Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) nổi tiếng với sự nghiêm cẩn trong hoạt động nghiên cứu. Ông cũng là một thầy giáo nghiêm khắc, dù thời gian đứng lớp của ông chỉ khoảng 3 năm. Trong việc sử dụng tiếng Việt, ông luôn thể hiện sự thận trọng và có một quan điểm nhất quán về cách dùng tiếng Việt sao cho đơn giản, dễ hiểu…
Viết tiếng Việt sao cho dễ hiểu
Học giả Nguyễn Hiến Lê nói về cuốn Tôi tập viết tiếng Việt: “Tôi nghĩ môn ngữ pháp có ích đó [cụ nhận xét về cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam (viết chung với Trương Văn Chình)], nhưng lý thuyết quá, không thiết thực bằng chỉ cách cho thanh niên viết tiếng Việt ra sao cho sáng sủa, và trong mấy năm sau tôi lượm trên các sách báo Sài Gòn những câu tối tăm, viết không xuôi, tìm ra nguyên nhân tại đâu, rồi đề nghị cách sửa, và nếu có thể được thì rút ra một vài quy tắc. Cuốn đó viết xong, nhan đề là Tôi tập viết tiếng Việt…”.
Về việc này, trong Hồi ký, ông viết: “Khi soạn gần xong cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, tôi thấy công trình đó không có lợi ích thiết thực bằng một cuốn chỉ cách viết tiếng Việt sao cho sáng sủa, xuôi tai, không lai căng. Có chủ trương đó rồi, ngay từ 1963, hễ đọc sách báo, tôi luôn để cây viết chì bên cạnh, thấy câu nào mắc một trong những lỗi kể trên, tôi đánh dấu liền, sau chép lại, sắp riêng vào một chỗ. Tôi chú trọng nhất vào sự cấu tạo câu văn, và khi đã gom được ba bốn trăm câu rồi, tôi lựa lại còn độ trăm câu, tìm xem lỗi tại đâu, sắp đặt thành từng loại, cố kiếm ra những luật chi phối tiếng Việt, mà luật quan trọng nhất theo tôi là luật liên tục, luật cân xứng. (…) Tôi lại nghĩ ý nào có thể diễn được theo lối của mình thì không nên mượn lối phô diễn của người, nhất là trong giai đoạn hiện tại. Viết văn càng phải có tính cách bình dân để dễ truyền bá những kiến thức mới trong đại chúng. Vay mượn của người là một việc cần thiết nhưng chúng ta phải luôn thận trọng, không nên tiếp thu một cách lố lăng, bừa bãi”.
Đến cuối năm 1964, ông viết xong một tập dày trên một trăm trang. Mới đầu ông đặt nhan đề là: Ít kinh nghiệm của tôi để viết cho sáng sủa và xuôi tai; sau thấy dài quá, ông đổi là: Tôi tập viết tiếng Việt. Như vậy, dù là một người chuyên viết nhưng Nguyễn Hiến Lê cũng rất thận trọng trong việc dùng tiếng Việt và luôn tự học, tự điều chỉnh để sao các tác phẩm của mình giản dị, dễ hiểu, đến được với đông đảo công chúng.
Học Nguyễn Hiến Lê trong việc chọn từ “đắt”
Học giả Nguyễn Hiến Lê thường có sự chọn từ rất đắt, để diễn đạt đặc sắc điều mình muốn nói. Dưới đây là một số thí dụ trong việc chọn các tên sách của ông. Chẳng hạn, tựa cuốn nổi tiếng Đắc nhân tâm do ông dịch từ: How to win friends and influence people. Nếu dịch sát nghĩa (Cách tạo dựng tình bạn và ảnh hưởng đến người khác, hoặc: Làm thế nào để tạo dựng tình bạn và ảnh hưởng đến người khác) thì rõ ràng dài dòng, khó nhớ mà không hay. Tương tự như vậy, ông dịch cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống (chứ không là Quẳng gánh buồn đi!) từ cuốn How to stop worrying and start living?; cuốn Sống 24 giờ một ngày dịch từ How to live on 24 hours a day?; cuốn Bảy bước đến thành công dịch từ Give yourself a chance (The seven steps to success); cuốn Thẳng tiến trên đường đời dịch từ The power of positive living; cuốn Sống đẹp dịch từ The importance of living…
Như vậy, học Nguyễn Hiến Lê, chúng ta cần quan tâm: Nói đúng, viết đúng (chính tả, ngữ pháp, ý cần dùng, văn cảnh, đối tượng); viết câu ngắn gọn, dễ hiểu; muốn giỏi ngoại ngữ phải giỏi tiếng Việt; học tiếng nước ngoài nhưng không bắt chước tùy tiện; không lạm dụng các cách diễn đạt ít phổ biến hoặc không phù hợp. Và dĩ nhiên, nếu viết thường xuyên thì cố gắng xây dựng phong cách riêng của mình, để tạo ra nét độc đáo, đặc sắc cá nhân.
Điều chỉnh một số hiện tượng dùng tiếng Việt chưa phù hợp hiện nay
Hiện nay, nhiều bạn trẻ sử dụng từ tiếng Việt chưa đúng nghĩa, trong đó có việc dùng sai nghĩa so với cách hiểu truyền thống. Thí dụ: “gia trưởng” được hiểu sai thành người đàn ông có khả năng lo lắng, chu toàn cho gia đình! Cách hiểu sai này có lẽ bắt nguồn từ ảnh hưởng của các dòng phim hoặc truyện Hàn Quốc, Trung Quốc, nơi mà từ này được gán thêm ý nghĩa tích cực. Hay việc viết sai chính tả, dùng tiếng của giới trẻ (hay được gọi là “teencode”) cũng khá phổ biến. Chẳng hạn, tên thương hiệu, từ ngữ bị biến đổi, như “TikTok” thành “Tóp Tóp”, “Gucci” thành “Gu chì”, “stress” thành “sì chét”… Hoặc một số từ khác bị cố ý viết sai như “siêu” thành “siu”, “khó chịu” thành “khó chệu”, hay “shop” thành “sốp”… Đặc biệt, một số bạn trẻ còn cố tình sử dụng tiếng địa phương (chẳng hạn tiếng miền Tây) để làm cái điều mà các bạn cho là tăng sự dễ thương, thay vì dùng từ toàn dân, kiểu như “thúy” mà viết và đọc thành “thí”, “uyên” hoặc “huyên” mà viết và đọc thành “quyên”. Hay việc chêm tiếng nước ngoài tùy tiện cũng không ít, kiểu “amazing good job em” mà từng là một trào lưu (hot trend) trên cả mạng xã hội và ngoài đời. Vì vậy, hiện tượng “bill” (“hóa đơn”, rồi thành “share bill”, tức “chia tiền”), “trend” (“xu hướng”, rồi thành “bắt trend”, “đu trend”), “edit” (“chỉnh sửa” hoặc “biên tập”, rồi thành “Tôi làm nghề free editor”…). Nguyên nhân có thể do tâm lý sính ngoại, thích ngữ điệu của các từ nước ngoài, hoặc thể hiện sự hiểu biết, đặc biệt khi sử dụng các thuật ngữ/từ có tính chuyên ngành.
Giới trẻ hiện nay cũng thường nói lái, viết tắt hoặc sử dụng ngôn ngữ nhạy cảm khá tùy tiện. Một số trường hợp dùng từ viết tắt, nói lái nhằm giảm bớt sự thô tục hoặc tạo hiệu ứng hài hước, như “Đói ai hẻo”, “nấu xói”, “tảm tiêu”… Việc này dù có mục đích làm nhẹ đi sự tiêu cực, nhưng việc lạm dụng các cách nói này có thể làm giảm tính trang trọng và lịch sự trong giao tiếp, nhất là khi hình thành thói quen thì rất khó sửa và có thể để lại hậu quả tai hại. Bên cạnh đó, hiện tượng lạm dụng từ Hán – Việt và ngôn ngữ ngôn tình cũng khá phổ biến. Chẳng hạn, các cụm từ Hán – Việt hoặc từ ngôn tình Trung Quốc đang xuất hiện ngày càng nhiều, như “bạch nguyệt quang”, “nốt chu sa”, “tổng tài”, “đại thúc”, “tiểu tam”…, mà không phải ai cũng hiểu.
Những hiện tượng trên có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, như tâm lý thể hiện cá tính, nhất là một số bạn trẻ muốn khẳng định phong cách riêng. Hay nhiều người bị ảnh hưởng của phim ảnh, âm nhạc, mạng xã hội từ các nước, gắn với nhu cầu hòa nhập với trào lưu chung (nói khác, viết khác với số đông có thể bị cô lập). Đôi lúc, chính điều này có thể đem lại sự thuận tiện nhất định bởi việc viết tắt, nói lái giúp tiết kiệm thời gian trong giao tiếp trực tuyến. Đáng nói là nguyên nhân do giới hạn về hiểu biết ngôn ngữ của nhiều bạn trẻ, như chưa nắm vững nghĩa gốc của từ ngữ hoặc không hiểu rõ bối cảnh sử dụng phù hợp…
Trong bài diễn thuyết bằng quốc văn đọc tại buổi lễ kỷ niệm Nguyễn Du nhân ngày mất của nhà thi hào do Ban Văn học của Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức tại Hà Nội ngày 8-9-1924, học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) khi đó đang là Tổng Thư ký Hội đồng thời là chủ bút Tạp chí Nam Phong đã nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Rõ ràng, nếu một dân tộc nói bằng ngôn ngữ của dân tộc khác, của nước khác thì không còn là dân tộc đó, là người của nước đó nữa. Cho nên, ngay trong nhà trường, học sinh cần được dạy dùng đúng, dùng hay tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ chính thức của mình, song song với việc học các ngôn ngữ khác.
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)