Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, số thí sinh đạt 9-10 điểm trong môn lịch sử đếm trên đầu ngón tay, thế nhưng, thí sinh Mạc Vương Thịnh (học viên Trung tâm GDTX Q.10, TP.HCM) lại làm được điều đó khi đạt 9,25 điểm ở môn này. Có lẽ, Thịnh là thí sinh học hệ GDTX đạt được mức điểm cao nhất ở môn lịch sử.
Chỉ dành 3 tháng để ôn tập
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, Thịnh đạt 24,75 điểm ở tổ hợp môn ngữ văn, lịch sử, địa lý; trong đó môn ngữ văn đạt 7,5 điểm, môn địa lý đạt 8 điểm và môn lịch sử đạt 9,25 điểm. Tuy nhiên, ít ai ngờ là Thịnh dành thời gian ôn tập 3 môn học trên chỉ trong… 3 tháng.
Thịnh cho biết: “Tổ hợp môn ngữ văn, lịch sử, địa lý là lựa chọn vào “phút chót” của em vì trước đó em chỉ tập trung ôn 3 môn toán, ngữ văn và tiếng Anh để phù hợp với các môn xét tốt nghiệp bắt buộc của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng trước kỳ thi, em biết được thí sinh có quyền thay thế môn thi và cũng do em thấy mình mất căn bản ở những môn này, khó xét tuyển vào ĐH nên lập tức quyết định chuyển môn thi”.
Cũng như nhiều thí sinh khác, với tâm lý xem ngữ văn, lịch sử, địa lý là các môn học bài nên Thịnh cảm thấy thời gian 3 tháng là rất ngắn nên khá lo lắng, đặc biệt là ở môn lịch sử. “Lịch sử có khá nhiều sự kiện, số liệu… nên em dành nhiều thời gian ôn tập môn này hơn những môn khác. Theo đó, mỗi ngày em học 1-2 bài tùy vào độ ngắn – dài của từng bài, đến hôm sau thì em “trả bài” những bài đã học, khi nào thấy thuộc rồi mới học tiếp. Ngoài ra, em còn nhờ em gái và bạn bè dò bài giúp, vì với em, có người dò bài sẽ cho mình thêm động lực học bài và học dễ thuộc hơn”, Thịnh chia sẻ bí quyết.
Mạc Vương Thịnh trong những ngày tự ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia |
Để đạt điểm cao trong ba môn ngữ văn, lịch sử và địa lý, việc học thuộc lòng là chưa đủ mà cần phải có vốn sống cũng như kinh nghiệm thực tế. Nói về kinh nghiệm thực tế này, Thịnh cho hay: “Em nghĩ mình lớn tuổi hơn các bạn học viên khác nên kiến thức xã hội nhiều hơn, vì vậy em đã vận dụng kiến thức này vào bài viết để tăng tính thuyết phục. Hơn nữa, mỗi buổi trưa khi đi học về em đều xem chương trình trên ti vi để vừa giải trí và nắm tin tức thời sự, xã hội trong nước, đặc biệt là các vấn đề về biển đảo bởi đề thi lịch sử những năm gần đây thường đề cập đến vấn đề này”.
Sáng học ở trường, chiều và tối Thịnh dành khoảng 8 tiếng để học bài, trong đó riêng môn lịch sử đã ngốn hết của chàng trai này 5 tiếng, còn lại học địa lý và thỉnh thoảng làm một bài văn nghị luận xã hội. Thịnh muốn học nhiều, nhưng thấy học liên tục hiệu quả kém nên đã ngắt quãng và chỉ học đến 11-12 giờ đêm là đi ngủ.
Từng là học sinh cá biệt
Thời niên thiếu của Thịnh khá “dữ dội” vì em bị nhà trường cho nghỉ học từ năm lớp 11 (lúc đó em vừa tròn 17 tuổi) bởi tội đánh nhau với bạn. Nói về hậu quả của tuổi trẻ bồng bột, Thịnh chia sẻ: “Tính chất vụ đánh nhau cũng khá nghiêm trọng vì lúc đó em và các bạn còn kéo học sinh trường khác đến quậy tưng bừng ở trường, trong khi trường em đang học có tiếng là nghiêm khắc số 1. Hậu quả là em bị buộc thôi học và chuyển sang học tại Trung tâm GDTX Q.5”.
Tuy nhiên, thời điểm đó Thịnh vẫn còn rất ngang ngạnh, không tha thiết với việc học lắm nên học ở Trung tâm GDTX Q.5 được vài tháng thì em cũng nghỉ học. Sau đó, Thịnh ở nhà phụ mẹ buôn bán rồi dần dần chuyển sang… đi chơi là chính. Sau đó Thịnh có đi làm một số việc để giúp ba mẹ nhưng cũng chẳng đâu vào đâu. “Em đã từng chạy xe ôm, phụ quán ăn, làm ở cửa hàng bánh pizza…, nhưng việc nào cũng chỉ kéo dài được vài tháng, thậm chí có việc em chỉ làm vỏn vẹn một tuần rồi nghỉ vì mặc cảm mình từng bị đuổi học, vì cái tôi còn rất cao nên thường gây gổ với mọi người trong chỗ làm”, Thịnh tâm sự.
Sau vài năm nghỉ học lêu lổng quậy phá khắp phố, Thịnh quyết định đi nghĩa vụ quân sự (đầu năm 2011). Em chia sẻ: “Ba mẹ muốn em đi nghĩa vụ quân sự vì đây là môi trường có tính kỷ luật cao để mình rèn giũa bản thân. Hơn nữa, em cũng đã chán cuộc sống lêu lổng không ổn định hiện tại nên muốn đi nghĩa vụ lắm”.
Những tháng ngày trong quân đội, Thịnh đã học được rất nhiều thứ quý báu, từ nề nếp sinh hoạt đến việc tự thân vận động, làm việc độc lập, có tính kỷ luật cao… Đặc biệt, Thịnh được tiếp xúc với nhiều người ở nhiều độ tuổi khác nhau nên đã học hỏi không ít kinh nghiệm bổ ích. Thời gian này, Thịnh cũng được các anh, các chú khuyên đi học lại vì tương lai của em còn rất dài. Vì vậy, sau khi xuất ngũ, dù đã 23 tuổi nhưng Thịnh quyết định tiếp tục việc học còn dang dở.
Thời gian đầu đi học lại, Thịnh khá lo lắng vì cứ nghĩ mình lớn tuổi hơn các học viên khác nên việc tiếp thu sẽ chậm hơn, ngại ngùng khi xưng hô… Đặc biệt, Thịnh gặp nhiều trở ngại trong chương trình học, nhất là các môn tự nhiên vì em gần như bị mất kiến thức hoàn toàn. Thịnh nhớ lại: “Dù cố gắng làm nhiều bài tập đến mấy thì cũng đụng đến kiến thức cũ. Em lại phải tìm hiểu kiến thức thêm vài lần nữa. Tuy nhiên, nhớ lại quãng thời gian đã đánh mất khi còn học phổ thông, nghĩ về tương lai còn nhiều điều đang chờ phía trước, em lại tiếp tục cố gắng…”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Những tháng ngày trong quân đội, Thịnh đã học được rất nhiều thứ quý báu, từ nề nếp sinh hoạt đến việc tự thân vận động, làm việc độc lập, có tính kỷ luật cao… |
Bình luận (0)