trông cậy của rất nhiều cơ sở đào tạo chính là hoạt động tăng cường rà soát, xác minh từ phía ban chỉ huy quân sự, địa phương. Theo đánh giá của các trường, công tác xác minh, rà soát từ phía các đơn vị chỉ huy quân sự thời gian qua chưa thực sự triệt để. Các trường cho rằng, cần tăng số lượt rà soát trong năm mới mong đạt được hiệu quả. Phía người học, có lẽ cũng cần xác định một động cơ học tập thực sự cho cả cuộc đời họ hơn là việc phải lãng phí thời gian, tiền bạc chỉ để… trốn thực hiện nghĩa vụ công dân!
Bài, ảnh: Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)