Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Học giỏi chưa chắc đã hành nghề tốt

Tạp Chí Giáo Dục

Trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Chọn nghề, bước kế tiếp cho tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM vừa tổ chức tại Trung tâm GDTX Q.1, các học viên đã đặt ra nhiều câu hỏi rất thực tế như: Làm sao để biết cá tính của mình phù hợp với nghề nào, học nghề cần có những tố chất gì để phù hợp với hội nhập thế giới?…

Học viên đặt câu hỏi cho Ban tư vấn tại chương trình

Giỏi văn – sử có làm hướng dẫn viên tốt?

Dù đang học lớp 12 nhưng nhiều học viên vẫn chưa xác định được sở thích, năng lực của mình như thế nào để phù hợp với nghề. Nguyễn Thị Hồng Hải (học viên lớp 12A1) bày tỏ: “Đến thời điểm này em còn chưa biết tính cách của mình phù hợp với nghề nào thì làm sao chọn được nghề phù hợp?”. ThS. Đào Lê Hòa An (Giám đốc chiến lược Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt) chia sẻ bí quyết: “Để chọn nghề phù hợp với tính cách em có thể lên mạng làm trắc nghiệm MBTI, trong đó sẽ có 50-70 câu hỏi giúp em biết được tính cách của mình như thế nào, mình hướng nội hay hướng ngoại, suy nghĩ theo lý trí hay tình cảm… Sau đó em hỏi những người thân xung quanh như cha mẹ, bạn bè, thầy cô xem tính cách của mình như thế nào. Từ đó em có thể xác định ưu điểm, nhược điểm của mình sẽ phù hợp với nghề nào. Còn để hiểu nghề, em nên liệt kê 3-5 nghề mà mình yêu thích, sau đó lên google gõ chữ “mô tả công việc” cộng với nghề mà em tính chọn thì sẽ có kết quả nghề này em sẽ làm gì, cần những tố chất gì…”.

Một học viên khác thắc mắc: “Em học tốt các tổ hợp môn văn, sử, địa. Vậy nếu em chọn ngành hướng dẫn viên du lịch thì liệu có thành công không khi năng lực học tập những môn xét tuyển vào ngành này của em rất tốt?”. Trả lời, ThS. Đào Lê Hòa An cho rằng các em không nên lầm tưởng năng lực học tốt môn nào là sẽ thành công với môn đó, năng lực học tập chỉ là một trong những tiêu chí dẫn đến thành công, năng lực đáp ứng yêu cầu của nghề, tức là tố chất nào của em phù hợp với nghề mới là quan trọng.

Với vấn đề làm thế nào để biết năng lực của mình có phù hợp với nghề, ông Nguyễn Duy Thơ (Hiệu trưởng Trường MaacViet Arena) phân tích: “Hiện nay, nhiều trường nghề có chương trình học thử vài ba tháng dành cho học viên, thậm chí có trường còn miễn học phí. Các em nên tận dụng cơ hội này để thấy mình có hứng thú với nghề mình yêu thích thật sự hay không”.

Làm đầu bếp cần có tố chất gì?

Tại Việt Nam, nhà hàng khách sạn là lĩnh vực đang phát triển mạnh khi đời sống vật chất và tinh thần của con người ngày càng nâng cao. Lĩnh vực này có nhiều nghề nhỏ được bạn trẻ yêu thích như đầu bếp, bartender… Thay vì phải mất 3-4 năm học CĐ, ĐH, những nghề này chỉ tiêu tốn thời gian của người học khoảng 3-8 tháng mà vẫn có việc làm ổn định khi ra trường. Tuy nhiên, vấn đề quan ngại của các học viên là lương thấp, nhưng lại sợ đòi hỏi cao về tố chất, năng lực.

“Không nên lầm tưởng năng lực học tốt môn nào là sẽ thành công với môn đó, năng lực học tập chỉ là một trong những tiêu chí dẫn đến thành công, năng lực đáp ứng yêu cầu của nghề, tức là tố chất nào của em phù hợp với nghề mới là quan trọng”, ThS. Đào Lê Hòa An nói.

Bà Nguyễn Thị Diễm (đại diện Trường hướng nghiệp Á Âu) cho biết: “Nhu cầu ăn uống của con người ngày càng cao, đòi hỏi nhiều nhu cầu về nhân lực nghề đầu bếp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chúng ta lại không đáp ứng được nhà tuyển dụng vì chất lượng còn kém. Hầu như người Việt ai cũng biết nấu ăn, nhưng nấu ở nhà sẽ khác với nấu ở nhà hàng. Muốn được làm việc ở nhà hàng theo chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao các em phải được đào tạo bài bản từ cách sử dụng dao, phương pháp nấu ăn như thế nào để phù hợp với các nguyên tắc về bếp Việt, bếp Á, bếp Âu, bếp Nhật…”.

Ngay sau chia sẻ của bà Nguyễn Thị Diễm, một học viên nam hỏi: “Làm thế nào để biết mình phù hợp với nghề đầu bếp?”. Trả lời, bà Nguyễn Thị Diễm khẳng định: “Nghề đầu bếp không đòi hỏi yêu cầu khắt khe về ngoại hình, kỹ năng quá cao mà quan trọng là phải xuất phát từ niềm đam mê. Đây là nghề không hề nhẹ nhàng nên có đam mê và chăm chỉ thì các em mới có thể đứng vững với nghề. Ngoài ra, khi học ở trường, các em sẽ được đào tạo thêm những kỹ năng cần thiết khác của nghề này”.

Thiết kế đồ họa cũng là một nghề đang khan hiếm nhu cầu nhân lực. Nghề này có thời gian đào tạo ngắn và không đòi hỏi người học phải có nhiều tố chất, kể cả năng khiếu vẽ. “Thiết kế đồ họa là nghề mới, không chỉ ở Việt Nam khan hiếm nhân lực mà nhiều nước khác cũng vậy. Vì thế nhiều người ngồi ở Việt Nam vẫn gia công cho nước ngoài là chuyện có thật. Hiện ở Việt Nam cần 60.000 nhân lực cho ngành này nhưng mỗi năm các trường chỉ đào tạo được khoảng 2.000 người. Nghề này thực tế không yêu cầu người lao động phải có kỹ năng vẽ mà chỉ cần có khả năng cảm nhận mỹ thuật bởi phần vẽ cũng đã sử dụng phần mềm…”, ông Nguyễn Duy Thơ cho biết.

Bài, ảnh: Dương Bình

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)