Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học giỏi nhất trường cũng rớt tốt nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, kỳ thi tốt nghiệp THPT (lúc ấy gọi là thi tú tài) là nỗi lo hàng đầu của hầu hết học sinh, bởi những năm ấy, tỉ lệ rớt tốt nghiệp khá nhiều. Cho nên, đa phần học sinh cố gắng kiếm cho được “tấm vé tốt nghiệp” rồi mới tính “tấm vé ĐH”.

Tôi nhớ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 1997, một chị gần nhà thi rớt, đó là nỗi buồn lớn của chị và cũng là nỗi lo cho những đứa em như chúng tôi đang chuẩn bị bước vào lớp 12. Những ngày đầu biết kết quả thi tốt nghiệp, mỗi lúc gặp ngoài đường là thấy nước mắt chị tuôn rơi. Chị chỉ biết khóc trong nỗi buồn của một người thất bại. Lúc nào chị cũng đội nón lá và cúi mặt xuống mỗi khi ra đường vì không dám nhìn người khác. Mà người khác biết vậy nên cũng đành im lặng. Chị đành chờ thi đợt 2. Những năm ấy thi tốt nghiệp 2 đợt. Học sinh thi đậu đợt 1 sẽ có bằng màu đỏ và thi đậu đợt 2 sẽ có bằng màu xanh. Bằng có bìa khác nhau để phân loại đợt 1 và đợt 2. Nếu thi rớt đợt 1, đậu đợt 2 thì phải chờ năm sau mới có cơ hội thi vào ĐH. May thay, đợt 2 năm ấy chị đã thi đậu. Tấm vé tốt nghiệp những năm ấy đã làm cho biết bao học sinh phải “lao đao”, buồn tủi và đôi lúc cảm thấy “nhục nhã” nữa.

Rồi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 1998 đến với chúng tôi. Năm ấy khá nhiều học sinh thi trượt. Ở trường tôi (năm đó có 4 lớp 12) cũng rớt nhiều, trong lớp tôi không phải ngoại lệ. Những đứa bạn thân tôi thi rớt, cũng chỉ biết nằm ở nhà và… khóc. Khi chúng tôi khăn gói lên đường thi ĐH thì những bạn ấy lại bước vào ôn thi đợt 2. Điều khiến cả trường ngỡ ngàng nhất là bạn học sinh giỏi nhất trường lại rớt tốt nghiệp. Đó là chuyện không thể ngờ, không thể nào tưởng tượng nổi.

Thí sinh trao đổi với nhau sau buổi thi môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: N.Anh

Đ. là học sinh giỏi nhất trường. Thầy cô luôn ca ngợi Đ. và Đ. chính là tấm gương sáng cho chúng tôi học tập. Việc Đ. có thể thi đậu nhiều trường ĐH (thời đó thí sinh có thể thi ba trường ĐH) là chuyện dễ như… trở bàn tay. Nhưng có ngờ đâu bạn ấy lại rớt tốt nghiệp. Thầy cô, bạn bè cho rằng, có thể Đ. rớt tốt nghiệp do học nhiều quá, căng thẳng quá. Và chính vì học nhiều khiến cho cậu ấy “mất thăng bằng” khi bước vào phòng thi. Không chỉ rớt tốt nghiệp năm ấy, sau đó cuộc đời của Đ. đã kết thúc không có hậu…

Những năm qua, áp lực học hành, thi cử lại đè lên đầu học sinh. Cái bệnh sĩ của nhiều phụ huynh đã làm cho con cái khủng hoảng tinh thần và thậm chí gây hậu quả rất lớn. Con cái trầm cảm, bị thần kinh, thậm chí dẫn đến cái chết cũng vì học hành, thi cử.

Dẫu biết rằng thời đại này kinh tế phát triển, gia đình có điều kiện để con cái học thành tài nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ép con phải học sáng, chiều, tối; không đồng nghĩa với việc ép con học “theo ý nguyện – sở thích” của cha mẹ; không đồng nghĩa với việc con mình phải có bằng ĐH, phải làm “thầy” chứ không làm “thợ”. Các bậc cha mẹ đừng vì bệnh sĩ “con tôi học ĐH” mà vô tình đẩy con cái vào bước đường cùng. Điều quan trọng nhất là cần quan tâm, chia sẻ cùng con cái hơn là áp đặt. Học sinh thời này, kể cả thành thị lẫn nông thôn đều “chạy sô” nhiều quá. Học sinh giỏi kiến thức sách vở nhưng dở về kỹ năng sống. Không thể trách các em được, bởi đó là “kết quả” từ người lớn. Học nhiều không phải là điều tốt. Áp lực việc học hành, thi cử đôi khi dẫn đến những hậu quả không bao giờ sửa sai được.

Do đó, các bậc cha mẹ đừng đặt áp lực nặng nề về thi cử. Nếu thấy con cái mình học quá mức nên khuyên con học ít hơn, dành thời gian để làm những việc khác và cần giải trí nhiều hơn; bởi trên thực tế, học nhiều quá sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Học giỏi cũng có thể rớt tốt nghiệp, rớt ĐH bởi “mất thăng bằng trong cuộc sống”.

Sông Lam

Bình luận (0)