Học sinh và giáo viên Trường THPT Phạm Văn Sáng thích thú với nội dung cuốn cẩm nang du lịch
Phương pháp học mới mẻ này vừa được thầy Lê Thanh Long (giáo viên môn địa lý, Trường THPT Phạm Văn Sáng, huyện Hóc Môn, TP.HCM) triển khai cho học sinh lớp 12A9 thông qua dự án “Em yêu biển đảo quê em”. Dự án phác họa ra bức tranh toàn cảnh về tiềm năng, thực trạng của các ngành kinh tế biển bằng cách cho học sinh trải nghiệm nhiều ngành nghề khác nhau, từ đó mở ra hướng giải quyết trước các vấn đề còn tồn tại của ngành nghề. Theo đó, lớp 12A9 được chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm đóng vai một ngành nghề riêng biệt: Nhóm Cá voi xanh với vai trò tìm hiểu về ngành du lịch của vùng biển Nam Trung bộ và thiết kế mô hình resort, cẩm nang du lịch; nhóm Làng chài trong vai “ngư ông” chuyên nghiệp, tìm hiểu về mô hình chăn nuôi thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long kèm theo mô hình chăn nuôi thu nhỏ; trong vai “những người thợ khai thác dầu”, nhóm 412 tìm hiểu về giàn khoan dầu khí ở Đông Nam bộ; Penguin – hình tượng của loài chim cánh cụt, nét đặc trưng riêng của vùng biển đảo Phú Quốc – là tên của nhóm đóng vai trò khám phá vùng biển đảo này. “Khó khăn lớn nhất là phần mô hình lồng bè nuôi tôm cá, nhất là phần mô tơ tạo ôxy cho tôm cá. Thế nhưng, những điều học được thì lại rất nhiều. Đó là kiến thức mới mẻ về các mô hình nuôi thủy sản của ngư dân mà chính chúng em tìm hiểu được”, Minh Tâm (thành viên nhóm Làng chài) chia sẻ. Còn Nguyễn Thị Xuân Thủy (thành viên nhóm 421) lại bày tỏ sự ngưỡng mộ về vẻ đẹp của biển đảo Việt Nam, các tiềm năng kinh tế biển nhất là dầu khí. Tuy nhiên, Xuân Thủy cũng cho rằng nguồn “vàng đen” này đang dần cạn kiệt trước nhu cầu khai thác và sử dụng lớn của con người. “Mỗi người trẻ cần phải có ý thức hơn trong việc tiết kiệm nhiên liệu, không xả rác bừa bãi để bảo vệ môi trường sống, môi trường biển”, Xuân Thủy nói.
Thích thú trước nét mới mẻ của đảo Phú Quốc, Nguyễn Hồng Hạnh (thành viên nhóm Penguin) phấn khởi nói rằng Phú Quốc đang dần “lột xác” từ một vùng biển đảo hoang sơ, biệt lập nay đã vươn vai thành gã khổng lồ về du lịch. Sản phẩm của nhóm là triển lãm ảnh thể hiện sự phát triển của Phú Quốc bên cạnh lược đồ nổi về vùng biển Việt Nam. “Không chỉ hiểu hơn về lãnh thổ đất nước, về đặc tính của từng vùng biển Việt Nam, dự án còn làm đánh thức trách nhiệm của người trẻ về chính biển đảo quê hương mình”, Hồng Hạnh cho biết.
Theo thầy Long, trước thực tế tài nguyên biển đảo đang ngày càng cạn kiệt khi kinh tế phát triển, dự án mong muốn “đặt học sinh” vào từng nhiệm vụ để giải quyết bài toán khai thác bền vững.
“Có thể các em chưa có những ý tưởng vĩ mô nhưng ít ra qua sự tìm hiểu của mình, các em cũng đã ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân. Song song đó, dự án còn tạo ra cơ hội để các em làm quen với những ngành nghề về biển, tìm hiểu về các ngành nghề biển, từ đó tăng cơ hội lựa chọn nghề nghiệp của bản thân”, thầy Long nhấn mạnh.
Yến Hoa
Bình luận (0)