Kiến thức sách vở được cụ thể hóa qua sản phẩm, bài học trên lớp được làm mới bằng những trải nghiệm sáng tạo từ chính học sinh… Đó là cách mà Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) đang “thổi lửa” đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh trong trường.
Tập trung chế tạo mạch Arduino
Câu lạc bộ (CLB) Khoa học kỹ thuật được hình thành bởi sự kết hợp của 3 môn lý – hóa – sinh. Thông qua những trải nghiệm thực tế, các em học sinh tự… nghiệm ra kiến thức. Không chỉ dừng ở “thổi lửa đam mê”, đó còn là bước hướng nghiệp sớm cho học sinh cũng như từng bước nhân rộng giáo dục STEM ra toàn trường.
Vừa học, vừa làm sản phẩm
Vào mỗi chiều thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, Quỳnh Châu (lớp 10A15) cố gắng gác hết mọi thú vui cuối tuần để đến trường tham gia sinh hoạt CLB. Điều làm cô bạn ấn tượng và thích thú nhất khi sinh hoạt trong CLB là kiến thức không chỉ gói gọn trong sách giáo khoa 3 môn lý – hóa – sinh mà còn được mở rộng rất nhiều, đặc biệt là gắn liền với thực tế cuộc sống. “Mỗi tuần đều là những trải nghiệm rất thú vị. Tuần này, em được trải nghiệm làm xà phòng, trà lên men. Tự tay làm ra những bánh xà phòng thiên nhiên từ dầu cọ, dầu dừa, dầu ô liu… mà trước giờ em cứ nghĩ là “khó không tưởng” nhưng lại chỉ dựa vào một vài phản ứng hóa học đơn giản”, Quỳnh Châu chia sẻ.
Chưa hết, Quỳnh Châu còn khoe sản phẩm xà phòng “handmade” mà em làm an toàn đến mức độ pH thấp hơn nhiều so với các loại xà phòng thông dụng trên thị trường.
Trong khi đó, Tuyết Trân và Anh Thư (lớp 10A1) lại tỏ ra thích thú trước thành phẩm là hũ trà lên men rất có lợi cho sức khỏe. Nói về chu trình để tạo ra sản phẩm, hai cô bạn bật mí rằng “dễ như ăn kẹo” vậy. “Trà đen pha ra với đường, sau đó cấy con men combucha (loại nấm vi sinh có nguồn gốc từ Nhật Bản – được tổng hợp từ rất nhiều vi sinh vật). Hỗn hợp sau đó được ủ lên men trong khoảng 7-14 ngày. Thành quả sẽ là trà lên men có vị chua nhẹ của dấm và hương thơm thanh khiết của loại trà đã chọn ban đầu. Nhất là loại trà này có tác dụng cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, tốt cho tiêu hóa”, Tuyết Trân cho biết.
Theo Tuyết Trân và Anh Thư, trà lên men thực chất là được áp dụng kiến thức từ môn hóa với chu trình phát triển của vi sinh vật: vi sinh vật ăn gì, tạo ra gì có lợi cho sức khỏe của con người. “Chúng em được học mà hoàn toàn không có cảm giác là đang học. Một cách tự nhiên, kiến thức ngấm dần trong quá trình làm ra sản phẩm”, Tuyết Trân chia sẻ.
Các thành viên làm xà phòng và sản phẩm cuối cùng
Ở căn phòng khác, một nhóm học sinh đang chăm chú vào lập trình Arduino dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Huỳnh Anh Huy (cựu học sinh nhà trường, hiện là sinh viên năm 4 Khoa Điện – Điện tử Trường ĐH Bách khoa TP.HCM). Theo Anh Huy, thông qua những sản phẩm đơn giản, các em học sinh sẽ học được kiến thức cơ bản trong môn lý, nền tảng về lập trình, kiến thức về điện tử, điều khiển. “Ngay trong quá trình làm sản phẩm, các em hiểu rõ rằng học điều khiển tự động sẽ làm những gì, học về lập trình sẽ làm gì… để đưa ra những hướng lựa chọn ngành nghề, làm quen với các ngành nghề ngay khi còn học phổ thông. Từ đó các em sẽ xây dựng phương pháp học tập phù hợp”, Anh Huy nói.
“Bước đệm” hướng tới giáo dục STEM
So với những CLB khác trong trường thì CLB Khoa học kỹ thuật còn non trẻ khi mới được thành lập trong năm học 2018-2019. Tuy nhiên, “sức nóng” của CLB lại không hề thua kém bất kỳ CLB kỳ cựu nào khi thu hút gần 200 thành viên ở cả 3 khối tham gia. Thầy Trần Đình Hương (Tổ trưởng Tổ hóa) cho biết CLB hướng đến mục tiêu cho học sinh những trải nghiệm để các em tự tìm ra kiến thức, tạo sự thích thú với các môn học “tưởng chừng khó hiểu và khô khan”. Đồng thời, cho các em cơ hội làm quen với những ngành nghề có thể gặp trong tương lai như công nghệ thông tin, hóa mỹ phẩm… “Trước khi các em bắt tay vào trải nghiệm, thầy cô sẽ chuẩn bị trước một số chuyên đề, dự án như tên lửa nước, cán cân công lý hay làm xà phòng, lập trình tạo ra những sản phẩm thông minh… Để có thể làm ra những sản phẩm này, bắt buộc các em phải tìm hiểu trước kiến thức từ sách giáo khoa và thực tế. Thầy cô chỉ là người gợi ý và duyệt tính khả thi của sản phẩm, còn các em mới là nhân tố trực tiếp trải nghiệm, sáng tạo tạo ra các sản phẩm…”, thầy Hương cho biết.
Theo thầy Hương, để làm ra một sản phẩm có thể học sinh sẽ phải vận dụng cả kiến thức sách vở và ngoài sách vở, kiến thức chuyên môn và thực tế. Chính điều này tạo ra tính chủ động, tự học, tự nghiên cứu cho học sinh. Trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết trong việc học và nghiên cứu sau này.
Cô Vũ Thị Ngọc Dung (Hiệu trưởng nhà trường) kỳ vọng CLB Khoa học kỹ thuật là “bước đệm” để hướng tới giáo dục STEM trong toàn trường không chỉ 3 môn lý – hóa – sinh mà ở tất cả các môn học khác. “Ban đầu, những thành viên trong CLB sẽ đến các lớp để hướng dẫn các bạn làm sản phẩm, đảm bảo rằng học sinh nào cũng được trải nghiệm từ kiến thức môn học đến thực tế. Khi tất cả học sinh vào cuộc thì các thầy cô cũng phải “vào guồng” theo, mạnh dạn và chủ động tìm tòi đưa những phương pháp giáo dục mới vào trong lớp học. Trên hết là để kiến thức được tiệm cận gần nhất với học sinh”, cô Dung nhận định.
Theo cô Dung, những sản phẩm mà học sinh làm ra từ môn học sẽ được đưa vào sử dụng trong trường. “Xà phòng sau khi giáo viên dùng thử, trường sẽ đặt hàng luôn cho giáo viên sử dụng trong trường. Sắp tới sẽ hướng dẫn các em tự trồng rau thủy canh để bán cho căng tin trường. Vừa khuyến khích, động viên các em, vừa để các em hiểu kiến thức sách vở rất gần với thực tế”, cô Dung bật mí.
Yến Hoa
Bình luận (0)