Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học giỏi nên mạnh dạn chọn trường tốp trên

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường Trung học Thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nêu thắc mắc tại buổi tư vấn

Mỗi kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ đi qua, không ít thí sinh thi rớt vì “trèo” quá cao. Tuy nhiên, cũng có nhiều thí sinh thất vọng bởi lựa chọn trường bình thường trong khi năng lực có thể trúng tuyển vào những trường tốp trên.
Trong buổi tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức tại Trường Trung học Thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), nhiều chuyên gia tư vấn đã thẳng thắn khuyên các em học sinh giỏi nên lựa chọn trường tốp trên.
Ngành y – dược thu hút thí sinh
Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, điểm bình quân 3 môn thi của thí sinh cả nước là 11,3 điểm; TP.HCM vinh dự là địa phương đứng thứ hai trên cả nước, riêng Trường Trung học Thực hành (thuộc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thì điểm thi rất cao, xếp hạng thứ 6 trong số các trường THPT có thí sinh thi ĐH, CĐ.
Với học lực này, học sinh nhà trường có thể mạnh dạn đăng ký dự thi vào các trường tốp trên. Có rất nhiều thí sinh quan tâm đến ngành y, một ngành có điểm trúng tuyển khoảng 27-28 điểm trong các năm qua. Tuy nhiên, vấn đề các em lo sợ là bằng cấp không được công nhận ở nước ngoài.
Em Nguyễn Phước Quý Tài (học sinh lớp 12A4) thắc mắc: “So với các ngành khác, ngành y học mất nhiều thời gian nhất. Em muốn học ngành y ở Việt Nam rồi ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, em nghe nói bằng cấp ở Việt Nam không được công nhận ở thế giới, điều này có đúng không?”. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hữu Phát (Trường ĐH Hoa Sen) khẳng định: “Khi sinh viên tốt nghiệp ở Việt Nam, bằng cấp không phải không được công nhận ở nước ngoài, nếu các em muốn học lên cao thì vẫn tiếp tục được chuyển ở một số môn chứ không phải học lại từ đầu. Thế giới vẫn công nhận bằng ĐH ở Việt Nam nên các em cứ yên tâm khi học ở nước mình”.
Dù rất muốn thi vào nhóm ngành y – dược nhưng thời gian đào tạo nhóm ngành này dài hơn các ngành khác, trong khi đó thông tin từ Bộ Quốc phòng là tất cả thí sinh nam dù trúng tuyển ĐH đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nên các em khá lo lắng.
Đối với vấn đề này, ThS. Trương Bình Minh (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) trấn an: “Theo thông tư 13 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Quốc phòng thì nghĩa vụ quân sự đối với thanh niên năm nay có điểm khác so với mọi năm là những sinh viên nam đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nếu địa phương chưa tuyển đủ thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự thì các em sẽ thực hiện nghĩa vụ này trước, rồi sau đó mới đi học, các trường ĐH, CĐ có nhiệm vụ bảo lưu kết quả cho các em, thậm chí những em đã làm thủ tục nhập học cũng phải làm nghĩa vụ này. Còn nếu địa phương tuyển đủ thì sau khi tốt nghiệp ĐH các em sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự thêm hai năm”.
Ông Minh cũng thẳng thắn đưa ra lời khuyên: “Những thí sinh nào học giỏi như học sinh Trường Trung học Thực hành nên mạnh dạn thi vào trường tốp trên như ĐH Y dược TP.HCM, còn những em học khá nên thi vào ĐH Nguyễn Tất Thành. Còn chương trình đào tạo nhìn chung theo khung của Bộ GD-ĐT”.
Cùng một nhóm ngành, nên thi trường nào?
Ngoài việc quan tâm đến ngành “hot” như nhóm ngành y – dược thì thí sinh còn quan tâm đến chất lượng đào tạo của từng trường. Vì thế, các em đưa ra rất nhiều ý kiến để các chuyên gia tư vấn so sánh từng ngành đào tạo giữa các trường nhằm giúp các em chọn môi trường học tập tốt nhất.
Một học sinh đặt câu hỏi qua giấy: “Em muốn thi ngành marketing nhưng phân vân giữa Trường ĐH Hoa Sen và Tài chính Marketing, cả hai trường đều có thế mạnh riêng. Tuy nhiên, điểm chuẩn đầu vào của ĐH Hoa Sen lại thấp hơn và đòi hỏi trình độ tiếng Anh theo học cao hơn. Còn lớp chất lượng cao của Trường ĐH Tài chính Marketing thì chỉ đòi hỏi TOEIC trên 450. Như vậy, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp của hai trường như thế nào?”.
TS. Trần Văn Thi (Phó trưởng khoa Marketing, Trường ĐH Tài chính Marketing) cho hay: Trường ĐH Tài chính Marketing là trường đầu tiên mở chuyên ngành marketing tại khu vực miền Nam (1991). Kết quả tuyển sinh những năm trước đây trường lấy điểm ngành này khá cao, khoảng 18-19 điểm. Ngành marketing của trường có hai chuyên ngành chính là marketing tổng hợp và marketing quản trị thương hiệu”.
Ông Nguyễn Hữu Phát (Trường ĐH Hoa Sen) bổ sung: “Mỗi trường có những thế mạnh, hướng đi riêng nên các em cần tìm hiểu kỹ từng trường trước khi nộp hồ sơ dự thi. Về điểm chuẩn năm 2012, ngành marketing của trường có nguyện vọng 1 là 14 điểm và không xét tuyển nguyện vọng bổ sung vì đã có đủ chỉ tiêu. Như vậy, số lượng học sinh quan tâm đến ngành này ở ĐH Hoa Sen khá cao. Khi tốt nghiệp, sinh viên phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế bằng TOEIC hoặc TOEFL  hoặc IELTS nhằm giúp sinh viên làm việc tốt hơn. Khả năng việc làm của ngành này cũng rất cao, trên 80% sinh viên của trường có việc làm trước thời điểm nhận bằng tốt nghiệp”.
Trong khi đó, ThS. Nguyễn Văn Đương (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho hay: “Khi chọn ngành, chọn trường các em nên quan tâm đến một số điểm như: Quá trình thành lập ngành đó, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và xem các hình thức hỗ trợ cho sinh viên trong quá trình học… Sau đó căn cứ vào năng lực của mình có đáp ứng được điểm chuẩn hay không?”.
Bài, ảnh: Dương Bình 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)