Một chuyên đề đổi mới giảng dạy môn âm nhạc của Trường THCS Châu Văn Liêm, Phú Nhuận. Ảnh: P.N.Q |
Âm nhạc là một nghệ thuật động vì thế không thể có một tiết dạy nào thuần túy về lý thuyết. Trong các giờ học hát không khí lớp học cũng sẽ kém sinh động và thu hút nếu giáo viên (GV) không biết lồng ghép các trò chơi hấp dẫn vào trong tiết dạy của mình.
Vừa học vừa chơi
Cũng giống như các bộ môn khác, khi giảng dạy âm nhạc ở trường THCS, GV phải biết tận dụng hết các phương pháp dạy khác nhau như thuyết giảng, trình bày, phát vấn… bên cạnh các hình thức học tập của học sinh (HS) như tự nghiên cứu, thảo luận nhóm, thuyết trình, biểu diễn. Riêng âm nhạc là bộ môn có thể phát huy được nhiều nhất thế mạnh về hướng dẫn trò chơi trong giờ học. Các trò chơi đó đã tạo ra hiệu ứng lớn trong việc giúp các em khắc sâu kiến thức, phát triển kỹ năng và đặc biệt là phát huy tính tích cực chủ động của HS theo mục tiêu đổi mới. Âm nhạc có lợi thế của nó. Đây là bộ môn nghệ thuật động, nghệ thuật của âm thanh của ca từ. Lợi thế đó rất phù hợp với nhu cầu tâm sinh lý của lứa tuổi THCS, từ 11 đến 15 tuổi là hiếu động, thích được thể hiện mình. Trò chơi trong âm nhạc sẽ đưa lớp học vào một không gian đặc biệt, tạo nên được không khí sinh động trong giờ giảng. Nó như có ma lực cuốn hút và gây nhiều hứng thú cho HS kể cả những em lười học, thụ động. Không khí sôi động đó sẽ choán chỗ và đẩy lùi được cách dạy lý thuyết suông nặng nề nhàm chán. Không mang tính hàn lâm bác học theo kiểu “đao to búa lớn” các giờ học mang “bộ áo trò chơi” sẽ cuốn các em vào “cuộc chơi tri thức” lành mạnh làm giàu thêm vốn văn hóa âm nhạc phổ thông cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng.
Từ trước tới nay trong văn hóa dân gian và hiện đại, trò chơi vừa là nhu cầu lớn của con người vừa là phương tiện giáo dục hấp dẫn và hiệu quả. Vì thế những ai biết tổ chức trò chơi trong tiết học là người đó biết cụ thể hóa phương châm “học mà chơi, chơi mà học”. Đặc biệt trò chơi còn là chất xúc tác, keo kết dính vô hình giúp HS luôn tự tin mạnh dạn nhanh chóng hòa đồng và dễ cởi mở đoàn kết. Ý chí tinh thần đồng đội cũng được rèn luyện qua trò chơi đồng thời trò chơi còn thúc đẩy phát triển sự năng động sáng tạo của từng cá thể. Tuy nhiên do thời lượng tiết học hạn chế trong lúc trò chơi lại cần rất nhiều thì giờ nên GV phải đảm bảo nội dung bài học trước đã sau đó mới tính chuyện tổ chức trò chơi. Nếu không thì chuyện “cháy giáo án” sẽ xảy ra như cơm bữa. Trò chơi chỉ có “đất dụng võ” ở phần củng cố bài, các tiết ôn tập và rộng đường nhất là ở các tiết ôn tập. Một khó khăn khác khi tổ chức các trò chơi cần phải có đồ dùng, đạo cụ mà những thứ đó phải có thời gian chuẩn bị và cả chuyện tiền bạc kinh phí.
Những cách chơi hiệu quả
Trong quá trình dạy học, chúng tôi đã tổ chức được một số trò chơi sử dụng trong môn âm nhạc cấp THCS sau để các thầy cô các trường khác tham khảo và cho thêm ý kiến:
– Nghe nhạc đoán tên bài: Nhằm củng cố phân môn học hát và tập đọc nhạc, GV cho nghe một đoạn giai điệu bài hát hoặc bài tập đọc nhạc, đội nào có câu trả lời đúng và nhanh nhất sẽ được điểm.
– Nghe giai điệu xướng lời ca: Sau khi nghe một đoạn giai điệu bài hát, đội nào đọc hoặc hát lại đúng và nhanh nhất thì sẽ thắng.
– Điền tên bài hát vào tên tác giả: GV cho hai bảng phụ có tên tác giả và tên bài hát để HS gắn lại với nhau theo kiểu kết cột. Trò chơi này có thể sử dụng trong phân môn học hát và âm nhạc thường thức.
– Giải ô chữ: Từ các ô chữ cho sẵn, các đội sẽ lần lượt chọn số thứ tự hàng ngang hàng dọc để trả lời theo gợi ý giống như mở từ khóa trong chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”.
– Đọc ký hiệu nhanh: Các đội nhìn vào bảng phụ có ghi một câu nhạc hoặc một đoạn nhạc ngắn với nhiều dạng ký hiệu để viết tên các ký hiệu vào bảng trả lời.
– Chính tả tiếp sức: GV đọc tên ký hiệu lần lượt mỗi em viết thành ký hiệu trên khuông nhạc. Trò chơi này bổ trợ cho phân môn nhạc lý.
– Phát hiện và sửa sai: GV đưa ra một câu nhạc hoặc một cấu trúc có chỗ sai yêu cầu HS phát hiện ra điểm sai sót và chữa lỗi đúng sẽ được ghi điểm.
– Lặp lại tiết tấu hoặc giai điệu: HS lặp lại một giai điệu (khoảng 10 nốt nhạc) đề nghị các em lặp lại cho đúng. Số điểm tùy vào lần nghe đầu tiên hay các lần nghe sau đó.
– Ai đố hay ai giải hay? Một đội đưa ra câu đố yêu cầu các đội còn lại giành quyền trả lời để ghi điểm. Ra câu đố hay cũng được GV cho điểm cộng.
– Trò chơi đồng diễn – thể dục đồng diễn: Lấy nốt son làm chuẩn cho HS thay đổi tư thế đứng cao hơn hay thấp hơn tùy theo cao độ của từng nốt nhạc. Trò chơi này phát triển kỹ năng nghe và kích thích phản xạ nhanh cho HS.
Khi sử dụng trò chơi trong giờ âm nhạc, GV phải vận dụng linh hoạt tùy theo đối tượng để tăng giảm độ khó dễ chứ không phải “nhất cử nhất động” rập khuôn một cách máy móc. Không tập trung nhiều vào các em giỏi, các em có năng khiếu âm nhạc mà chú ý đều các nhóm đối tượng. Bên cạnh đó GV phải tích lũy được một ngân hàng trò chơi phong phú để thường xuyên thay đổi thực đơn gây hứng thú cho các em. Vừa là người quản trò và trọng tài nên thầy cô phải công minh, khách quan tránh gây mất đoàn kết giữa các đội.
Âm nhạc là nghệ thuật động nên trong các tiết dạy đều có phần hát và tập đọc nhạc đi kèm không có tiết học nào thuần lý thuyết cả. Tâm lý HS cũng vậy cứ đến giờ học nhạc là các em hiếu động hơn, ngồi không yên nhất là những em hay nghịch phá. Vì thế chúng ta phải biết khai thác ưu thế bộ môn qua các trò chơi để khắc sâu kiến thức thì mới có hiệu quả. Dù trong lớp có HS hiếu động hay nghịch phá thì tất cả cũng đi vào quỹ đạo chung của tiết học. Có như vậy giờ dạy mới thực sự thành công.
Nguyễn Thị Ái Chiêu
(GV Trường THCS Trần Quốc Toản, Q.9, TP.HCM)
Bình luận (0)