Phụ huynh đang trao đổi với chuyên gia tư vấn tuyển sinh ĐH. Ảnh: Anh Khôi
|
Mỗi năm, đến hẹn lại lên, hàng ngàn thí sinh đăng ký dự thi ĐH. Biết bao sĩ tử thiết tha đặt chân vào giảng đường ĐH để đeo đuổi ngành nghề mình yêu thích bao năm qua. Cũng có thí sinh mơ vào ĐH với mong ước được “đổi đời” vì cuộc sống hiện tại quá nghèo khổ, nhọc nhằn. Thế nhưng, cũng không ít thí sinh thi vào ĐH vì… phụ huynh.
Cô D. mãi không quên lần làm giám thị gác thi cho Trường ĐH N. cách đây 5 năm. Vừa phát đề thi chừng 20 phút thì một thí sinh đem nộp bài, xin ra về, tờ giấy thi không có chữ nào hết. Cô D. hỏi thí sinh ấy sao không làm bài và phải đúng thời gian quy định thì thí sinh mới có quyền nộp bài, ra sớm trước giờ thi. Em ấy trở về chỗ ngồi. Chỉ một lát sau, thí sinh lại lên xin cho ra khỏi phòng thi, cô D. nhắc lại quy định. Bất ngờ, em bảo: “Vậy cô lập biên bản em đi” và gỡ tai nghe bị che khuất bởi mái tóc dài rồi lấy từ lớp áo bên trong ra một máy bộ đàm hiện đại để trên bàn. Cô chưa kịp phản ứng thì thí sinh ấy vụt chạy ra ngoài sân trường, rồi đứng giữa sân nhìn lên trời. Cả phòng thi xôn xao. Bảo vệ đưa em vào phòng hội đồng thi. Qua lời em, mọi người mới rõ: Gia đình em rất giàu có, trí thức nên việc em phải đậu ĐH là điều mà ba mẹ buộc em phải thực hiện. Tuy nhiên, sức học của em không cao, đã 2 năm qua, em đều không đậu ĐH và lần thứ 3 này, ba mẹ đã sắp xếp mọi thứ để em thi đậu. Bản thân em chán ngán việc học, em chỉ thích làm chủ một quán cà phê nhạc trẻ nhưng ba mẹ cương quyết không đồng ý.
T. học khá giỏi, gia đình em có cửa hàng sắt rất lớn ở thị xã thuộc một tỉnh miền Tây Nam bộ. Ngoài giờ học, em thường phụ ba mẹ quản lý cửa hàng. Em muốn học xong lớp 12, không thi ĐH mà ở nhà mở rộng việc kinh doanh của gia đình theo ý em. Thế nhưng, ba mẹ buộc em phải thi bất kì trường ĐH nào để đem lại danh dự cho gia đình. Vì theo ba em, dù kinh doanh phát đạt, vật chất dư thừa nhưng dưới mắt mọi người, ba mẹ vẫn là người dốt nát gặp thời. Vì thế, em cứ học ĐH, lấy bằng tốt nghiệp xong rồi về thay thế ba mẹ lo việc buôn bán của gia đình cũng không muộn. Em thi đậu ĐH, ba mẹ thuê một căn nhà với giá mấy triệu đồng/tháng gần trường để em thoải mái như ở nhà và mua cho không thiếu thứ gì mà em muốn như iPhone, iPad, laptop…, chỉ cần em tốt nghiệp ĐH để rạng danh với bà con, hàng xóm. Vừa rồi gặp T., em buồn bã nói với tôi, mới học năm thứ nhất mà em nợ môn quá nhiều, quá chán học vì khi đi thi đã chọn ngành dễ đậu theo ý muốn ba mẹ chứ em không có ý thích nào. Em đã nói với ba mẹ cho nghỉ học, nhưng ba cương quyết không đồng ý.
Mới vừa rồi, cô H. – đồng nghiệp của tôi cũng than phiền về đứa con trai duy nhất của mình không chịu thi ĐH mà đòi đi học nấu ăn, làm đầu bếp. Cô bảo không biết con trai nghĩ sao mà lại muốn làm đầu bếp, bản thân cô là nữ mà còn không thích chuyện bếp núc. Nuôi con 12 năm ăn học, vậy mà giờ đây cô thất vọng vô cùng. Tôi bảo cô hãy để cháu tự chọn con đường tương lai cho mình nhưng cô vẫn dứt khoát không đồng tình vì cho rằng mọi người sẽ nghĩ sao khi con cô không vào ĐH mà “chúi đầu, chúi mũi vào xó bếp”. Thời buổi bây giờ không có bằng ĐH chẳng khác nào thằng dốt, ra đời ai cũng sẽ coi thường…
Vào ĐH không phải là con đường tương lai duy nhất, thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ lại buộc con mình phải chọn, không phải để dễ kiếm việc làm, không phải để kiếm việc có nhiều tiền… mà chỉ để thỏa mãn “cái tôi” của họ, để họ được tự hào khoe với mọi người: Con tôi học trường ĐH X., con tôi tốt nghiệp ĐH Y… Người ta thường nói: “Lối đi ngay dưới chân mình”. Các bậc phụ huynh đừng bắt buộc các em đi trên con đường mà mình chọn sẵn. Cha mẹ hãy để cho con em tự chọn lối đi cho chính bản thân để các em tự tin hơn, cố gắng hơn khi đi trên con đường mà chính các em đã tự do chọn lựa, để các em đạt được cái mà bản thân yêu thích, đam mê.
Nhân Tâm
Vào ĐH không phải là con đường tương lai duy nhất, thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ lại buộc con mình phải chọn, không phải để dễ kiếm việc làm, không phải để kiếm việc có nhiều tiền… mà chỉ để thỏa mãn “cái tôi” của họ, để họ được tự hào khoe với mọi người: Con tôi học trường ĐH X., con tôi tốt nghiệp ĐH Y… |
Bình luận (0)