Phiên tòa giả định tại lớp 12A2
Theo đó, lớp học trở thành phiên tòa thu nhỏ, ở đó học sinh trong vai thẩm phán, thư ký, luật sư, kiểm sát viên, bị cáo, bị hại… với những câu chuyện tái hiện lại đời sống xã hội, được tranh biện rất trình tự. Đây là cách học môn GDCD tại lớp 12A2 Trường THPT Thủ Đức (TP.HCM) được cô Nguyễn Thị Nhung (Tổ trưởng Tổ GDCD) xây dựng với bài học Quyền tự do cơ bản của công dân. “Nhóm bài này có 5 quyền vi phạm trong lĩnh vực hình sự. Sau khi học sinh nắm các kiến thức chuẩn cơ bản, để kiểm tra lại bài học và giúp các em nắm kiến thức một cách có chiều sâu, tôi đưa ra yêu cầu làm thế nào để sử dụng những kiến thức đó tái hiện lên phiên tòa giả định”, cô Nhung cho hay.
Theo cô Nhung, để dựng lên những phiên tòa thu nhỏ ngay trong lớp học, ngoài kiến thức sách vở, các em còn phải tìm hiểu thêm kiến thức về việc xây dựng một phiên tòa, các thành phần của phiên tòa, tiến trình thực hiện một phiên tòa dựa trên hình thức của “Tòa tuyên án”. Nội dung phiên tòa tái hiện lại những câu chuyện có thật trong đời sống với các tình huống về tội giết người, tội xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, tội trộm cắp tài sản. “Điều sáng tạo ở đây chính là những tình tiết trong phiên tòa được các em xây dựng. Dưới góc nhìn học sinh còn có sự duyên dáng, hài hước nhưng không kém những thông điệp, triết lý nhân văn. Bên cạnh đó còn là các đạo cụ phiên tòa như mái tóc chủ tọa được làm từ giấy…”, cô Nhung chia sẻ.
Với hình thức này, cô Nhung cho biết các phiên tòa giả định luôn lôi cuốn học sinh, đến mức khi chủ tọa nói tòa tuyên án thì đồng loạt cả lớp đều đứng dậy. “Tình tiết, tranh biện… gay cấn như dự một phiên tòa thực sự”, Nguyễn Tự Hoàng Liêm (thành viên lớp 12A2) nói.
Xây dựng bài học GDCD bằng phiên tòa giả định là phương pháp được cô Nhung đưa vào thực hiện nhiều năm nay. Theo cô Nhung, bằng cách này kiến thức về đời sống pháp luật sẽ gần gũi, thực tế với học sinh hơn. “Ngoài độ sâu về kiến thức thì những tình tiết, sự việc được tái hiện chính là hành trang sống để các em bước vào đời một cách có hiểu biết và thượng tôn pháp luật”, cô Nhung nhấn mạnh.
Q.Long
Bình luận (0)