Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học giỏi để về với… ruộng đồng: Người bạn của… tôm cá

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trần Thanh Hoài (bìa phải) tại lễ trao học bổng
Vũ Ngọc Linh vào Khoa Thủy sản Trường ĐH Nông lâm là do rớt nguyện vọng 1 vào Khoa Công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Lúc đầu em có buồn chút chút nhưng càng học Linh càng say mê với ngành chăn nuôi và chế biến thủy sản, dù em là dân TP chính gốc. Vì thế, suốt bốn năm ở trường ĐH, điểm thi cuối kỳ của em luôn trên 8,0. Nhà đông anh em mà Linh là con gái đầu lòng nên ba mẹ đã phải còng lưng vất vả vì chuyện ăn học của bốn đứa con. Dù khó khăn nhưng lúc nào Linh cũng ráng học không chỉ để đền đáp công lao dưỡng dục của ba mẹ mà còn làm gương cho các em noi theo. Nghị lực đó đã giúp em vượt qua được rất nhiều thử thách trên quãng đường theo nghiệp đèn sách. Người gắn bó nhất với em là bà nội đang ở chung nhà cùng ba mẹ. Ngay từ nhỏ, cô cháu gái xinh xắn và dễ thương luôn được bà cưng chiều bồng bế trên tay. Những bài văn đạt điểm cao của em luôn có bóng dáng những câu chuyện cổ tích và những bài hát ru đung đưa bên cánh võng của người bà có mái tóc bạc phơ.
Các bộ môn mà Linh yêu thích như di truyền học, phân tử đã trở thành kiến thức nền tảng để em nghiên cứu sâu hơn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Theo Linh, một cán bộ ngành thủy sản phải có kiến thức chuyên sâu về việc phát hiện và điều trị bệnh cho các loài động vật như tôm, cá, cua, rùa… để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại và giúp bà con nông dân vượt qua những khó khăn trong việc nuôi trồng thủy sản.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất mà cô SV năm thứ tư vẫn còn lưu giữ đến ngày hôm nay là hai chuyến đi thực tập tại Nha Trang và Tiền Giang. Ở đó, Linh đã có thêm những bài thu hoạch về công nghệ chế biến thức ăn thủy sản và điều quan trọng hơn là được lớn khôn hơn khi bắt đầu “chạm ngõ” với công việc của một kỹ sư nuôi trồng thủy sản. Trong suốt một tháng đi thực tập, tôm cá đã trở thành người bạn thân thiết của Linh.
Chàng SV miền biển

Vũ Ngọc Linh (thứ hai từ trái sang)
Chàng SV hoạt bát Trần Thanh Hoài quê ở vùng biển Quy Nhơn (Bình Định). Ngay từ khi bước chân vào trường tiểu học, Hoài đã được cô giáo chủ nhiệm tin tưởng giao cho trách nhiệm “cai quản” lớp 1A. Mặc dù cùng trang lứa nhưng so với các bạn trong lớp, em có vẻ chững chạc và dạn dĩ hơn nhiều. Như niềm mong đợi của cô giáo, Hoài tỏ ra quyết đoán và cứng rắn khi giải quyết mọi việc trong nội bộ lớp. Lên lớp 2, lại được giáo viên chủ nhiệm tín nhiệm nên Hoài không “rứt” ra được chức vụ cao nhất trong lớp. Cứ thế cho đến năm cuối cấp THCS, Hoài không “chịu nhường” chức lớp trưởng cho ai. Cả một bề dày kinh nghiệm lãnh đạo đó đã giúp cho cậu SV Khoa Nông học có thêm “tấm giấy thông hành” để làm tốt công tác cán bộ lớp bốn năm liên tục tại trường ĐH. Có thể nói, bao nhiêu năm ngồi trên ghế nhà trường là bấy nhiêu năm Hoài cống hiến toàn bộ nhiệt huyết của mình cho mọi phong trào của tập thể. Qua buổi trò chuyện thân tình, chúng tôi được biết, tuổi thơ của Hoài đã trải qua nhiều năm tháng cực khổ cùng gia đình. Hình ảnh những người dân làm nghề biển vất vả đã hằn sâu trong trí nhớ của Hoài mỗi lần em nghĩ về ba mẹ. Dù mưa gió hay giông bão ba em cũng không có được một ngày nghỉ. Từ 4-5 giờ sáng ông đã dậy theo tàu ra biển đến tối mịt mới về. Cứ chiều chiều, Hoài lại chạy ra bến cá phường Hải Cảng, sát đồn biên phòng, phóng tầm mắt ra xa để đón ba về như chờ đợi một niềm hạnh phúc lớn lao nhất của đứa trẻ thơ. Thế nhưng, nhiều hôm đến 12 giờ khuya, Hoài mới thấy ba đội bóng tối đi về, mặt mày bơ phờ vì mệt mỏi. Những lúc như vậy Hoài càng được tiếp thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. Bạn bè thắc mắc khi biết Hoài là dân TP nhưng không hiểu sao lại chọn con đường vào Khoa Nông học. Nhưng ít ai biết rằng ngay từ khi học phổ thông, trong lúc mọi người chê ngành “làm ruộng” thì Hoài đã có thiên hướng đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu chăn nuôi và trồng trọt. Hoài chia sẻ: “Do rất thích ngành giống cây trồng và thủy nông nên em quyết tâm thi vào Khoa Nông học”. Mỗi lần ra vườn ngắm cây hoặc nhìn dòng nước chảy trên cánh đồng lúa, Hoài lại nhớ đến câu tục ngữ được bà con nông dân truyền tai nhau từ bao đời nay: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Trong trồng trọt – theo Hoài – hai yếu tố quan trọng đầu tiên quyết định tăng năng suất là giống và phân. Nếu biết tiếp cận và áp dụng tốt khoa học kỹ thuật tiên tiến thì bà con ta sẽ đỡ vất vả do mùa vụ thất bát quanh năm. Hoài luôn nghĩ, nếu bạn nào cũng chê ngành nông học thì lấy ai giúp đỡ bà con nông dân và làm sao đưa ngành nông nghiệp của nước nhà đi lên.
Bài, ảnh: Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)